Doanh nghiệp kính xây dựng gặp khó

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:11, 19/09/2016

Nhu cầu kính xây dựng đang tăng mạnh vào cuối năm nhưng nguồn cung lại khan hiếm và liên tục tăng giá. Dự báo, tình trạng này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới khi các doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khó.
Doanh nghiệp kính xây dựng gặp khó

Nhu cầu kính xây dựng đang tăng mạnh vào cuối năm nhưng nguồn cung lại khan hiếm và liên tục tăng giá. Dự báo, tình trạng này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới khi các doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khó. 

Đọc E-paper

Theo Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, hiện cả nước có 4 nhà máy sản xuất kính xây dựng lớn, gồm: nhà máy kính Chu Lai (công suất 900 nghìn tấn/ngày), nhà máy kính Việt Nhật (550 nghìn tấn/ngày), nhà máy kính Bình Dương (450 nghìn tấn/ngày), nhà máy kính Tràng An (300 nghìn tấn/ngày) nhưng nguồn cung cho thị trường vẫn thiếu.

Đã vậy, nhà máy kính Tràng An lại đang dừng sản xuất để đại tu, khiến một phần nguồn cung bị gián đoạn; nhà máy kính nổi Việt Nam (VFG) đang chuẩn bị đại tu vào tháng 4/2017 nên bán nhỏ giọt. Thị trường xây dựng đang vào mùa cao điểm cuối năm, tỷ lệ sử dụng kính xây dựng tăng mạnh nhưng doanh nghiệp sản xuất tạm ngưng hoạt động, bán nhỏ giọt khiến nhiều đơn vị bán lẻ cho rằng thị trường sẽ khan hiếm nên trữ hàng chờ cơ hội nâng giá.

Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hiện có ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kính vì sản xuất khó khăn. Trên thực tế, nhiều công ty có nội lực nhưng cũng vẫn bị xóa sổ như nhà máy kính Đáp Cầu, Kiến An, Cẩm Phả, Trường Phong... Nguyên nhân là do thị trường bấp bênh, nhiều bất cập trong điều hành giá nguyên liệu đầu vào.

Ngoài ra, do khâu kiểm định mặt hàng kính thông qua hàng rào kỹ thuật vẫn không được kiểm soát nên nhiều doanh nghiệp đưa kính kém chất lượng, giá thành thấp vào lưu thông sản xuất dưới tem nhãn của hàng chất lượng cao khiến những doanh nghiệp kính làm ăn chân chính bị thiệt hại. Công ty kính Đáp Cầu trước khi ngưng hoạt động đã tồn kho hơn 2 triệu m2 kính, trị giá gần 50 tỷ đồng cũng vì nguyên nhân này.

Cũng theo ông Cung, để đầu tư nhà máy sản xuất kính công nghệ cao, sản xuất sản phẩm chất lượng tốt (ngay sau khâu sản xuất kính sẽ phủ luôn bề mặt khi ra lò) cần kinh phí đến 100 triệu USD. Một nhà máy hoạt động hiệu quả nếu công suất đạt 500 tấn/ngày nhưng với thị trường luôn bấp bênh như Việt Nam thì việc đầu tư lớn luôn đi kèm với rủi ro lớn.

Đó là chưa kể, ngành thủy tinh còn có đặc thù riêng. Đó là lò nấu thủy tinh phải hoạt động liên tục và khi dừng lò cũng đồng nghĩa với việc phải phá bỏ để xây lại lò mới (do thủy tinh nóng chảy bị đông cứng), thiệt hại sẽ rất lớn.

Hiện tại, đã có một số doanh nghiệp được trang bị công nghệ hiện đại, có thể rút dần thủy tinh lỏng ra để tạm dừng hoạt động, nhưng chất lượng và tuổi thọ của lò nấu cũng suy giảm nghiêm trọng. Đây cũng là lý do khiến thị trường kính Việt Nam luôn thiếu những sản phẩm kính chất lượng cao và nhu cầu nhập khẩu kính vẫn rất lớn.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2016 của Viglacera cách đây vài tháng, đại diện Viglacera tiết lộ, năm 2015, mảng kinh doanh kính tiết kiệm năng lượng tại nhà máy kính ở Bình Dương đã mang lại 150 tỷ đồng (trong khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu), tỷ suất lợi nhuận của nhà máy lên tới 20%. Viglacera đưa ra kế hoạch đầu tư tiếp vào mảng kính này, theo đó một nhà máy kính tiết kiệm năng lượng 2,3 triệu m2/năm có tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng được xây dựng ở Bình Dương, dự kiến hoạt động trong quý III năm nay. Viglacera còn hợp tác với Tổng công ty Idico và một đối tác nước ngoài để đầu tư nhà máy kính nổi siêu trắng tại KCN Phú Mỹ ở Vũng Tàu, có công suất 600 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 1.200 - 1.500 tỷ đồng.

Theo tính toán của Viglacera, kính Low-E có giá khoảng 13.000 đồng/1kg sản phẩm trong khi gạch Ceramic khoảng 6.000 đồng, nên hướng đầu tư vào những sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng, kính năng lượng mặt trời có giá trị cao như kính Low-E là một xu thế mới trong kinh doanh kính những năm tới, không chỉ đáp ứng trong nước mà cả xuất khẩu ra nước ngoài.

>Triển lãm công nghệ mới trong ngành xây dựng, kiến trúc

>Coteccons - Hòa Bình: Vẽ lại thị trường xây dựng

Ý NHI