Chính sách đối ngoại của Philippines với Trung Quốc: Vẫn ở chế độ "chờ"

Quốc tế - Ngày đăng : 08:49, 18/06/2016

Tổng thống tân cử của Philippines Rodrigo Duterte và chính sách của ông với Trung Quốc giờ đây đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Chính sách đối ngoại của Philippines với Trung Quốc: Vẫn ở chế độ

Tổng thống tân cử của Philippines Rodrigo Duterte và chính sách của ông với Trung Quốc giờ đây đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Đọc E-paper

Trong 6 năm dưới thời Tổng thống Bernigno Aquino, Philippines nổi lên như một trong những nước bày tỏ lập trường cứng rắn nhất với Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên mọi thứ đang có vẻ sẽ thay đổi khi ông Rodrigo Duterte chính thức nắm quyền vào ngày 30/6.

Ngay từ đầu cuộc vận động tranh cử tổng thống, ông Duterte đã nói khá rõ ràng về chính sách đối ngoại của ông với Trung Quốc: Sẵn sàng đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp. Đây là điều đi ngược lại với “chiến thuật” của Philippines cũng như các nước khác trong khu vực là dùng luật quốc tế để chứng minh việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền là phi pháp. Mặc dù vậy tính cho đến nay, ông Duterte vẫn đang để kế hoạch đàm phán với Trung Quốc ở chế độ “chờ”.

Ngày 8/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố đã thúc giục Philippines về vấn đề đàm phán song phương, khẳng định Manila đã phớt lờ đề xuất của Bắc Kinh về một cơ chế đàm phán thường xuyên quanh các va chạm trên biển.

"Trung Quốc đã có những đề xuất với Philippines về việc thành lập các cơ chế đàm phán thường xuyên về các vấn đề trên biển, nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào từ phía Philippines", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Bộ Ngoại giao Philippines không bình luận gì về việc đó, tuy nhiên Reuters dẫn lời một quan chức cho hay ý định của ông Duterte là sẽ không vội vàng đàm phán vô điều kiện với Trung Quốc. Hiện tại, Philippines vẫn đang kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế tại The Hague (Hà Lan) xung quanh các tranh chấp trên Biển Đông, dù Bắc Kinh vẫn nhắc đi nhắc lại rằng họ không chấp nhận bất kỳ kết quả kiện cáo nào của bên thứ ba.

Ông Duterte từng nói sẽ đàm phán song phương sau 2 năm nếu cách làm của người tiền nhiệm Aquino không hiệu quả, có thể tiếp tục chờ phản ứng của Trung Quốc trước quyết định của tòa quốc tế rồi mới tìm cách nói chuyện tay đôi.

Trên thực tế đối với Philippines, hình ảnh Trung Quốc không hẳn chỉ là một kẻ thù sau vụ tranh chấp ở bãi cạn Scarborough. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Philippines, và cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chỉ tiêu kinh tế mà ông Duterte muốn đạt được (tăng trưởng từ 7-8%/năm).

Một mối quan hệ "tan băng" của Philippines với Trung Quốc đang khiến các doanh nghiệp Philippines cảm nhận tín hiệu tích cực.

Enrique Razon, chủ tịch và nhà sáng lập của tập đoàn khách sạn và casino Bloomberry Resorts nơi có 40% khách VIP là người Trung Quốc, đánh giá cao chính sách đàm phán song phương của ông Rodrigo Duterte với Trung Quốc, và cho rằng đây là điều tốt cho doanh nghiệp.

"Ngay cả khi không có sự nhất trí nào đạt được trong các cuộc đàm phán song phương, nó cũng xoa dịu mối quan hệ hai nước. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ sẽ được cải thiện đáng kể", ông Razon nói.

>Philippines trông đợi gì ở ngài "Digong"?

>Manny Pacquiao - Người hùng Philippines

>WB: Môi trường kinh doanh Việt Nam vượt xa Philippines và Indonesia

THÁI BẢO