Tổng giám đốc Bệnh viện FV - “Thuyền trưởng” kiên định
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:23, 31/08/2016
Nhân viên nhận xét BS. Jean - Marcel Guillon là một lãnh đạo hoàn hảo. Theo dõi hành trình phát triển của Bệnh viện FV nhiều năm qua, tôi cũng đồng tình với nhận xét đó. Nhưng nếu phải chọn một phẩm chất yêu thích nhất ở con người này, tôi chọn sự kiên định.
Đúng vậy, phải kiên định lắm “thuyền trưởng” Jean - Marcel Guillon mới đưa “con tàu” FV vượt bao thác ghềnh trắc trở để đi tới cái đích đạt chứng nhận JCI của tổ chức giám định chất lượng dịch vụ y tế hàng đầu thế giới.
Xây dựng bệnh viện chuẩn mực quốc tế
Phú Mỹ Hưng (quận 7 - TP.HCM) những năm cuối thế kỷ XX không phải là một khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại, có chất lượng sống bậc nhất cả nước như bây giờ. Thay vào đó là một khu đầm lầy hoang sơ, um tùm cỏ dại, ít người lui tới. Vậy mà có một người đàn ông nảy ra ý tưởng xây bệnh viện ở đây, quả là chuyện lạ, càng lạ hơn khi đó không phải là một người bản xứ mà là một người nước ngoài.
Đầu những năm 1990, Việt Nam bước vào thời kỳ mở cửa, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng chuyển mình. Nhưng ngày đó nói đến chuyện xây bệnh viện tư nhân hẳn bị xem là điên rồ, huống gì xây bệnh viện đẳng cấp quốc tế.
Nhưng bác sĩ người Pháp Jean - Marcel Guillon đến từ một đất nước cách xa 10.000km thì không... điên. Ông có một tầm nhìn khác: “Tất cả bệnh viện ở đây đều quá tải, chật chội, thiếu trang thiết bị. Nhưng đất nước này đang xuất hiện một tầng lớp trung lưu. Khi có tiền người ta phải nghĩ đến chuyện chăm sóc sức khỏe chu đáo”.
Nói ngay và làm ngay. Trở về Pháp sau chuyến đi thực tế, năm 2000, ông bắt tay thực hiện đề án xây dựng bệnh viện và huy động vốn. Ông cặm cụi đóng từng thùng các-tông chứa hồ sơ gửi qua đường bưu điện đến cộng đồng các bác sĩ người Pháp làm việc tại Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ để mời họ đầu tư vào dự án.
Tổng cộng, từ năm 2000 – 2004, ông và các sáng lập viên chủ chốt huy động được 13 triệu USD từ 499 cổ đông cá nhân, 23 triệu USD từ IFC thuộc Ngân hàng Thế Giới, cộng thêm một phần từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), một ngân hàng Pháp và Ngân hàng BIDV Việt Nam, đủ để xây dựng và phát triển được bệnh viện lúc đầu. Điều gì khiến hàng trăm người và các ngân hàng chịu bỏ tiền vào dự án xây bệnh viện quốc tế đầu tiên ở Việt Nam? Vì đó là một ý tưởng hoàn toàn khả thi? Hay vì người ta nhìn thấy trong đó hình ảnh một người đi đầu mang tên Jean-Marcel Guillon với quyết tâm sắt đá và sự kiên định đi tới cùng? Có lẽ vậy nên Ngân hàng Thế giới chỉ đồng ý đầu tư với điều kiện ông Jean-Marcel Guillon phải làm Tổng giám đốc Bệnh viện.
Tháng 3/2003, sau hai năm xây dựng, Bệnh viện FV đi vào hoạt động. Ngày nay, tại TP.HCM người ta có thể thấy những bệnh viện tư nhân hoành tráng, thơm tho, thức ăn ngon như khách sạn 5 sao với đội ngũ nhân viên y tế tận tình, chu đáo. Nhưng cách đây hơn 10 năm, khi FV ra đời với những điều kiện như thế, không ít người lạ lẫm.
