Tăng nguồn cung "thịt sạch"

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:14, 17/08/2016

Thực phẩm bẩn" tràn lan đang là nỗi lo thường trực của hầu hết người tiêu dùng. Trong tình hình đó, nhiều nhà cung cấp đã nỗ lực tăng nguồn "thực phẩm sạch", đặc biệt là các loại thịt có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Tăng nguồn cung

"Thực phẩm bẩn" tràn lan đang là nỗi lo thường trực của hầu hết người tiêu dùng. Trong tình hình này, nhiều nhà cung cấp đã có những nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để tăng nguồn "thực phẩm sạch", đặc biệt là các loại thịt có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. 

Đọc E-paper

Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, nhu cầu tiêu dùng về thịt (heo, bò, gà...) trong dân khá lớn. Chỉ riêng gia cầm, ước tính năm nay, Việt Nam sẽ tiêu thụ tới 845.000 tấn. Dự báo, đến năm 2021, tiêu thụ gia cầm ở Việt Nam sẽ tăng lên 37% so với hiện tại.

Thịt sạch ra chợ

Nhu cầu tiêu dùng rất lớn nên từ nhiều năm nay, doanh nghiệp (DN) đã đầu tư cho lĩnh vực này theo hướng sản xuất khép kín "từ trang trại đến bàn ăn". Cụ thể, Công ty Ba Huân đã xây dựng 2 trang trại chăn nuôi tại Bình Dương và Long An, 2 nhà máy chế biến thực phẩm và xử lý trứng ở Long An và TP.HCM.

Các trang trại của Ba Huân được xây dựng theo mô hình chăn nuôi hiện đại, khép kín từ sản xuất thức ăn đến trang trại gà bố mẹ, trại gà giống, trại gà đẻ trứng trên dây chuyền tự động...

Tương tự, Vissan cung cấp 100% thịt heo đạt chứng nhận VietGAP trên toàn bộ hệ thống kinh doanh thịt tươi sống của Công ty (với 309 điểm bán tại siêu thị và 146 điểm tại chợ).

Công ty An Hạ giữa tháng 10/2015 đã đưa thịt theo tiêu chuẩn VietGAP ra các chợ ở TP.HCM, giúp người tiêu dùng sử dụng thịt heo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Sở Công Thương TP.HCM, Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hội Công nghệ cao TP.HCM cũng đã triển khai dự án "Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm" nhằm kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Trong cuộc họp công bố tiến độ triển khai dự án hồi đầu tháng 8, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, Sở đang tiến hành thử nghiệm công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, quy trình con heo từ lúc chào đời cho đến khi giết mổ (chủ trại là ai, heo ăn loại cám của công ty nào, được phòng dịch bệnh ra sao, có đủ tiêu chuẩn đảm bảo giết mổ không, giết mổ ở đầu...) sẽ được lưu lại trong tem dán trên thịt.

Ứng dụng này được thực hiện trên nền tảng "Te-card" của châu Âu. Người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR của tem để kiểm tra hoặc trực tiếp truy xuất nguồn gốc thịt tại các máy kiểm tra đặt tại chợ.

Chương trình được thí điểm tại 12 lò giết mổ tập trung, 2 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn), 5 chợ bán lẻ (Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông) và các điểm bán lẻ của Saigon Co.op, Satra, Sagrifoods, Vissan, An Hạ.

Cơ hội của thịt nhập khẩu

Bên cạnh nguồn thịt trong nước, thị trường đang chứng kiến sự gia nhập của thịt ngoại, đặc biệt là từ các nước châu Âu. Theo số liệu của Ủy ban Châu Âu, xuất khẩu thịt gia cầm từ Liên minh Châu Âu (EU) vào Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, trong 2 năm 2013 và 2014, giá trị xuất khẩu thịt gia cầm từ EU vào Việt Nam tăng 113,15%, từ mức hơn 7,36 triệu euro lên hơn 15,7 triệu euro.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này từ châu Âu vào Việt Nam đã lên tới gần 23,3 triệu euro, tăng hơn 48,22% so với năm 2014. Còn theo Cục Chăn nuôi, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100.000 - 120.000 tấn thịt gia cầm, trong đó, 90% là thịt gà để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa khi chăn nuôi trong nước chưa đáp ứng đủ.

Với sự hỗ trợ của EU, Hội đồng Gia cầm Quốc gia Cộng hòa Ba Lan đang thực hiện chiến dịch quảng bá để đẩy mạnh xuất khẩu thịt gia cầm vào Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo "Thịt gia cầm chất lượng cao sản xuất theo quy trình đảm bảo chất lượng thực phẩm (QAFP) xuất xứ từ Liên minh Châu Âu", ông Lukasz Dominiak - Tổng giám đốc KRD-IG cho biết, cùng với Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập, Việt Nam là một trong ba thị trường trọng điểm tại khu vực châu Á.

"Với dân số hơn 90 triệu người và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm liên tục tăng, Việt Nam là thị trường quan trọng để chúng tôi đưa nguồn thịt gia cầm sạch vào đây", ông Lukasz Dominiak nói.

Theo đại diện của Liên minh Các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI), Ba Lan là nước cung ứng thịt gia cầm lớn nhất châu Âu. Nguồn gia cầm của nước này có chất lượng cao, đồng nhất, được sản xuất theo quy trình Đảm bảo chất lượng thực phẩm (QAFP). Sản phẩm được kiểm soát nghiêm ngặt từ sản xuất giống, gia cầm non, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, vận chuyển tới nơi giết mổ, lấy thịt và chế biến, đóng gói, vận chuyển thịt, lưu kho, phân phối...

Với quy trình QAFP, người tiêu dùng sẽ mua được thịt tươi ngon, an toàn và chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn châu Âu.

Các chuyên gia Ba Lan cho biết, DN nước này rất quan tâm đến thị trường Việt Nam vì nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm của người dân ở đây tăng mạnh trong những năm qua.

Cụ thể, tại Việt Nam, tiêu thụ thịt gia cầm bình quân đầu người đã tăng 79% sau một thập kỷ, từ 4,26kg/người/năm vào năm 2002 lên 7,6kg/người/năm trong năm 2012. Lượng tiêu thụ này đang trên đà tăng và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì thế, thịt gia cầm của Ba Lan sẽ có cơ hội để thâm nhập thị trường đông dân thứ 3 của ASEAN này.

Nhưng không phải đến bây giờ EU mới hỗ trợ Ba Lan xuất khẩu mà hơn 10 năm trước, EU đã thành lập UPEMI để hỗ trợ ngành thịt các nước châu Âu, đặc biệt là Ba Lan. Trước khi quảng bá thịt gia cầm, rất nhiều phái đoàn của Ba Lan đã đến Việt Nam tìm đầu ra cho thịt bò, thịt heo.

Từ năm 2013, UPEMI đã tổ chức các chiến dịch quảng bá "Truyền thống và chất lượng thịt châu Âu" và hiện nay tập trung cho thịt gia cầm. Chương trình này sẽ diễn ra đến năm 2018.

Với những hoạt động xúc tiến thương mại bài bản cộng với chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu, các DN cho rằng thịt gia cầm Ba Lan sẽ nhanh chóng "phủ sóng" thị trường Việt Nam.

>Ngành chăn nuôi gia cầm: Cố "bám" nội địa

>"Cơn sốt" thịt lợn tại Trung Quốc

>Khởi nghiệp từ sự trăn trở "cá sạch"

HỒNG NGA