Người nâng đỡ "đế chế” Android

Công nghệ - Ngày đăng : 04:12, 23/06/2016

Không thể phủ nhận, nhiều hãng công nghệ đã góp phần làm nên tăng trưởng thần kỳ cho nền tảng Android.
Người nâng đỡ

Không thể phủ nhận, nhiều hãng công nghệ đã góp phần làm nên tăng trưởng thần kỳ cho nền tảng Android. Google đã cho ra đời 14 phiên bản Android kể từ khi ra mắt năm 2008, với hơn 1,4 tỷ người thường xuyên sử dụng. Đến nay, đã có khoảng 7,5% người dùng Android sử dụng bản Marshmallow, phiên bản thương mại mới nhất.

Đọc E-paper

Từ cuộc rượt đuổi smartphone

Có thể nói, HTC T-Mobile G1 (HTC Dream) được xem là chiếc smartphone Android đầu tiên ra mắt từ tháng 10/2008. Ít lâu sau, Samsung cũng nhanh chóng công bố chiếc smartphone Android đầu tiên của hãng - Samsung GT-I7500. Sau đó, hãng tiếp tục ra mắt Behold II và Moment, tuy nhiên do thiết kế vay mượn cũng như cái bóng quá lớn của HTC Dream khiến Samsung chìm nghỉm.

Đến giữa năm 2010, Samsung mới ra mắt công chúng Galaxy S - chiếc điện thoại Android cao cấp, đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ. So với những sản phẩm trước, Galaxy S có một cú lột xác không thể ngoạn mục hơn. Dù không có cảm giác chắc chắn như Motorola DROID nhưng Galaxy S trông mỏng và nhẹ hơn với vỏ nhựa.

Không khó nhận ra sự tương đồng trong thiết kế giữa iPhone và chiếc smartphone này bởi màn hình cảm ứng lớn cùng nút home vật lý bên dưới. Tiền thân của dòng Edge ngày nay là Samsung Continuum, smartphone Android có hai màn hình đầu tiên trên thế giới. Màn hình Sticker này có chức năng cập nhật liên tục những thông báo mới từ dịch vụ SMS, email, mạng xã hội.

Phải đến giữa năm 2011 với Galaxy Note, Samsung mang đến một khái niệm hoàn toàn mới "Phablet" - thiết bị lai giữa máy tính bảng và smartphone. Galaxy Note chính là phiên bản phóng to của dòng sản phẩm Galaxy S. Điểm cộng duy nhất của nó là bút cảm ứng S Pen, giúp người dùng thao tác dễ dàng hơn. Galaxy S III ra đời, nối tiếp thành công của hai thế hệ trước, giúp nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc trở thành tên tuổi lớn trong ngành công nghệ. Góc điện thoại được bo tròn khiến máy gây thiện cảm với người dùng. Khác với Motorola và HTC, Samsung vẫn trung thành sử dụng chất liệu nhựa cho sản phẩm này.

Samsung đã phát hành Galaxy Note thế hệ thứ 2 vào tháng 9/2012. Chiếc smartphone này thừa hưởng thiết kế nhựa polycarbonate từ Galaxy S III và có kích thước màn hình lên đến 5,5 inch. Để cạnh tranh với Lumia 1020 của Nokia, Samsung cải tiến chiếc S4 ban đầu với ống kính máy ảnh 16 MP cảm biến 1/2,33 BSI-CMOS với zoom quang học lên đến 10x. Tiếp đó, phiên bản điện thoại lai máy ảnh ra đời - Galaxy S4 Zoom.

So với S4, Galaxy S5 vượt trội hơn khi được cấp chứng nhận IP67 cho thiết kế chống nước. Mặt sau S5 vẫn được làm bằng nhựa hyperglaze cao cấp, nhưng được thiết kế lại giúp chống trơn trượt khi dùng cũng như hàng loạt tính năng mới. Ăn theo S5 là một loạt các sản phẩm khác như Samsung Galaxy K Zoom, Samsung Galaxy S5 Active/Sport, Galaxy S5 mini.