Tuy nhiên, đối với Guillon chuyện bệnh viện đặt bệnh nhân làm trung tâm là lẽ thường tình. Tinh thần này được Bệnh viện FV cụ thể bằng những hoài bão và sứ mệnh vào năm 2005, đó là hoài bão “trở thành nhà cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu châu Á”, và sứ mệnh “tạo uy tín bằng chất lượng chuyên môn xứng tầm quốc tế”. Một năm sau, năm 2006, FV đưa ra những cam kết về y đức, điều mà ít bệnh viện trong nước dám công khai.
Nói cách khác vị thuyền trưởng muốn con tàu phải vươn lên một đẳng cấp đặc biệt, khác với những con tàu khác đi trong luồng lạch nhỏ, vì chắc chắn nó phải tiến ra biển khơi! “Biển khơi”, đối với Guillon là FV phải tiến vào “sân chơi” của những bệnh viện quốc tế chất lượng hàng đầu châu Á.
Hành trình cải tiến chất lượng không ngừng nghỉ
Hơn 10 năm qua, không ít nhà quản lý y tế Việt Nam đau đáu khi chứng kiến một lượng lớn bệnh nhân bỏ ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn đến 2,5 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy bệnh nhân không tin vào chất lượng điều trị của bệnh viện trong nước.
Là nhà kinh doanh, người đứng đầu Bệnh viện FV cũng đau đáu như thế khi nhìn thấy thị phần bị đánh mất. “Chúng tôi phải thuyết phục họ ở lại trong nước chữa bệnh”, Jean - Marcel Guillon nói. Muốn thuyết phục người bệnh đến bệnh viện mình điều trị, không gì khác hơn là cam kết về chất lượng và an toàn.
Nói là làm, ông kiên trì thúc đẩy Bệnh viện FV đi theo con đường này. Năm 2007, FV trở thành bệnh viện đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế của HAS (Hauté Autorité De Santé) - tổ chức thẩm định chất lượng bệnh viện nổi tiếng của Pháp. Đó là bước tập dợt để FV chinh phục đẳng cấp cao hơn, chứng nhận JCI (Joint Commission International).
Những ai quan tâm đến chuẩn mực của bệnh viện quốc tế đều biết đến JCI. Đó không chỉ là bộ 360 tiêu chuẩn với hơn 1.200 tiêu chí đo lường cực kỳ khắt khe mang tầm quốc tế về chất lượng và an toàn cho bệnh nhân, mà còn là sự tự hào lớn lao, bởi đạt được chứng nhận này cũng đồng nghĩa với việc bệnh viện đạt đến đẳng cấp quốc tế thật sự.
Có dịp trò chuyện với báo giới, người đứng đầu Bệnh viện FV tâm sự: “Nếu bệnh viện cứ tự nói mình tốt đẹp và chất lượng cao thì cũng chỉ là ý kiến chủ quan. Do đó chúng tôi cần một đơn vị thứ ba, độc lập, uy tín, với các tiêu chuẩn đo lường khắt khe trực tiếp thẩm định và công nhận chất lượng. Đó là lý do đầu tiên chúng tôi muốn đạt chứng nhận JCI”.
Kể từ năm 2008, Bệnh viện FV bắt đầu hành trình chinh phục JCI. Hành trình đó thật gian khổ. Bà Nguyễn Thị Lệ Thu - Giám đốc Tiếp thị và Phát triển kinh doanh của bệnh viện, nói: “Lúc đầu, không phải nhân viên nào của Bệnh viện cũng tham gia, vì làm theo JCI là phải thay đổi rất nhiều thứ. Có người chống đối, người khác nói không cần thiết, có người lại lý luận từ trước đến nay tôi vẫn làm mà có sự cố gì đâu”.
