Xây dựng cơ sở hạ tầng: Cần huy động vốn ngoài nhà nước
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:21, 22/07/2016
Để trở thành một trong những thành phố đứng đầu khu vực, TP.HCM cần đến 44 tỷ USD để đầu tư, chỉnh trang và xây dựng.
Đọc E-paper
Theo ước tính, trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố cần 500.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, 10 năm tiếp theo cần đến 1 triệu tỷ đồng (khoảng 44 tỷ USD) nhưng nguồn vốn hiện nay rất khó khăn. Từ năm 2011 - 2015, mỗi năm Thành phố có 30.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng. Nhưng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thì vốn ngân sách chỉ đảm đương được 30% trong số đó.
Bên cạnh việc ách tắc trong gọi vốn vào các công trình hạ tầng, còn có một số lý do khác như chủ trương của Thành phố phát triển đa trung tâm vẫn chưa thực hiện được.
Chia sẻ tại hội thảo Các giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TP.HCM, TS. Trần Du Lịch - Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, Thành phố sau 30 năm đổi mới có nhiều đột phá trong các mô hình nhưng vẫn gặp khó khăn trong sáng tạo, tìm cái mới.
Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM và Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) vừa ký kết Quy chế phối hợp huy động vốn đầu tư hạ tầng đô thị. Theo đó, 2 cơ quan này sẽ phối hợp cung cấp thông tin, huy động quỹ đất, đầu tư phát triển quỹ đất sạch, ứng phó kịp thời nhu cầu nguồn vốn đầu tư công. Hai bên cũng đồng thời hỗ trợ lập đề xuất dự án, phương án tài chính của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thủ tục đầu tư của nguồn vốn nhà nước tham gia vào các dự án đã sử dụng nguồn vốn ngân sách hoặc các dự án. Việc này nhằm huy động kịp thời các nguồn vốn và đầu tư hiệu quả cho các dự án hạ tầng trọng điểm của Thành phố trong thời gian tới. |
Hướng phát triển của Thành phố là một đô thị cảng biển với các cảng lớn như Cát Lái, Hiệp Phước nhưng hạ tầng kết nối không đồng bộ. Hạ tầng vẫn ì ạch là trở lực lớn cho phát triển. Lợi thế của TP.HCM là nền kinh tế đô thị gắn với hệ thống cảng biển nhưng giao thông cảng biển đang kẹt nghiêm trọng.
Để phát triển hạ tầng đồng bộ, Thành phố cần một nguồn vốn rất lớn để đầu tư nhưng nguồn vốn ngân sách hạn hẹp trong khi hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đang gặp khó khăn do không còn chỗ để đặt trạm thu phí, còn hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) thì không còn quỹ đất để đổi cho nhà đầu tư.
Vì thế, hình thức PPP (hợp tác công tư) là có nhiều tiềm năng. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề huy động các nguồn lực sẽ là mấu chốt rất quan trọng để đẩy nhanh khả năng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của TP.HCM. Bài toán đặt ra là phải có giải pháp để huy động các nguồn vốn khu vực tư nhân vào hạ tầng.
Theo ông Phạm Phú Quốc - TGĐ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) hiện ngoài các phương thức đầu tư truyền thống, HFIC đang đẩy mạnh hợp tác với các nhà đầu tư có năng lực để triển khai các công trình theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, tập trung vốn vào các công trình thuộc danh mục đầu tư công được UBND Thành phố phê duyệt, các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của thành phố.
Việc tập trung, sử dụng vốn nhà nước hiện khá hữu hiệu khi HFIC bỏ ra một đồng vốn và thu về 29 đồng đầu tư từ các nguồn khác. Theo ông Phạm Phú Quốc, cái chính là muốn Trung ương cho TP.HCM một cơ chế đặc thù để phát triển hạ tầng.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, Thành phố cần có một công cụ tài chính riêng và mạnh hơn nữa. HFIC cần làm tốt vai trò sử dụng nguồn vốn của Nhà nước thành "vốn mồi" để huy động các nguồn vốn khác. Quan trọng nhất vẫn là Trung ương cần có đột phá về mặt chính sách và thể chế cho TP.HCM để có điều kiện phát huy tính năng động, sáng tạo, huy động cao nhất nguồn lực cho sự phát triển.
Song song đó, cần xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng và dựa vào nguồn đất công để đổi đất lấy hạ tầng. Quỹ đất trong quá trình đô thị hóa chính là "con gà đẻ trứng vàng" nhưng trước nay để thất thoát quá nhiều. Thành phố cần mạnh dạn đề xuất Trung ương giao quyền chủ động khai thác, sử dụng tạo vốn thêm cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng.
TS. Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright đề nghị nên cho thử nghiệm mô hình đơn vị hành chính đặc biệt cho Thủ Thiêm để thử nghiệm các cách thức cung cấp dịch vụ công hiện đại.
Bên cạnh đó, cũng nên đưa ra các sáng kiến liên kết vùng, xây dựng chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị gắn với phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng làm xương sống cho hệ thống giao thông của Thành phố và tạo cấu trúc không gian đô thị thông minh.
"TP.HCM cần vận dụng một cách sáng tạo và xem xét thấu đáo những rủi ro liên quan đến mô hình hợp tác công tư và cần nâng cao vai trò của các tổ chức hiện có, nhất là vai trò của HFIC", TS. Huỳnh Thế Du nói.
>Hạ tầng khu công nghiệp tăng tốc nhờ TPP
>Thị trường BĐS: Cú hích từ hạ tầng
>Đầu tư lĩnh vực hạ tầng: Đi tìm ẩn số