Apple sẽ tạo ra vết rạn lớn giữa EU và Mỹ?

Quốc tế - Ngày đăng : 00:07, 07/09/2016

Từ yêu cầu truy thu thuế của Apple, Liên minh châu Âu (EU) đang chơi một ván bài rất mạo hiểm đối với kinh tế của khối này, với nguy cơ xảy ra nhiều xung đột mang hậu quả lớn với Mỹ trong tương lai.
Apple sẽ tạo ra vết rạn lớn giữa EU và Mỹ?

Từ yêu cầu truy thu thuế của Apple, Liên minh châu Âu (EU) đang chơi một ván bài rất mạo hiểm đối với kinh tế của khối này, với nguy cơ xảy ra nhiều xung đột mang hậu quả lớn với Mỹ trong tương lai.

Đọc E-paper

Ngày 30/8, Ủy ban châu Âu (EC) có hành động được xem là đòn giáng mạnh vào Apple khi yêu cầu Ireland phải truy thu của công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ này khoản thuế lên đến 13 tỷ USD (14,5 tỷ euro).

EC cho rằng Chính phủ Ireland đã tiếp tay cho Apple "trốn thuế”, bằng cách áp đặt mức thuế quá thấp. Vụ việc này không chỉ ảnh hưởng tới Apple trước ngày họ ra sản phẩm mới trong năm nay, mà còn tác động không nhỏ tới quan hệ giữa thị trường EU với các công ty Mỹ.

Mâu thuẫn pháp lý

Apple và Ireland không đồng ý với yêu cầu của EC. Họ cho rằng việc xử lý thuế phù hợp với luật pháp của Ireland với EU, và cho biết sẽ kháng cáo. Lý do Apple và Ireland đưa ra là EU đã đi ngược lại với những gì liên minh này nói, về việc cho phép các quốc gia nhỏ (như Ireland) trong khối được dùng các biện pháp thu hút đầu tư và tăng việc làm, theo Reuters.

Vừa qua, EC nói rằng cuộc điều tra 3 năm của họ cho thấy Ireland đã ưu đãi Apple thái quá, với việc chỉ đánh thuế 0,005% vào công ty này, trong khi quy định từ EU buộc các thành viên phải đánh thuế 1%.

Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh, bà Marghethe Vestager nói trong cuộc họp báo rằng: "Quyết định của Ireland đã giúp giảm gánh nặng thuế cho Apple trong hơn 2 thập kỷ, vi phạm các quy định về viện trợ nhà nước của EU. Bây giờ Apple phải trả lại lợi ích của họ”.

Tại Ireland, mức thuế nước này đặt ra là 12,5%. Tuy nhiên, nhằm thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm, Chính phủ Ireland cũng đặt mức thuế khác với các công ty con của Apple cũng như những tập đoàn xuyên quốc gia khác như Facebook hay Google. Vấn đề nảy sinh từ mâu thuẫn giữa luật pháp về thuế của Chính phủ Ireland với quan điểm của EU về "luật chơi chung" dành cho các nước thành viên.

Trên thực tế, việc các công ty xuyên quốc gia, đặc biệt là các công ty công nghệ vừa nêu sử dụng tuyệt chiêu trốn thuế là điều đã được khơi lên từ lâu. Bằng việc tạo ra các công ty con, thậm chí là "công ty ma", những Apple hay Google có thể phân bổ lợi nhuận chính từ tổng công ty sang các công ty con kiểu này. Khe hở nằm ở chỗ, các công ty con ấy thường đặt tại Ireland hoặc nổi bật là New Zealand, những "thiên đường thuế”. Do đó, tổng thu nhập của họ sẽ được "hạ” xuống theo kiểu "phân thân".