Nhưng FV không thể không tiến lên vì họ có một người chỉ huy kiên định. Người ta nhìn thấy ông cặm cụi sáng chiều viết ra hàng ngàn chính sách, quy trình và hướng dẫn làm việc để nhân viên học hỏi và áp dụng. Người ta cũng nhìn thấy ông ở những buổi huấn luyện bệnh viện mở ra 3 lần mỗi ngày, gần 100 buổi mỗi tháng và hơn 1.000 buổi mỗi năm, diễn ra trong giờ nghỉ hay giờ ăn trưa để nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc cho mọi thành viên FV.
Hành trình đó cuối cùng cũng đến đích. Tháng 3/2016, Bệnh viện FV đạt chứng nhận JCI. Người ta kể rằng, thời điểm chuyên viên thẩm định JCI tuyên bố FV đã vượt qua được cuộc kiểm định với số điểm 9,8/10, ông Jean - Marcel Guillon đã bật khóc vì hạnh phúc. Đúng là hạnh phúc, vì giấc mơ ban đầu của người khai sáng bệnh viện - bệnh nhân phải được điều trị và chăm sóc trong điều kiện hàng đầu thế giới - đã đạt được.
Tháng qua, có dịp trò chuyện với ông Guillon, tôi hỏi: “Phẩm chất lãnh đạo và quản lý bệnh viện của ông không phải bàn cãi, nhưng nếu có một điểm yếu ở ông, đó là điểm gì?”. Ông trả lời: “Đôi lúc tôi sống tình cảm quá”.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đồng nghiệp tại bệnh viện cũng là người bạn đời của ông, cũng đồng tình: “Đúng, ông ấy sống rất tình cảm. Trong công việc, có lúc đó là điểm hay nhưng có lúc lại là điểm dở. Nhưng dù thế nào, với tôi, ông ấy là một con người hoàn hảo, người có đầu óc chiến lược, ham học hỏi, muốn là làm cho bằng được”. Nhiều nhân viên Bệnh viện FV mà tôi gặp gỡ đều có chung nhận xét này.
“Nhưng tiếp theo JCI là gì, đó không thể là mục tiêu cuối cùng?”, tôi hỏi Jean - Marcel Guillon. “Đó chỉ là chặng đầu cho hành trình chất lượng của chúng tôi bởi tổ chức này sẽ tái đánh giá bệnh viện mỗi 3 năm một lần, lần sau sẽ khắt khe hơn lần trước. Giấc mơ của chúng tôi với FV không phải là trở thành bệnh viện tốt nhất thế giới, mà là bệnh viện an toàn nhất cho bệnh nhân, vì thế quá trình cải tiến chất lượng của chúng tôi không bao giờ ngưng nghỉ”.
“Con tàu” FV lại tiếp tục hành trình với những giấc mơ lớn hơn. Nó sẽ đi tới những bến bờ mới vì được chỉ huy bởi người thuyền trưởng kiên định.
JCI là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận chuyên đánh giá và chứng nhận chất lượng cho các cơ sở y tế ở châu Á, châu Âu, Trung Đông và Nam Mỹ. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của JCI bao gồm 14 chương, 360 tiêu chuẩn và hơn 1.200 tiêu chí đo lường. Thông qua một quy trình khảo sát khắt khe, JCI đánh giá chất lượng của một cơ sở y tế dựa trên những tiêu chí chính sau đây: Các tiêu chí quốc tế về an toàn bệnh nhân; Tiếp cận dịch vụ chăm sóc và tính liên tục trong quá trình chăm sóc; Quyền của bệnh nhân và gia đình; Đánh giá tình trạng bệnh nhân; Chăm sóc bệnh nhân; Chăm sóc trong gây mê và phẫu thuật; Quản lý và sử dụng thuốc; Hướng dẫn bệnh nhân và gia đình; Nâng cao chất lượng và an toàn bệnh nhân; Phòng chống và kiểm soát nhiễm khuẩn; Quản trị, lãnh đạo và định hướng; Quản lý và an toàn trang thiết bị; Trình độ chuyên môn và đào tạo nhân viên; Quản lý thông tin… |