Người Trung Quốc "đổ bộ" sang Anh sắm đồ hiệu nhờ... Brexit

Quốc tế - Ngày đăng : 06:54, 30/06/2016

Các lệnh tìm kiếm của người Trung Quốc về kỳ nghỉ ở Anh đã tăng vọt sau khi sự kiện Brexit đẩy đồng Bảng rớt giá mạnh...
Người Trung Quốc

Bằng cách chọn Brexit, người Anh đã đem lại cơ hội mua sắm đồ hiệu với giá “mềm” hơn cho du khách nước ngoài đến nước này.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 ở Anh, với 52% người Anh chọn rời bỏ Liên minh châu Âu (EU), đồng Bảng Anh (GBP) đã lao dốc mạnh. Nhờ đó, hàng hóa và dịch vụ của Anh trở nên rẻ hơn đối với người nước ngoài.

Theo hãng tin Bloomberg, người tiêu dùng đã ngay lập tức có phản ứng: các lệnh tìm kiếm của người Trung Quốc về kỳ nghỉ ở Anh đã tăng vọt trên ứng dụng đặt kỳ nghỉ Ctrip.com. Trong khi đó, trang tin Phoenix của Trung Quốc khuyến nghị du khách tới London để “mua, mua, mua”.

Đồng GBP mất giá có thể sẽ đem đến vận may cho các công ty hàng xa xỉ của Anh, bởi người Trung Quốc là đối tượng mua nhiều đồ hiệu nhất thế giới và chủ yếu mua ở nước ngoài.

Theo trang web VisitBritain, năm ngoái, có 270.000 lượt du khách Trung Quốc thăm Anh, tăng 46%. Hãng hàng không British Airways nói đồng GBP yếu sẽ khiến lượng du khách nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc, tới Anh tăng mạnh.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu du khách Trung Quốc và Trung Đông đổ tới Anh bởi sức mua của họ đã tăng lên”, ông Edouard Meylan - Giám đốc điều hành (CEO) hãng đồng hồ Thụy Sỹ H. Moser & Cie, phát biểu. “Mọi người sẵn sàng đi du lịch để mua hàng với giá rẻ hơn từ 5-10-20%”.

Lượng du khách tăng có thể sẽ giúp tăng doanh thu cho các hãng đồ hiệu Anh như Burberry và Mulberry vốn đang gặp khó do nhu cầu hàng hiệu giảm tốc và các vụ tấn công khủng bố ở châu Âu. Anh là thị trường hàng hiệu lớn thứ 6 trên thế giới, với doanh thu khoảng 17,2 tỷ USD.

Du khách Zihao Xie, 24 tuổi đến từ Sơn Đông, Trung Quốc, đã nhanh tay tranh thủ đồng GBP giảm giá để mua sắm ở London hôm thứ Hai 27/6. Xie đã mua cho mẹ một chiếc áo khoác Burberry và mua cho em gái một chiếc túi xách Coach.

Lợi ích của ngành du lịch và đồ hiệu Anh có thể sẽ đồng nghĩa với thiệt hại của các ngành này ở Nhật, các casino ở Macau, và các nhà bán lẻ trang sức ở Hong Kong.

Lượng du khách Trung Quốc tới Nhật trong tháng 5 đã tăng 31% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã giảm trong thời gian gần đây khi đồng Yên Nhật (JPY) tăng giá mạnh. Theo ước tính của Bloomberg, việc chuyển từ mua sắm ở Nhật sang Anh và châu Âu có thể giúp người mua sắm Trung Quốc tiết kiệm tới 40% nếu xét đến sự biến động tỷ giá của các đồng tiền tương ứng so với đồng Nhân dân tệ (CNY).

Cũng là tin xấu đối với các sòng bạc ở Macau khi đồng CNY mất giá so với đồng đô la Hong Kong (HKD) - đồng tiền được neo buộc tỷ giá với đồng USD và được sử dụng phổ biến ở Macau. Vì lý do này, khách Trung Quốc đại lục sang Macau chơi bạc có thể giảm.

Tại Hong Kong, các công ty bán lẻ trang sức như Chow Tai Fook và Sa Sa hiện cũng đang trầy trật vì sự suy giảm doanh số do ảnh hưởng từ sự mất giá của CNY so với HKD.

>Châu Á khát hàng hiệu

>Trung Quốc thích mua hàng xa xỉ trên mạng

>Quý bà Trung Quốc "nuôi" nhãn hàng xa xỉ