Lối thoát nào cho ngành in ấn xuất bản?
Quốc tế - Ngày đăng : 06:50, 25/08/2016
Có một sự thật mà ai trong ngành xuất bản đều phải công nhận là lợi nhuận rớt xuống thê thảm khi tiền quảng cáo ngày càng bị cắt giảm. Và để duy trì nó, giải pháp đề ra đó là cắt giảm chi phí. Nhưng đó có phải là cách tối ưu không?
Đọc E-paper
Chúng ta đang sống trong giai đoạn mà công nghệ gần như thống lĩnh mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Đối với riêng ngành thời trang, người ta bắt đầu mua hàng online thay vì đến cửa hàng. Còn với ngành xuất bản (trong đó có thời trang) cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng, đến mức các chuyên gia đã dự đoán tương lai của ngành xuất bản là nội dung phát hành online.
Thế nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn hiện tại, mọi thứ đang ở thời điểm chuyển giao, khi mà đâu đó vẫn có người mua những ấn bản, bên cạnh những người đọc trên máy tính bảng.
Những ông lớn của ngành xuất bản như Conde Nast, Hearst đang chật vật khi tiền bán quảng cáo trang đang sụt giảm, đến mức một số tờ buộc phải ngưng, đội ngũ biên tập viên được gộp lại, thậm chí là chia sẻ nội dung với nhau. Chẳng trách tạp chí càng ngày càng mỏng.
Nói về chia sẻ nội dung, tạp chí Harper’s Bazaar của Hearst là nổi tiếng nhất khi các bài viết cũng như bộ ảnh được “chia sẻ” từ phiên bản Harper’s Bazaar UK cho toàn thế giới. Điều này có lợi cho các franchise của Harper’s Bazaar khi họ không phải tốn quá nhiều tiền và chất xám cho những nội dung mới nhưng đi kèm là rủi ro về sự nhàm chán và mang tính phụ thuộc.
Liệu những cách thức tạm thời đó có thể cứu vãn ngành xuất bản không? Alex de Groote từ đơn vị nghiên cứu Peel Hunt chia sẻ: “Các khách hàng quảng cáo chỉ tin vào những gì mình thấy. Dấu hiệu của sự giảm số lượng bán và doanh số sale là một xu hướng dài hơi có cấu trúc, sự suy yếu và nội dung vô nghĩa sẽ kéo theo quảng cáo cùng chung số phận. Các nhà xuất bản sống nhờ bán báo và bán trang quảng cáo, mà nhìn chung thì bán báo đang có xu hướng suy thoái. Vì thế, điều duy nhất họ có thể làm lúc này là tăng giá bán”.
Conde Nast đã bắt đầu việc này từ hơn một năm nay khi hai đầu báo lớn của họ là GQ và Vogue đã tăng thêm 1 USD/quyển. Thật vậy, có lẽ tăng giá bìa là cách cứu vãn tốt nhất hiện tại bởi theo báo cáo mật từ phòng sale của Vogue Mỹ, số tháng 9, được coi là số quan trọng nhất của năm 2016 có lượng đặt quảng cáo rất ít. Bên cạnh đó, các tờ nổi tiếng như InStyle, Marie Claire, Glamour cũng rớt từ 2,5 – 10%. Chỉ có một vài tờ như Cosmopolitan, Self hay Vogue là có dấu hiệu tăng nhưng không vượt quá 7,5%.
Kỳ thú thay, các ấn phẩm phụ bản thời trang từ các đầu báo như Wall Street Journal, The Finanical Times hay New York Times lại làm ăn khấm khá. Các phụ bản này có kích thước lớn, chất lượng in đẹp, nội dung thiết thực và được phân bổ miễn phí (người ta mua báo và được tặng kèm) nên hiển nhiên được các khách hàng quảng cáo đặc biệt quan tâm bởi đối tượng tiếp cận những hình ảnh của họ trên “couple” này rộng khắp hơn so với tạp chí thời trang chính thống bởi người có thói quen đọc tin tức trên báo giấy thường từ tuổi trung niên trở lên, và đây là đối tượng có khả năng mua đồ hiệu nhất.
Groote cũng chỉ ra một điều rằng vẫn có những độc giả thích đọc thông tin được in trên giấy, thích cảm giác được sờ bề mặt thô ráp hay trơn bóng của giấy, hay thậm chí là ngửi mùi giấy (một số tạp chí tẩm nước hoa vào cả trang báo). Đối tượng này vẫn chiếm số lượng nhất định và dự báo sẽ tồn tại trong khoảng 40 năm nữa. Nói cách khác, ngành xuất bản còn đến 40 năm nữa mới bước qua giai đoạn kỹ thuật số 100%.
Khó khăn cũng chính là cơ hội. Đây là lúc để các nhà xuất bản tiếp thu và thay đổi để phù hợp với sự chuyển biến của thế cuộc. “Chúng ta đang gặp khó khăn thì kẻ thù cũng thế”. Điều cần làm lúc này là bên cạnh những giải pháp tạm thời, cần xây dựng mô hình và đội ngũ có thể sản xuất những “sản phẩm” kỹ thuật số mạnh mẽ mang tính cạnh tranh lẫn đầy đủ bản sắc, và đây là điều không phải diễn ra trong chớp mắt.
>Báo giấy: Tây giảm Đông tăng
>Báo giấy thất sủng
>Công nghiệp truyền thông: Hoàng hôn của báo giấy
>Mỹ: Báo điện tử thu quảng cáo nhiều hơn báo giấy