Mặc dù vậy, EU cũng thường xuyên gặp rắc rối trong các trường hợp này. EC trước đây đã ra phán quyết buộc các công ty như Fiat, Atlas Copco AB phải trả khoảng 350 triệu USD. Tuy nhiên Hà Lan, Luxembourg và Bỉ, các nước trong hoàn cảnh tương tự Ireland, cũng không chấp nhận việc EU và EC (cơ quan phụ trách việc lập pháp, thi hành các quyết định, hiệp ước của EU) can dự vào luật thuế quốc gia của họ. Trong bức thư tuần trước, Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple cũng khẳng định EU đã "bỏ qua luật thuế của Ireland".

Đe dọa quan hệ EU - Mỹ

Sau tất cả, phản ứng từ phía Mỹ đối với yêu cầu vừa qua của EU khá tiêu cực. Họ cho rằng các công ty Mỹ đã bị xâm phạm quyền lợi từ yêu cầu này, và làm dấy lên lo ngại về một sự đáp trả. Chính phủ Mỹ không muốn các công ty nộp thuế ở nước ngoài, do đó sự ảnh hưởng trực tiếp là điều rất rõ ràng.

Phân tích trên NZHerald (New Zealand) ngày 2/9 chỉ ra rằng, bản thân EU khó có thể buộc các công ty Mỹ đóng thuế đầy đủ mà không có sự tương tác với chính quyền. Cơ cấu về thuế có thể được giải thích đơn giản như sau: Apple bán ra một sản phẩm ở công ty con đặt ở Pháp, nước này sẽ đánh thuế 33,33%. Theo đó, một chiếc điện thoại 200 USD (308 euro) của Apple sẽ bị cơ quan thuế của Pháp thu 66 euro. Trong khi đó, Mỹ cũng thu thuế Apple 35%, tức 70 euro. Tuy nhiên Mỹ sẽ khấu trừ khoản thuế Apple đã trả cho Pháp, và như vậy Chính phủ Mỹ sẽ chỉ nhận 4 euro tiền thuế. Ngược lại, một người Pháp đặt hàng iPhone từ công ty đăng ký ở Mỹ, chính phủ Pháp sẽ không thu đồng thuế nào, và Mỹ sẽ hưởng trọn 70 euro. Thỏa thuận kiểu ấy là phương pháp khá hữu hiệu giữa hai quốc gia. Như vậy, việc EC đòi truy thu thuế của Apple khiến Mỹ có cảm giác EU đang cố tình tranh phần của Mỹ.

Reuters ngày 30/8 dẫn lời một phát ngôn viên của Kho bạc Mỹ cảnh báo rằng động thái của EU có khả năng làm suy yếu sự đầu tư của Mỹ ở châu Âu cũng như "tinh thần quan trọng của quan hệ đối tác kinh tế giữa Mỹ và EU".

Một trong những vấn đề có thể bị ảnh hưởng nhanh nhất là triển vọng về thỏa thuận Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU. TTIP đã được Brussels và chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama thông qua, tuy nhiên, trước việc ông Obama sẽ rời nhiệm sở sau cuộc bầu cử năm nay cũng như việc Anh bỏ phiếu rời EU (Brexit), thỏa thuận này ngày càng mịt mờ.

Pháp ngày 30/8 bày tỏ sự quan ngại về tương lai của TTIP. Bộ trưởng Thương mại Pháp Matthias Fekl cho biết ông sẽ yêu cầu dừng đàm phán TTIP tại cuộc họp các bộ trưởng thương mại của EU vào tháng tới tại Bratislava, sau khi Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho rằng cuộc đàm phán về cơ bản là "đã chết", theo Reuters.

Trong bối cảnh cả Pháp và Đức đều sắp tổ chức bầu cử vào năm sau, xung đột về lợi ích giữa các công ty Mỹ và EU sẽ càng khiến mối quan hệ giữa Brussels và Washington bị ảnh hưởng nặng nề hơn bao giờ.

>Nguy cơ đổ vỡ TTIP vì sáng kiến "Người Mỹ dùng hàng Mỹ"

>Apple chịu mức phạt kỷ lục từ EU do trốn thuế

> EU mạnh tay ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế

THÁI BẢO