Công tác cán bộ còn lắm… vấn đề

Du lịch - Ngày đăng : 06:36, 27/06/2016

Bố trí cán bộ là vấn đề thường nảy sinh tiêu cực, không chỉ xuất phát từ sai lầm trong cách đánh giá năng lực cá nhân mà còn cả trong mối quan hệ thân quen.
Công tác cán bộ còn lắm… vấn đề

Thời gian vừa qua, có hai sự kiện liên quan đến việc bố trí cán bộ được dư luận xã hội quan tâm, cho thấy đây là vấn đề thường nảy sinh tiêu cực, không chỉ xuất phát từ sai lầm trong cách đánh giá năng lực cá nhân mà còn cả trong mối quan hệ thân quen.

Đọc E-paper

Sự kiện thứ nhất liên quan đến một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng đã liên tiếp được luân chuyển giữ nhiều chức vụ của Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang và mới đây đắc cử đại biểu Quốc hội với tỷ lệ cao. Đó là trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, trong vòng 3 năm sau khi rời Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam nơi ông là Tổng giám đốc, đã được Bộ Công thương bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng bộ, rồi vụ trưởng Ban Đổi mới Doanh nghiệp. Vào tháng 5/2015 ông được luân chuyển về tỉnh Hậu Giang với chức vụ Phó chủ tịch tỉnh. Trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, ông trúng cử đại biểu với tỷ lệ cao.

Con đường hoạn lộ tưởng chừng rộng thênh thang thì báo chí đã phát hiện quy trình bố trí cán bộ bất hợp lý này. Mới đây Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban bí thư.

Quốc hội cũng đã vào cuộc khi đặt lại vấn đề về quy trình giới thiệu, hiệp thương diễn ra thế nào và chắc chắn Ủy ban Kiểm tra tư cách đại biểu cũng sẽ phải đối chiếu với những quy định về phẩm chất, năng lực của một đại biểu. Đó là chưa kể ông phải trả lời thế nào về việc sử dụng bảng số xanh dành cho xe công vụ cho chiếc xe Lexus sang trọng của riêng ông.

Câu chuyện bổ nhiệm cán bộ này sẽ không dừng lại ở việc ông Trịnh Xuân Thanh chính thức viết đơn xin không tái cử vào chức danh phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, sau khi Ban tổ chức Trung ương có ý kiến với địa phương này tạm dừng bầu ông Thanh vào chức vụ nói trên. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ trì cuộc họp với Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Bộ Công an, Ban Cán sự Đảng các bộ Công thương, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia để xem xét các vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.

Sự kiện thứ hai cũng liên quan đến công tác cán bộ tại Bộ Công thương.

Ngày 13/6 vừa qua, Hiệp hội Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi văn bản tới Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong việc bổ nhiệm thành viên Hội đồng Thành viên đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Rượu Bia, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Văn bản số 868/VAFI do Phó chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải ký có nêu rõ việc bổ nhiệm nhân sự ở Sabeco, mà cụ thể là việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, 28 tuổi – con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng – làm thành viên Hội đồng quản trị đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc, là trái các quy định hiện hành của Nhà nước và yêu cầu Bộ Công thương trả lời về vấn đề này.

Văn bản trên đồng thời cũng được gửi tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và hàng chục cơ quan trung ương khác.

Tại thời điểm ông Hải được bổ nhiệm giữ các chức vụ trên, bố ông Hải là ông Vũ Huy Hoàng đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương.

Theo VAFI, vào năm 2011, khi 25 tuổi, ông Hải được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Dầu khí (PVFI) có vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng, do Tập đoàn Dầu khí nắm giữ trên 51% vốn điều lệ. Kết quả là sau 2 năm ông Hải làm Tổng giám đốc, PVFI đã lỗ 155 tỷ đồng năm 2011 và lỗ 67 tỷ đồng năm 2012.

Với kết quả như vậy, nhưng ông Hải được chuyển về làm Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương). Và chỉ hơn một năm sau đó, ông Hải được bổ nhiệm hàm Phó vụ trưởng rồi đầu năm 2015 được chuyển về làm Phó tổng giám đốc Sabeco, doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chi phối rất lớn với vốn chủ sở hữu trên 12.000 tỷ đồng, gấp 40 lần vốn của PVFI.

Hiệp hội Đầu tư Tài chính Việt Nam cho rằng, theo quy định, người điều hành doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% như PVFI mà làm ăn thua lỗ thì phải bị cách chức, chứ không phải tiếp tục đề bạt như trường hợp ông Hải.

>>Công chức "cắp ô đi về" và đề nghị tăng tuổi hưu

Hai sự việc vừa nêu trên được xem là khá tiêu biểu về vi phạm những quy định mang tính pháp lý trong việc bố trí, luân chuyển cán bộ mà đúng ra phải xuất phát từ nhiệm vụ công việc chứ không phải từ nhu cầu của cá nhân.

