Sáng tạo, đột phá như Finding Dory
Sách hay - Ngày đăng : 06:10, 04/07/2016
Khi một bộ phim hoạt hình được kết thúc rất lâu sau, thường có không ít khán giả vẫn nhớ đến những nhân vật yêu thích của mình. Tuy đó chỉ là những nhân vật hư cấu nhưng những gì các nhân vật này trải nghiệm qua đem đến rất nhiều cảm xúc cho khán giả, gây không ít ảnh hưởng đến quan điểm về cuộc sống cho họ.
Đọc E-paper
Không chỉ khán giả mà đến cả những con người phải hàng mấy tháng thậm chí là hàng mấy năm để sáng tạo nên những nhân vật này, cũng gửi gắm trong đó không ít tình cảm. Đó cũng là một phần lý do mà sau 13 năm trời kể từ bộ phim Finding Nemo (Đi tìm Nemo) được ra mắt trên toàn thế giới, thì đến tận ngày nay khán giả mới được thưởng thức phần tiếp theo của bộ phim là Finding Dory (Đi tìm Dory).
Cô cá xanh Dory đãng trí (do Ellen DeGeneres lồng tiếng) đang có một cuộc sống hạnh phúc ở vỉa san hô cùng với hai bố con Marlin (do Albert Brooks lồng tiếng) và Nemo (do Hayden Rolence lồng tiếng).
Nhưng rồi một ngày kia, Dory chợt nhớ ra rằng mình cũng đã từng có một gia đình, và rất có thể, hiện tại họ đang mải miết kiếm tìm cô ấy. Vì thế, bộ ba đáng yêu này đã dấn thân vào một hành trình vô cùng mạo hiểm, băng qua đại dương bao la nhằm tới được Viện Hải dương học California nổi tiếng.
Để có thể tìm lại được cha mẹ của mình là Charlie và Jenny (do Eugene Levy và Diane Keaton lồng tiếng), Dory đã phải nhờ tới sự trợ giúp của bạch tuộc Hank (do Ed O’Neil lồng tiếng), cá heo mũi hếch Bailey (do Ty Burrell lồng tiếng) và cô cá mập voi cận thị Destiny (do Kaitlin Olson lồng tiếng).
Và trong hành trình khám phá quần thể phức hợp các cư dân của đại dương đó, Dory cùng các người bạn của mình đã cảm nhận được rất nhiều điều thú vị về tình bạn, về quá khứ và về quê hương của cô.
Câu chuyện đột phá
Mỗi một nhóm trong đội quân sáng tạo của hãng phim hoạt hình Disney/Pixar đều phải khắc phục những thử thách khác nhau. Đầu tiên cũng là phần quan trọng nhất chính là câu chuyện Dory. Không những phải chú ý điều gì đã xảy đến với cô cá xanh này còn phải kể câu chuyện những hành động của Dory đã tạo nên sức ảnh hưởng và sự thay đổi như thế nào đến với đại dương. Trường đoạn Dory và Hank làm cách nào trốn khỏi trung tâm cách ly trở thành đoạn trọng tâm của bộ phim.
Trong thời kỳ đầu sáng tạo Finding Dory, câu chuyện giữa Dory và Hank vốn không như chúng ta đã thấy trên màn ảnh. Hank sẽ giống như nhân vật Gill trong Finding Nemo, hướng dẫn Dory làm cách nào để thoát khỏi khu vực cách ly, nhưng câu chuyện này không thấy được sự trưởng thành và biến hóa của Dory, và vì Finding Dory là câu chuyện trọng tâm về Dory nên những nhà sáng tạo mong muốn trong quá trình tìm kiếm cha mẹ của mình, nhân vật Dory sẽ đối diện với nhiều thử thách hơn để trưởng thành hơn. Sau khi xác định rõ được chủ đề của câu chuyện, trọng tâm công việc sẽ là làm sao vẽ nên những ý tưởng đó thành thật.
Khác với những bộ phim người đóng, phim hoạt hình cần nhiều nhóm và nhân viên hơn để sáng tạo bối cảnh, nhân vật, thậm chí là để một bóng khi nhỏ cũng được vẽ một cách rất tinh tế, tỉ mỉ.
Nhân vật phụ đột phá
Nếu trong Finding Nemo, Dory là nhân vật phụ đầy thú vị, thì trong Finding Dory, chàng bạch tuột Hank lại là nhân vật phụ gây nhiều chú ý. So với các con bạch tuộc khác, Hank khác biệt không chỉ bởi việc bị mất đi một xúc tu mà còn bởi khiếu hài hước trong mọi hoàn cảnh của mình.
Nam diễn viên Ed O’Neill – người lồng tiếng cho nhân vật bạch tuộc khó tính và hay gắt gỏng này – cho biết: “Hank không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ kết bạn với một ai đó, nhưng dần dần cậu ấy đã thấy cảm động với sự đáng yêu của Dory. Trải qua rất nhiều hành trình phiêu lưu với đầy ắp những mối nguy hiểm và cả nỗi sợ hãi, họ đã trở nên gắn bó với nhau hơn. Chính những trải nghiệm có được bên nhau đã giúp Dory và Hank trở thành một đôi bạn thân thiết”.
Cũng như những bộ phim trước, mỗi khuôn hình, mỗi lời thoại của Disney Pixar đều là kết quả từ rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu và những cuộc khảo sát thực địa đầy thử thách.
Khi quan sát loài bạch tuộc tại Monterey Bay Aquarium và Học viện California San Francisco, nhà sản xuất Lindsey Collins đã phát hiện khả năng ngụy trang chính là sở trường của chúng và đã thật sự có một chú bạch tuộc tìm cách trốn khỏi đó bằng cách ngụy trang dưới hành lang nhưng cuối cùng, chú ta cũng bị phát hiện khi nhân viên nghĩ đó là mảnh rác và… nhặt nó lên.
Trong quá trình tạo hình cho Hank, nhóm thực hiện đã thiết kế những xúc tu riêng trước khi tiến hành gắn nó vào thân của nhân vật.Tuy vậy, chỉ có bảy xúc tu là vừa vặn với cơ thể của Hank. Các nhà làm phim sau đó cho rằng việc để Hank đã từng trải qua một tai nạn nào đó trong quá khứ là một ý tưởng hay. Và cuối cùng họ đã quyết định sẽ đưa tình tiết này vào trong kịch bản.
Các họa sĩ đã thiết kế 50 giác hút trên mỗi xúc tu của Hank. Như vậy, tổng cộng Hank có tất cả 350 giác hút. Do cấu tạo phức tạp như thế nên nhóm họa sĩ của Disney Pixar phải mất tròn 2 năm để tạo nên những chuyển động linh hoạt cho nhân vật này.
>NSƯT Thành Lộc: Duyên nợ với hoạt hình
>Phim người đóng - bảo bối mới của Walt Disney