77 dự án BĐS thế chấp ngân hàng: Cần thông tin rõ ràng hơn

Trong nước - Ngày đăng : 09:47, 27/07/2016

Việc công bố danh sách 77 dự án bất động sản thế chấp cho ngân hàng trên website của Sở Tài nguyên và Môi trường mới đây liệu có làm khó các doanh nghiệp tâm huyết với ngành?
77 dự án BĐS thế chấp ngân hàng: Cần thông tin rõ ràng hơn

Việc công bố danh sách 77 dự án (DA) bất động sản (BĐS) thế chấp cho ngân hàng (NH) trên website của Sở Tài nguyên và Môi trường mới đây liệu có làm khó các doanh nghiệp (DN) tâm huyết với ngành?

Đọc E-paper

Trước sự kiện này, chiều 25/7, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), DN BĐS đã có buổi gặp báo giới để thông tin. Cuộc gặp có sự tham gia của Vietbank. 

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, việc niêm yết danh sách các DA BĐS được ghi nhận đang thế chấp NH là nằm trong quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi. Tức chủ đầu tư (CĐT) phải có trách nhiệm công bố về thông tin DA đang triển khai. Điều này thể hiện sự công khai, minh bạch cho nhà phát triển BĐS lẫn người mua nhà.

"Tuy nhiên, điều đáng lưu ý trong việc công khai này là vẫn còn một số trường hợp chưa thể hiện rõ một số thông tin, như trong mục địa điểm BĐS thế chấp có nhiều trường hợp ghi rất chi tiết, nhưng cũng có trường hợp chỉ ghi mỗi địa chỉ. Như vậy, CĐT đang thế chấp cái gì?", ông Châu đặt câu hỏi.

Thông tin từ HoREA cũng cho biết, TP.HCM hiện đang có 500 DA BĐS được triển khai, hoạt động. Nếu danh sách đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật đầy đủ, thì chỉ có 77/500 DA đang thế chấp NH. Như vậy 423 DA BĐS còn lại là không thế chấp. Liệu đây có phải là thông tin đủ?

Trước việc công bố này, đại diện HoREA phân tích, nếu thông tin đã cập nhật đầy đủ thì rất tốt, nhưng nếu cập nhật chưa đủ thì Sở Tài nguyên và Môi trường nên công bố sẽ tiếp tục cập nhật trong thời gian tới để tránh gây hiểu nhầm cho người mua nhà, cũng như tạo sự công bằng giữa các nhà phát triển BĐS. Theo đó, nhiều CĐT cho rằng, cần có sự phân loại CĐT để tránh trường hợp gây khó khăn cho những DN kinh doanh đúng bài bản.

Ở góc độ nhà phát triển BĐS, ông Lê Hùng Mạnh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Gia Hòa chia sẻ, vừa qua, vì thực thi theo Điều 56 Luật Kinh doanh Bất động sản, nhà phát triển BĐS phải có NH bảo lãnh để phát hành chứng thư, theo đó DN phải thế chấp DA BĐS cho NH. Thế nhưng vì điều này mà ghi nhận DA BĐS do DN đầu tư nằm trong danh sách thế chấp NH là thiếu công bằng đối với DN. Điều này đang góp phần gây khó khăn cho Gia Hòa và nhiều nhà phát triển BĐS khác.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nhung - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank) phân tích, hiện nay, Điều 56 Luật Kinh doanh Bất động sản không bắt buộc DN phải thế chấp chính DA BĐS đó cho NH để có được chứng thư, hay huy động vốn. Nhưng thông thường với các NH, dòng tiền vào tài sản nào thì sẽ lựa chọn thế chấp từ chính DA đó.

Hiện nay vẫn có những DN chỉ thế chấp nhằm đảm bảo an toàn hơn cho người mua nhà. Do đó, nếu nhìn sâu xa vấn đề việc công bố 77 DA BĐS thế chấp NH là tốt, vì khi NH chấp nhận đảm bảo cũng đồng nghĩa DA đã hoàn tất mọi thủ tục, pháp lý. Do đó, vấn đề đáng bàn ở đây là thông tin cần được công bố một cách rõ ràng để tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho DN.

>“Thuê” sổ đỏ thế chấp ngân hàng

>5 điều kiện để được thế chấp "nhà trên giấy"

> Thế chấp "nhà tương lai": Được nhiều hơn mất!

DUY KHÊ