Vì sao lãi suất khó giảm?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:57, 03/09/2016

Khi mặt bằng lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng trở lại tại một số ngân hàng thì lãi suất cho vay e rằng càng khó giảm thêm được nữa.
Vì sao lãi suất khó giảm?

Khi mặt bằng lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng trở lại tại một số ngân hàng thì lãi suất cho vay e rằng càng khó giảm thêm được nữa. 

Đọc E-paper

Mặc dù trần lãi suất huy động VND đã giảm từ năm 2011 đến nay, ở mức 14% xuống còn 5,5% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, nhưng mức giảm của lãi suất cho vay chưa tương xứng, thậm chí vẫn khá cao.

Theo thông cáo báo chí gần đây nhất về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2016, thì "với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng về cơ bản diễn biến ổn định, từ cuối tháng 4/2016, các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi".

Đó là sự nỗ lực của nhà điều hành nhưng thực tế, việc giảm lãi suất chỉ chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng thương mại nhà nước, còn các ngân hàng thương mại cổ phần chỉ triển khai đối với một số chương trình ưu đãi, và mức lãi suất ưu đãi cũng chỉ giới hạn trong một vài kỳ đáo hạn đầu tiên để thu hút khách hàng.

Nợ xấu cao, vốn huy động bị mắc kẹt

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của các ngân hàng cho thấy nợ xấu tiếp tục tăng và việc xử lý nợ xấu còn khá chậm, chủ yếu bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đây vốn dĩ chỉ là giải pháp "nhốt nợ" lại một nơi để làm đẹp tỷ lệ nợ trên sổ sách, trong khi tiến độ xử lý của VAMC cũng chẳng mấy khả quan.

Vì vậy, vốn huy động của các ngân hàng đang mắc kẹt tại nợ xấu và phần trái phiếu đặc biệt của VAMC, vốn là những khoản mục không còn mang lại thu nhập. Những ngân hàng nào có lượng nợ xấu càng cao thì việc giảm lãi suất cho vay càng khó khả thi, vì để bù lại cho phần thu nhập bị mất khi vốn bị kẹt ở các khoản nợ xấu.

Một số ngân hàng có các khoản phải thu và lãi dự thu tích qua các năm khá lớn, do đó hiệu suất sử dụng vốn càng thêm thấp. Những tài sản này được xếp vào dạng không mang lại thu nhập, không sinh lời, trong khi ngân hàng vẫn phải huy động vốn để tài trợ cho những khoản mục tài sản này, vì thế phải giữ lãi suất đầu ra cao cho những tài sản còn sinh lời như dư nợ cho vay.

Phải duy trì NIM đủ cao

Trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức thấp, phổ biến từ 6 - 6,5% tương ứng theo kỳ hạn, thì việc huy động vốn ở mặt bằng lãi suất như hiện nay, từ 5 - 7% tùy theo kỳ hạn cho thấy biên độ lãi suất của kênh đầu tư này khá thấp. Tương ứng, lãi suất liên ngân hàng cũng thấp nhất từ trước đến nay, với lãi suất qua đêm xoay quanh mức 1% thì nguồn vốn huy động nếu rót vào đây sẽ gần như có lãi suất âm.

Các hoạt động khác như kinh doanh ngoại hối, nguồn thu phí dịch vụ thanh toán quốc tế từ doanh nghiệp xuất nhập khẩu không nhiều, do đó mấy năm qua, thu nhập của các ngân hàng tiếp tục phụ thuộc vào việc cho vay.

Nợ xấu tăng thêm buộc phải trích lập dự phòng cao, cũng như trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt đã bán cho VAMC hằng năm theo quy định, vì thế các ngân hàng phải cân đo đong đếm để đảm bảo duy trì được hệ số NIM (tỷ lệ lãi cận biên) đủ để có lợi nhuận, đảm bảo thu nhập phải bù được chi phí hoạt động tăng từng năm.

Chính vì vậy, việc giảm lãi suất cho vay là rất khó vì có thể làm giảm hệ số NIM và tác động xấu đến các chỉ số sinh lời của ngân hàng.

Phải có thu nhập của phần dư nợ cho vay gánh được cho phần thu nhập bị mất từ nợ xấu, từ các tài sản không sinh lời, từ các kênh đầu tư có biên độ lãi suất thấp hoặc thậm chí bị âm, thì việc treo mặt bằng lãi suất cho vay cao có thể hiểu được.

Mặt bằng lãi suất đang ở đáy?

Với động thái tăng lãi suất huy động gần đây của các ngân hàng và lạm phát có xu hướng đi lên, thì nhiều dự báo cho rằng mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay đang là mức đáy và xu hướng sắp tới có thể đi lên trở lại.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối vốn để duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay thì vì lợi ích riêng, các ngân hàng khó có thể đi ngược với xu thế thị trường.

Vì vậy, các ngân hàng đang cố co kéo duy trì lãi suất cho vay như hiện tại thêm một thời gian nữa, với kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ sớm đi lên trở lại và do đó không cần phải điều chỉnh giảm.

Đặc biệt, theo quy định của Thông tư số 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước thì từ 1/1/2017, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của ngân hàng sẽ được điều chỉnh giảm từ 60% như hiện nay xuống còn 50%, sẽ gây áp lực lên huy động vốn và có thể tác động đến mặt bằng lãi suất.

>Phía sau khoảng lặng của tỷ giá

>Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó vay vốn

HỒ LÊ