Một luật sửa nhiều luật: Tạo điều kiện cho DN phát triển
Du lịch - Ngày đăng : 06:16, 31/08/2016
Ngày 26/8, tại TP.HCM, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổng hợp ý kiến góp ý về Dự án Luật Sửa đổi, Bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh lần cuối cùng trước khi trình Quốc hội xem tại kỳ họp Khóa XIV vào tháng 10 -11/2016 tới.
Đọc E-paper
Dự án Luật Sửa đổi, Bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phá bỏ mọi rào cản để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Dự án Luật Sửa đổi, Bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh sẽ cho phép tiếp tục cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo danh mục của Luật Đầu tư và những điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý. Theo đó, dự kiến sẽ bãi bỏ 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bổ sung 14 ngành nghề, chuẩn hóa tên gọi 25 ngành nghề.
Theo ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Việc xây dựng và ban hành một "luật sửa luật" không phải là hoạt động lập pháp mới mà cách đây 7 năm, năm 2009, Quốc hội Khóa XII đã ban hành Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, từ đó đã sửa Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và Luật Nhà ở".
Năm 2014, Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Hải quan. Đây là cơ sở pháp lý để sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về cải cách thủ tục hành chính thuế.
Dự án Luật Sửa đổi, Bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh dự kiến ban đầu sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 84 điều, khoản, mục trong 12 bộ luật là Luật Đầu tư, Kinh doanh, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Quản lý thuế, Quảng cáo, Nhà ở, Khoáng sản, Điện ảnh, Đấu thầu, Quy hoạch đô thị, nhưng sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ban Soạn thảo đã lấy ý kiến của DN và lần này số bộ luật được đề xuất sửa đổi lên tới 37.
Tại các buổi lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Sửa đổi, Bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, rất nhiều đề xuất đưa ra có liên quan đến việc xác định ngành nghề kinh doanh, xin cấp phép, thủ tục đăng ký kinh doanh và sự mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định trong Luật Đầu tư được cho là làm khó doanh nghiệp, đặc biệt là với nhà đầu tư nước ngoài.
LS. Trần Anh Đức (Câu lạc bộ Luật sư thương mại Quốc tế) cho biết: "Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (mới) có hiệu lực từ tháng 7/2015 nhưng cho đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành được danh mục thống nhất các lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đây, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài chỉ có một giấy chứng nhận đầu tư, luật mới đã tách ra thành 3 loại giấy phép: chấp nhận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Xin chấp thuận chủ trương theo luật chính là mục gây khó khăn lớn và mất rất nhiều thời gian đối với nhà đầu tư khi phải thay đổi nội dung kinh doanh trong giấy phép đầu tư.
Ví dụ, dự án với 10 nhà đầu tư tham gia xây dựng khu đô thị phải xin chấp thuận chủ trương, khi chủ đầu tư chuyển nhượng hoặc hợp tác với các nhà đầu tư thứ cấp thì lại phải xin lại 10 giấy chấp thuận chủ trương".
Theo LS. Hoàng Văn Sơn - Trưởng văn phòng Luật sư VNC: "Điều 22 của Luật Đầu tư quy định xin đăng ký đầu tư mâu thuẫn với các Điều 23, 36. Luật Đầu tư cũng chưa quy định rõ nhà đầu tư nắm giữ trên 51% vốn điều lệ thì phải đăng ký đầu tư, hay khi mua phần vốn góp, cổ phần bất kể là bao nhiêu lần, nếu tỷ lệ chiếm trên 51% vốn điều lệ thì đều phải đăng ký đầu tư”.
Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và Luật Đất đai, ông Trần Anh Đức cho biết thêm: "Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới việc mua lại nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhưng sau khi đến Việt Nam tìm hiểu thì họ đều ra đi vì không thể mua nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản.
Nguyên nhân là Nghị định 69/2016/ND-CP ban hành tháng 7/2016 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ nhưng lại không quy định về việc chuyển giao tài sản đảm bảo sang cho công ty mua bán nợ.
Và vì công ty mua bán nợ không phải là tổ chức tín dụng nên không thể nhận thế chấp đối với bất động sản theo Luật Đất đai và không thể đăng ký thay đổi thế chấp đối với bất động sản. Vì thế, nhà đầu tư nước ngoài không thể bỏ tiền mua khoản nợ xấu để trở thành một chủ nợ không đảm bảo như luật của Việt Nam quy định".
>Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần "một luật sửa nhiều luật"
>6 điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ
>Điều kiện kinh doanh nhà hàng đối với nhà đầu tư nước ngoài