Tận dụng rác thải làm nguyên liệu sản xuất

Start up - Ngày đăng : 01:11, 26/09/2016

Điều kiện đầu tư cho nguồn điện từ rác thải đã thuận lợi hơn khi Chính phủ quy định giá mua điện được làm ra từ loại công nghệ này là 1.532 đồng/kWh, tăng gần gấp đôi so với trước.
Tận dụng rác thải làm nguyên liệu sản xuất

Rác thải là một vấn đề môi trường, nhất là ở các thành phố lớn, mức sống người dân ngày càng được nâng cao thì rác thải ngày càng nhiều. Việc xử lý rác thải không hiệu quả gây ô nhiễm môi trường được xem là một biểu hiện yếu kém về quản lý đô thị và hiện là vấn đề nghiêm trọng của các thành phố lớn trên thế giới.

Đọc E-paper

Trong chừng mực, rác thải công nghiệp là thước đo của một nền sản xuất phát triển. Thế nhưng rác không phải là thứ bỏ đi mà lại trở thành nguyên liệu nếu biết tận dụng, tái chế và điều này tùy thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân.

Dưới góc độ này thì rác thải cũng tạo ra được nhiều công ăn việc làm không phải cho người nghèo sống bên cạnh vô số bãi rác khổng lồ mà còn là những doanh nghiệp, tập đoàn làm giàu nhờ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý các loại rác thải quy mô lớn.

Rác thải ở Việt Nam đang là một hiện trạng đáng lo ngại. Sự phát triển kinh tế cùng với sự gia tăng dân số không ngừng đang khiến rác thải sinh hoạt và y tế tại các thành phố lớn ở Việt Nam tăng nhanh hơn cả các nước khác trên thế giới.

Hiện nay, tại Hà Nội, khối lượng rác sinh hoạt tăng trung bình 15% một năm, tổng lượng rác thải ra ngoài môi trường lên tới 5.000 tấn/ngày. TP.HCM mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, mỗi năm cần tới 235 tỷ đồng để xử lý.

Xét về rác thải y tế, khoảng 50% số bệnh viện tại Việt Nam vẫn chưa áp dụng quy trình xử lý rác y tế đạt chuẩn. Mỗi ngày, ngành y tế thải ra 350 - 450 tấn rác thải, trong đó có 40 tấn thuộc loại độc hại.

Tác hại của rác thải đến cuộc sống của người dân là rất nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách. Riêng việc nước thải và nước rỉ ra từ chất thải rắn thấm xuống đất lâu ngày cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt. Đây là một bài toán đau đầu cho các nhà khoa học và môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đang từng bước giải quyết vấn đề nan giải này một cách tích cực.

Hiện nay, rác thải được xem là nguồn nguyên liệu tiềm năng để sản xuất điện bằng nhiều công nghệ khác nhau, là nguồn năng lượng tái tạo góp phần đáng kể vào bảo vệ môi trường.

Nhiều quốc gia xem chất thải rác là tài nguyên, là nguồn năng lượng thay thế. Ở các nước quanh ta như Thái Lan, Malaysia, Singapore, xử lý chất thải là một ngành công nghiệp phát triển mang lại nhiều lợi nhuận, không chỉ nhờ vào việc sản xuất điện mà còn tiết kiệm tài nguyên thông qua việc tái chế giấy, kim loại, nhựa…

Điều này hiện không còn xa lạ với chúng ta. Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàn - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Công thương, cho biết trung bình mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt của cả nước lên đến 76.000 tấn, tính ra cả năm là 28 triệu tấn. Điều này cho thấy nguồn lợi từ rác ở nước ta không hề nhỏ nếu biết tận dụng.

Theo các chuyên gia môi trường, có nhiều cách để biến rác thải thành năng lượng sạch như sử dụng công nghệ không đốt đang là xu thế tại nhiều nước. Ưu điểm của công nghệ này là phát huy được hiệu quả cao đối với các chất thải lây nhiễm, chi phí vận hành thấp, có thể sử dụng không chỉ với quy mô nhỏ.

Tại một số tỉnh thành như Bắc Giang, Đà Nẵng, TP.HCM, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư xử lý chất thải rắn, xây dựng nhà máy chế biến từ rác thải thành phân hữu cơ sinh học (compost), khí sinh học…

>>Tiềm năng sản xuất điện từ rác

Cách đây mấy tháng, TP.HCM nơi có lượng rác thải mỗi ngày khoảng 7.000 tấn, đã kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một nhà máy sản xuất compost từ rác với công suất 1.000 tấn rác/ngày trên diện tích 23ha và dự án xây dựng 2 nhà máy đốt rác sinh hoạt kết hợp phát điện cũng với công suất 1.000 tấn rác/ngày. Các dự án này đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước.

