Kỳ vọng gì ở ngành công nghiệp hỗ trợ?

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 04:32, 22/06/2016

Dù đã có nhiều chính sách được ban hành để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng đến nay ngành này vẫn chưa phát triển.
Kỳ vọng gì ở ngành công nghiệp hỗ trợ?

Dù đã có nhiều chính sách được ban hành để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nhưng đến nay CNHT vẫn chưa phát triển. Đó là nhận định chung từ đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại các nước khi nói về ngành CNHT Việt Nam.  

Đọc E-paper

Tuần qua, tại Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Đổi mới doanh nghiệp, nâng cao năng lực và kỹ năng cho nhân viên, ông Nguyễn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, sau hơn ba năm Chính phủ ban hành chính sách phát triển CNHT, đến nay đã có một số kết quả.

Trong lĩnh vực sản xuất xe máy, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt khoảng 85 - 90%, trong đó có động cơ, bộ chế hòa khí, hộp số, khung, sườn, phanh, giảm xóc. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô đạt 30 - 40% với xe tải và xe trên 10 chỗ ngồi. Đối với dòng xe dưới 9 chỗ, tỷ lệ nội địa hóa đạt 15%.

Tuy nhiên, số lượng DN tham gia được vào chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng cho các tập đoàn lớn và tham gia xuất khẩu chưa nhiều. Hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên phụ liệu, linh kiện, để phục vụ nhu cầu sản xuất.

Trước đó, tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản Văn phòng TP.HCM (JETRO) và ITPC để đồng tổ chức Triển lãm Liên minh các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ 2016 và METALEX Vietnam 2016, ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng Đại diện JETRO thẳng thắn chia sẻ với báo giới về thực trạng ngành CNHT Việt Nam, rằng, các chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với ngành CNHT đến nay phần lớn không có hiệu quả, trong đó có một phần là do những chính sách ấy chưa được thông báo rộng rãi.

Do đó, cùng với sự mở rộng đầu tư của DN nước ngoài, môi trường công nghiệp Việt Nam biến đổi mạnh nhưng các DN Việt Nam trong lĩnh vực CNHT đang bị bỏ lại.

Theo khảo sát của JETRO năm 2015, tỷ lệ chi phí nhân công trong chi phí sản xuất của các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam chiếm 19%, tỷ lệ nguyên vật liệu chiếm 58%. Tỷ lệ cung ứng nội địa của các công ty Nhật Bản tại miền Nam Việt Nam là 17%. Cho thấy, CNHT ở miền Nam Việt Nam đang phát triển nhanh. Trước những dấu hiệu tích cực ấy, Chính phủ cần phải có các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy ngành CNHT phát triển.

Tới đây, ITPC sẽ hợp tác với Ban quản lý các KCX và KCN TP.HCM (HEPZA), Sở Công Thương, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Ban quản lý các KCN ở Bình Dương, Đồng Nai triển khai triển lãm METALEX 2016 cùng JETRO.

Theo đó, cùng với hơn 500 thương hiệu đến từ 25 quốc gia tham dự triển lãm METALEX 2016 tại Việt Nam sẽ còn có nhiều chương trình kết nối nhằm tìm kiếm DN mới trong ngành CNHT Việt Nam.

>JETRO: Gần 64% DN Nhật muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

>36% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tận dụng được FTA

> Đồng Nai thu hút gần 4 tỷ USD vốn FDI từ doanh nghiệp Nhật Bản

DUY KHUÊ