Không đăng ký bảo hộ sản phẩm: Nguy cơ mất thị trường

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:35, 29/07/2016

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không để tâm đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi xuất khẩu hàng hóa, dẫn đến rủi ro mất thị trường rất cao.
Không đăng ký bảo hộ sản phẩm: Nguy cơ mất thị trường

Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam không để tâm đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi xuất khẩu hàng hóa, dẫn đến rủi ro mất thị trường rất cao.  

Đọc E-paper

Thiếu tầm nhìn

Việt Nam hiện có hàng trăm nghìn nhãn hiệu hàng hóa với rất nhiều chủng loại mặt hàng xuất khẩu sang thị trường các nước, nhưng chỉ có hơn 400 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hay bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Đặc biệt ở thị trường EU chỉ có duy nhất Nước mắm Phú Quốc là có bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này thể hiện tầm nhìn còn hạn hẹp của DN trong xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng với thế giới.

Sau gần 20 năm (từ năm 1998) xảy ra vụ kiện giữa doanh nhân Hai Tỏ với một DN Trung Quốc nhằm bảo vệ thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre, vẫn còn rất nhiều DN Việt Nam tiếp tục để nhãn hiệu của mình rơi vào tay các thương nhân nước ngoài.

Điển hình như VNPT, Cà phê Trung Nguyên, Thực phẩm ăn liền ViFon, Võng xếp Duy Lợi, Thuốc lá Vinataba, Bánh phồng tôm Sa Giang, Thực phẩm Cầu Tre, Nước mắm Phú Quốc và mới đây nhất là Cà phê Buôn Ma Thuột bị đánh cắp nhãn hiệu tại thị trường Mỹ, Nhật, Canada do chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hay bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Điều đáng lo là xu hướng bị "chiếm đoạt" nhãn hiệu của các DN Việt Nam đang ngày càng gia tăng ở các thị trường mà hàng Việt Nam chiếm thị phần khá lớn và được người tiêu dùng tín nhiệm như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Lào.

Ông Dương Thành Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Aliat Legal cho biết: "Số liệu thống kê từ Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cho thấy, từ năm 2013 - 2015, Việt Nam nhận được khá nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu từ các quốc gia châu Á, trong đó 45% đơn đăng ký nhãn hiệu có liên quan đến quảng cáo, kỹ thuật, giáo dục, mỹ phẩm và 16% là sản phẩm nông sản. Có thể nói Việt Nam có thế mạnh tại thị trường châu Á và vì vậy, nhu cầu bảo hộ hàng hóa là rất lớn. Thế nhưng, ngược lại, DN Việt Nam đăng ký nhãn hiệu tại các nước trong khu vực lại rất ít".

Cũng theo thống kê từ Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, đơn đăng ký nhãn hiệu của Indonesia vào Việt Nam là 96, trong khi đơn đăng ký nhãn hiệu của Việt Nam vào Indonesia chỉ có 31, đơn từ Singapore vào Việt Nam là 306, trong khi Việt Nam vào Singapore là 49...

"Cùng với tốc độ phát triển như hiện nay thì rủi ro mất tài sản nhãn hiệu là rất cao", ông Long chia sẻ.

Nguy cơ mất thị trường

Theo ông Vương Đức Tuấn - Phó cục trưởng Cục Công tác Phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), quý I/2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - ASEAN đạt 9,74 tỷ USD, tăng gấp 10 lần năm 2002. Hiện hàng hóa từ Malaysia, Campuchia, Lào, đặc biệt là Thái Lan, xâm nhập rất mạnh vào Việt Nam.

Việc các nước có chung đường biên giới, gần gũi về địa lý và một số nét tương đồng về văn hóa rất dễ đưa đến những cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, như làm hàng giả, chiếm đoạt nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng...

Tại Việt Nam, hằng năm, Cục Sở hữu Công nghiệp đã làm thủ tục hủy bỏ văn bằng bảo hộ và trả lại nhãn hiệu cho hàng chục chủ sở hữu theo quy định chống cạnh tranh không lành mạnh tại Nghị định 54/2000/NĐ- CP của Chính phủ. 

Song song đó, Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã tiến hành tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của DN về quyền sở hữu trí tuệ cũng như giá trị thương hiệu, nhãn hiệu, nhiều DN Việt cũng đã có những bước chủ động để bảo vệ mình. Trong năm 2015, Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam nhận hơn 37 nghìn đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, trong đó hơn 30 nghìn là của DN Việt Nam, tăng 10% so với năm 2014.

So với tỷ lệ 25% đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vào năm 2006 thì năm 2015, số lượng DN Việt Nam gửi đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã tăng lên 81%. Nhiều DN sản xuất nông sản đã đăng ký xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, như Chè Mộc Châu, Chè Tân Cương, Chè Hoàng Bình, Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn - Hải Dương, Su su Sa Pa hay các giống cây trồng của Hợp tác xã Cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre...

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nhà sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến đăng ký nhãn hiệu, như Nho Ninh Thuận, Bưởi Năm Roi, Quýt Lai Vung... Đây là những thương hiệu nông sản có tiếng nên nằm trong nhóm dễ bị chiếm đoạt nhãn hiệu.

Theo ông Dương Thành Long, các DN này cần xác định thị trường hiện tại và thị trường trung dài hạn, thị trường mục tiêu, từ đó lập kế hoạch đăng ký nhãn hiệu bảo hộ để bảo vệ sản phẩm khi bị chiếm dụng bởi các DN khác và tránh tình trạng khi xuất khẩu thì hàng hóa bị trả về hoặc bị giữ lại để kiểm tra, hay vướng vào kiện tụng. Đặc biệt nguy hiểm là sản phẩm có thể bị làm giả rồi nhập trở lại Việt Nam, làm suy giảm lòng tin nơi người tiêu dùng, đồng thời khiến DN mất thị trường.

>Bảo hộ sở hữu trí tuệ theo TPP có gì khác?

>Bảo hộ trí tuệ và thương hiệu cho 4 nước Đông Nam Á

>Nông sản, đặc sản không thể thiếu thương hiệu

PHẠM THỦY