Hai năm trở lại đây, chiếc điện thoại khung nhôm đầu tiên của Samsung ra đời với tên gọi Galaxy Alpha. Phải thừa nhận rằng, thiết kế của Galaxy Alpha đẹp nhất trong số các sản phẩm đã ra mắt. Tuy nhiên, cái giá phải đánh đổi là sự thiếu vắng những tính năng đắt giá như khả năng chống nước, cảm biến vân tay...

Tuy nhiên, Galaxy S6 và S6 Edge đã gây được tiếng vang lớn khi có thiết kế hoàn toàn bằng kính và kim loại. Đặc biệt, thiết kế màn hình cong ở hai cạnh của S6 Edge được đánh giá cao. Thời điểm hiện tại, Samsung Galaxy S7 và Galaxy S7 Edge đã làm hài lòng những khách hàng khó tính vì khả năng chống nước và tích hợp khe cắm thẻ nhớ.

Một số đối tác lớn của Google đã tuyên bố sẽ chống lưng cho Android N trong khi Samsung, HTC, ZTE, Huawei, Xiaomi, Alcatel, Asus và LG sẽ cho ra mắt smartphone hỗ trợ Daydream vào mùa Thu tới.

Đến tham vọng của Google

Tham vọng của Google muốn Android trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống công nghệ: Là nền tảng của công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), là phần mềm để kết nối tới internet từ xe cộ, thiết bị di động cho tới đồng hồ thông minh. Kể cả những dịch vụ của Google hiện cũng đang là một phần thiết yếu, bao gồm: tìm kiếm, bản đồ, YouTube và Play Store, mỗi dịch vụ đều đang có hơn 1 tỷ người dùng.

Tuy nhiên, vấn đề của Google chính là sự thiếu hợp tác với các nhà sản xuất. Đó là lý do cách đây 2 năm, sau khi bị phàn nàn rằng do công bố quá muộn khiến việc bán ra smartphone với phiên bản Android mới bị chậm trễ, Google đã phải đổi hẳn việc công bố này vào sự kiện I/O mùa Xuân. Và đó cũng là lý do tại sao Android N lại được giới thiệu sớm đến như vậy. Daydream đã trở thành một thành tố quan trọng của Android N, với phần cứng mới và nền tảng phần mềm phụ thuộc vào Android để trải nghiệm được thực tế ảo (VR).

Cách tiếp cận của Google với Daydream rất khác với Oculus Rift của Facebook hay Vive của HTC. Chúng đòi hỏi người dùng VR phải sở hữu một phần cứng mạnh mẽ.

Cardboard, bước đi đầu tiên của Google vào thế giới VR, có thể hoạt động với bất kỳ smartphone nào, nhưng Daydream thì không. Các nhà sản xuất sẽ phải tạo ra những cỗ máy cao cấp, đắt đỏ và đặc biệt phải chú trọng tới thực tế ảo. Điều đó có nghĩa là thêm cảm biến, thêm vi xử lý và thêm cả phần mềm vào để tất cả có thể hoạt động trơn tru. Việc nâng cấp là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo trải nghiệm không bị trễ.

Ông Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google đồng ý rằng: sự phân mảnh chính là thách thức lớn nhất! Nhưng ông cũng nhìn nhận theo một hướng khác: Liệu những phiên bản mới có thể thỏa mãn tất cả các đối tác với những thiết bị khác nhau, tính năng khác nhau cũng như mức giá khác nhau. Không hẳn phân mảnh là điều xấu, vì chính phân mảnh tạo nên sự đa dạng. Và đa dạng chính là điểm mạnh lớn nhất của Android.

>Google bị EU điều tra chống độc quyền hệ điều hành Android

>Hợp nhất Android - Chrome OS và giấc mơ thống trị của Google

>12 thiết bị đình đám gắn với các phiên bản Android

MINH ĐỨC