Philippines trong thế khó xử với Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 01:02, 07/09/2016
Hội nghị G20 và cuộc họp ASEAN trong tháng 9 có thể là thời điểm để Philippines gia tăng áp lực ngoại giao lên Trung Quốc, bằng việc khơi lại kết quả phán quyết của một tòa trọng tài trung gian (PCA) ở The Hague (Hà Lan) trong tháng 7. Tuy nhiên, tình thế và biểu hiện của Philippines cho thấy họ tạm thời phải gác chuyện Biển Đông sang một bên.
Ngày 2/9, Tổng thống Rodrigo Duterte cho hay cảnh sát Philippines đã phát hiện nhiều sà lan Trung Quốc xuất hiện ở bãi cạn Scarborough. Đây là bãi cạn nằm phía Tây Bắc Philippines, bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012 và luôn là tâm điểm trong các cuộc tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh. Ông Duterte nghi ngờ rằng rất có thể tàu Trung Quốc đã đến làm nhiệm vụ xây dựng đảo nhân tạo ở gần khu vực này, theo AP.
Tuy nhiên, trái với những phản ứng mạnh mẽ thường thấy, ông Duterte một lần nữa đã phát biểu rất chừng mực về vấn đề này khi chỉ gọi hành động của Trung Quốc là "có khả năng gây căng thẳng". Ông cũng khẳng định không mang chuyện Biển Đông ra bàn ở hội nghị ASEAN, diễn ra tại Lào từ ngày 6 - 8/9.
Đây là một tuyên bố phù hợp với một chuỗi các phản ứng có vẻ nhẹ nhàng của Tổng thống Philippines về Trung Quốc thời gian gần đây. Ông Duterte từ khi nắm quyền tại Philippines hồi tháng 7 tới nay đã nhiều lần đổi giọng về Biển Đông, từ chỗ không muốn đàm phán song phương theo ý Trung Quốc, đến việc "mớm lời" với Bắc Kinh về những thỏa thuận riêng. Cuối tháng 8 qua, ông còn gây chú ý khi thổ lộ ý định tạm gác chuyện Biển Đông để cư xử với Trung Quốc như "người anh em".
Có thể thấy rõ ông Duterte đã đánh bài hoãn binh trong việc này. Ông thừa nhận Philippines không muốn chiến tranh và cần phải tăng cường quân sự nhiều hơn. Bản thân chính quyền mới tiếp quản của ông Duterte cũng đang đối mặt nhiều vấn đề về an ninh, kinh tế nên cuộc đối đầu với Trung Quốc lúc này chưa cần thiết.
Bắc Kinh vẫn là đối tác kinh tế lớn nhất của Manila. Bên cạnh cuộc chiến chống ma túy kịch liệt khiến hơn 2.000 người chết ở Philippines chỉ trong 2 tháng qua, đất nước này cũng trải qua thảm họa nghi khủng bố mới nhất ở thành phố Davao - nơi ông Duterte đặt dấu ấn chính trị trong vai trò thị trưởng, khiến hàng chục người chết và bị thương.
Philippines vẫn khẳng định với phía Trung Quốc rằng mọi cuộc đàm phán song phương đều có thể diễn ra, nhưng phải căn cứ vào phán quyết của PCA. Trong khi đó, câu chuyện Biển Đông là điều Trung Quốc không muốn nhắc tới ở hội nghị G20 cũng như ASEAN tới đây. Cả hai đều đang trong tư thế chờ, và rõ ràng hành động của Trung Quốc trong vụ sà lan bồi đắp vừa qua đang có phần thách thức khả năng xử lý của ông Duterte...
>PCA: Trung Quốc không có quyền lịch sử bên trong đường 9 đoạn
>Sau phán quyết của PCA: Không khí thận trọng bao trùm
>Philippines trông đợi gì ở ngài "Digong"?