Hàng thủ công Hội An lao đao vì hàng nhái

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:35, 25/06/2016

Hầu hết hàng thủ công Hội An đều sản xuất tại chỗ, không bị hàng Trung Quốc lấn át.
Hàng thủ công Hội An lao đao vì hàng nhái

Đi dạo những con phố nhỏ cổ kính ở Hội An có thể nhìn ngắm diện mạo một thành phố du lịch đã hỗ trợ mạnh mẽ để nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, tạo ra một lượng hàng hóa lớn. Và quan trọng nhất là Hội An thu hút được tay nghề và chất xám của nghệ nhân nhiều tỉnh - thành về làm ăn. Điều thú vị hơn nơi khác ở chỗ là hầu hết hàng thủ công sản xuất tại chỗ, không bị hàng Trung Quốc lấn át.  

Đọc E-paper

Hai triệu du khách/năm đổ về trong một không gian nhỏ như phố cổ Hội An đã tạo lực hấp dẫn về phát triển nghề thủ công mỹ nghệ tại các làng ngoại ô. Nhưng Hội An còn thu hút các nghệ nhân, giới nghệ sĩ đến làm việc và sáng tạo ra sản phẩm thủ công mới thu hút khách du lịch để có sự cân đối giữa cung với cầu.

Chính ở đây, các mặt hàng cao cấp từ lụa, mây tre, xơ dừa, cây dâu tằm, gỗ mỹ nghệ, may thời trang, gốm, đúc đồng đã tạo ra sự hấp dẫn trong du lịch mua sắm tại phố cổ.

Tuy nhiên, thị trường bỏ ngỏ cho việc tiếp cận túi tiền của khách du lịch, và hướng đi của nó mang tính "thượng vàng hạ cám" thay vì nhà sản xuất đồng lòng xây dựng thương hiệu về nghề thủ công mỹ nghệ cho Hội An.

Trong lúc tỉnh Quảng Nam đang áp dụng nhiều giải pháp để phát triển các làng nghề, như chương trình cho vay vốn phát triển làng nghề, nâng cao tính thẩm mỹ và ứng dụng sản phẩm, đào tạo tay nghề, xây dựng thương hiệu thì thị trường đối mặt với cảnh mua bán "giá nào cũng có”.

Một giám đốc công ty chuyên sản xuất hàng lưu niệm làm tay cho biết, hiện nay công ty chỉ dám bán theo đơn đặt hàng sỉ, chưa dám mở cửa hàng bán lẻ sản phẩm vì sợ bị nhái mẫu mã. Một sản phẩm thủ công từ xơ dừa và cây dâu tằm mất hằng năm nghiên cứu quy trình sản xuất, nhưng chỉ cần đưa hàng ra thị trường 6 tháng là sản phẩm nhái tràn lan.

Trên các phố cổ, những cửa hàng với hình ảnh chiếc điện thoại bị gạch chéo rất nhiều. Xe đạp tre, đèn lồng tre hoặc tranh, tượng Phật gỗ đều phải đề bảng "Không chụp hình" bằng tiếng Việt vì sợ bị ăn cắp mẫu mã.

>>Hội An trong top thành phố du lịch tốt nhất châu Á

Một vị khách du lịch muốn mua một chiếc khăn quàng lụa tại một cơ sở chuyên sản xuất và trình diễn lụa nhưng chê đắt vì có giá 400 ngàn đồng, bởi cũng chiếc khăn lụa như vậy ngoài phố bán với 80 ngàn đồng. Người làm lụa biết ngay chiếc khăn ở cửa hàng ngoài phố là loại hàng nhái, kém phẩm chất.

Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng tinh tế nhận biết, và ấn tượng xấu họ mang theo về hàng thủ công Hội An thì thật đáng buồn. Bởi lụa nhái chỉ cần nhúng vào nước sẽ trở thành một miếng vải nhàu bởi không phải lụa tơ tằm.

Một nhiếp ảnh gia đã cố gắng tạo ra những tấm bưu thiếp rất đẹp về phong cách Hội An và Việt Nam, bán với giá 20 ngàn đồng thì các cửa hàng ở phố bán những tấm bưu thiếp 10 ngàn đồng vì sản xuất hàng loạt và cẩu thả.

Hàng lưu niệm sản xuất hàng loạt kém chất lượng đang gây khó khăn cho những người sáng tạo chất lượng cao. Việc mở cửa hàng trên phố cổ có chi phí mặt bằng cao, nên đa số người buôn bán chấp nhận nhập hàng rẻ, hàng nhái để đáp ứng khách nội địa, vô tình tạo ra một mặt bằng chung hàng hóa chất lượng rất thấp, tạo nên cái nhìn tiêu cực về trình độ sản xuất thủ công mỹ nghệ của Hội An.

Có thể người mua bán, sản xuất làm ăn chụp giật chỉ cho ngày hôm nay, nhưng về lâu dài, Hội An không kịp gầy dựng một thương hiệu thủ công mỹ nghệ chất lượng cao thì không kích thích được người sản xuất sáng tạo, không thu hút được chất xám từ nghệ nhân. Chính người trong cuộc làm cho nhau lao đao nên một thương hiệu du lịch mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ vẫn còn xa vời!

>>Bài học kinh doanh từ hiệu may Hội An

BÍCH HỒNG