5 ưu điểm khi lập văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam
Pháp luật - Ngày đăng : 04:27, 11/08/2016
Thành lập văn phòng đại diện được xem là lựa chọn tối ưu đối với nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài trước khi chính thức đăng ký thành lập DN tại Việt Nam.
Dưới đây là 5 ưu điểm của việc mở văn phòng đại diện so với thành lập một DN:
1. Có thời gian thăm dò thị trường
Đối với những DN nước ngoài lần đầu bước chân vào Việt Nam với mục đích chủ yếu là quảng bá thương hiệu hay làm quen, rà soát thị trường thì việc thành lập văn phòng đại diện là phương án giúp DN tiết kiệm chi phí và đơn giản hóa các thủ tục pháp lý.
2. Thủ tục đơn giản
So với việc thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức khác như: hợp đồng hợp tác kinh doanh, thành lập DN có vốn nước ngoài hay thành lập chi nhánh, thì thủ tục thành lập văn phòng đại diện được xem là ít phức tạp nhất.
Để thành lập văn phòng đại diện, DN cần đáp ứng các điều kiện sau:
•Được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
•Đã hoạt động ít nhất 1 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký, thời hạn hoạt động phải còn hiệu lực ít nhất là 1 năm tính từ ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện.
3. Cấp phép nhanh
Thời gian để được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khá nhanh, chỉ trong khoảng 7 ngày làm việc kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ tại cơ quan cấp phép, Văn phòng đã có thể được cấp phép đi vào hoạt động.
4. Tiết kiệm chi phí
Một lợi ích khác của việc thành lập văn phòng đại diện chính là không bị áp thuế do không phải hoạt động kinh doanh thuần tuý mà chỉ phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân cho đội ngũ nhân sự của văn phòng.
Việc thành lập một DN vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cần trải qua nhiều giai đoạn với các thủ tục, giấy tờ phức tạp và chi phí cho công tác này khá đắt (có thể lên đến vài nghìn USD). Do đó, việc bỏ ra chi phí lớn thành lập DN trong khi chưa thật sự tìm hiểu kỹ thị trường là một bước đi khá mạo hiểm và nhiều rủi ro đối với DN.
5. Bước đệm để thành lập DN vốn nước ngoài
Theo quy định, văn phòng đại diện của DN nước ngoài không được phép hoạt động kinh doanh hay các hoạt động sinh lời khác nhưng đây vẫn là cơ quan thực hiện chức năng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh... cho DN nước ngoài tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động này; hình ảnh, thương hiệu của DN sẽ dần trở nên quen thuộc và nổi tiếng trên thị trường. Nhờ vậy, người đứng đầu doanh nghiệp có thể an tâm thành lập doanh nghiệp vốn nước ngoài và chính thức hoạt động thương mại tại Việt Nam.