Những sai phạm này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy chức chạy quyền, mua quan bán chức. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ của tệ nạn “một người làm quan cả họ được nhờ” như 2 trường hợp bị phát hiện hồi năm 2015 tại Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Miền Nam - nơi có 15 người họ hàng cùng làm việc trong đó 11 người có chức vụ; và câu chuyện cả họ làm quan tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) gây nhiều bất mãn trong dư luận xã hội.

Việc những người thân trong gia đình họ hàng cùng làm việc trong một cơ quan, doanh nghiệp, ngay cả việc cùng giữ những vị trí quan trọng đối với khu vực tư nhân cũng là chuyện bình thường vì đó là sự nghiệp riêng, mục tiêu chung và không có xung đột lợi ích. Nhưng với cơ quan, doanh nghiệp nhà nước lại khác, bởi việc đưa người nhà vào những vị trí quan trọng dễ nảy sinh tình trạng thao túng quyền lực vì lợi ích cá nhân.

Luật pháp của chúng ta cũng đã có nhiều chế tài trong việc bổ nhiệm nhân sự trong doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn theo điều 100 Luật Doanh nghiệp thì một bộ là cơ quan đại diện chủ sở hữu một tổng công ty thì bộ trưởng, thứ trưởng không thể cử người thân trong gia đình làm tổng giám đốc hay giám đốc. Không phải vô cớ mà Luật Doanh nghiệp có những quy định ngặt nghèo như thế, bởi đối với bộ máy có sử dụng ngân sách nhà nước, tức tiền đóng thuế của người dân, thì vấn đề quan trọng nhất là không để có kẽ hở dễ bị lợi dụng.

Cũng có người cho rằng quy định như vậy có phần hẹp hòi đối với những người có năng lực lại là thân nhân của người có chức quyền. Thật ra quy định này chỉ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch và bổ nhiệm viên chức nhà nước, mà nếu được thực hiện tốt thì vấn đề “người liên quan” đã không nhất thiết phải đặt thành vấn đề.

Rất nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này nhấn mạnh đến công tác quy hoạch cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cơ quan đơn vị và địa phương. Thực tế cho thấy nơi nào làm tốt công tác này, bổ nhiệm đúng người đúng việc thì có sự phát triển ổn định. Địa phương nào coi nhẹ công tác này thì việc bổ nhiệm thường thiếu công khai minh bạch, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chung mà còn làm giảm niềm tin trong xã hội.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo - ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng trong việc quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, điều quan trọng là thực hiện dân chủ và quan tâm đến dư luận xã hội, thế nhưng cả 2 tiêu chí này đang có vấn đề.

Thật ra chúng ta đã có không biết bao nhiêu luật lệ, văn bản quy định liên quan đến việc tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ nhà nước, kể cả lãnh đạo doanh nghiệp, nhằm đạt được sự công bằng và tính hiệu quả, mà gần đây nhất là tổ chức thi tuyển để chọn được những người hội đủ năng lực và đạo đức. Thiết nghĩ trong vấn đề này, kinh nghiệm của các nước có nền hành chính tiến bộ và trình độ quản lý khoa học có thể cho chúng ta nhiều bài học quý báu.

Chẳng hạn như tại Pháp, chế độ tuyển dụng và bổ nhiệm công chức dựa trên 2 nguyên tắc: (1) bình đẳng không phân biệt nam, nữ, thành phần xuất thân, khuynh hướng chính trị, tôn giáo, văn hóa; (2) tuyển chọn loại ưu qua thi cử được tiến hành công khai, với hình thức thi viết và thi vấn đáp. Cơ quan tư pháp kiểm tra toàn bộ quá trình thi và tuyển dụng.

Ở Mỹ, đa số công chức đều phải thông qua thi tuyển cạnh tranh công khai để chọn lựa những người ưu tú phù hợp, trừ các chức danh: quan chức Chính phủ, quan chức Quốc hội, nhân viên chuyên gia kỹ thuật, các quan chức hành chính cao cấp.

Tại Nhật Bản, hầu như mọi người dân đều thừa nhận rằng viên chức nhà nước là những người rất ưu tú. Tư chất và năng lực này được quyết định bằng sự đào tạo liên tục sau khi được bổ nhiệm.

Singapore đã áp dụng tiêu chuẩn thị trường trong xác định mức lương cho đội ngũ công chức. Việc trả lương cao cho đội ngũ viên chức nhà nước, đặc biệt là đội ngũ công chức cao cấp đã giúp Singapore trở thành quốc gia tiêu biểu trong việc thu hút người tài làm trong khu vực công.

>>5 sự thật ít biết về xã hội Singapore

LÊ MINH TRÍ/DNSGCT