Một trong những nhà đầu tư là Công ty Toyobo (Nhật Bản) cho biết muốn đầu tư hệ thống xử lý chất thải thành năng lượng thay vì chôn lấp tại TP.HCM . Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã đề nghị Toyobo đề xuất dự án chi tiết hơn để chính quyền thành phố có thể sớm cấp phép đầu tư.

Đề cập đến việc xử lý chất thải rắn không chôn lấp dự định đầu tư tại thành phố, đại diện Toyobo cho biết đây là công nghệ lên men vi sinh và làm khô chất thải, sau đó chất thải khô được chuyển thành chất hữu cơ, rồi mới qua bước chuyển hóa thành năng lượng. Công nghệ xử lý chất thải thành năng lượng này đã được triển khai tại Singapore, Philippines và Ấn Độ.

Công nghệ này không cần phân loại rác tại nguồn mà đầu vào là toàn bộ rác không phân loại và đầu ra là chất thải được tách ra thành chất thải hữu cơ, kim loại, nhựa… Đây được cho là công nghệ phù hợp với điều kiện rác thải ở Việt Nam vốn chưa được phân loại triệt để.

TP.HCM có nhu cầu xử lý chất thải đô thị, chất thải công nghiệp rất lớn, ước tính mỗi ngày có gần 7.000 tấn rác thải sinh hoạt và phần lớn là xử lý chôn lấp. Ông Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đang nghiên cứu áp dụng một số phương pháp tiên tiến của Nhật Bản như công nghệ biến rác thành năng lượng, do đó rất quan tâm đến công nghệ xử lý chất thải rắn không chôn lấp như Toyobo đề xuất.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay số lượng doanh nghiệp xử lý rác tại thành phố rất ít, một vài doanh nghiệp xử lý chất thải thành phân bón và lượng rác cung ứng cho từng nhà máy xử lý hiện cũng không nhiều, khoảng 1.000 - 1.200 tấn cho mỗi nhà máy/ngày.

Hình thức xử lý chôn lấp hiện nay vẫn còn để lại nhiều bất cập về môi trường. Do vậy, mối quan tâm của Thành phố là giải quyết môi trường tại các khu chôn lấp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết như vậy và nhấn mạnh trong tương lai rất cần những công nghệ xử lý rác thải hiện đại.

Ngoài Toyobo, hiện cũng có một số nhà đầu tư nước ngoài khác đang muốn đầu tư xử lý rác thải, do vậy Thành phố sẽ cân nhắc lựa chọn công nghệ nào tốt nhất để đảm bảo môi trường. Thành phố cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thật ra việc tận dụng nguồn rác thải để sản xuất điện năng đã hình thành từ năm 2006, khi TP.HCM là nơi đầu tiên trên cả nước đưa vào hoạt động thành công nhà máy xử lý rác thành điện sạch tại Gò Cát ở quận Bình Tân.

Rác thải theo đó được chôn trong các ô chôn lấp có chiều sâu hơn 7 mét, có lót vật liệu chống thấm với độ bền hơn 50 năm và không ảnh hưởng tới môi trường. Khí gas sinh ra từ quá trình phân hủy rác được thu gom bằng các giếng thu đứng, dẫn về trạm thu gas và qua một công đoạn tách nước. Khí gas sạch sẽ được dẫn đến máy chiết xuất và máy thổi khí nén trước khi được bơm vào hệ thống động cơ nổ để chạy máy phát điện. Điện sinh ra được đưa qua máy biến thế để tăng áp và hòa vào lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, do các vướng mắc về giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hồi đó còn thấp hơn giá thành sản xuất nên các nhà đầu tư đã chùn bước khi muốn tham gia các dự án điện sạch.

Hiện nay điều kiện đầu tư cho nguồn điện từ rác đã thuận lợi hơn khi Chính phủ quy định giá mua điện được làm ra từ loại công nghệ này là 1.532 đồng/kWh, tăng gần gấp đôi so với trước. Còn đối với các dự án phát điện đốt rác trực tiếp, giá mua điện ở mức cao hơn: 2.114 đồng/kWh – như một biện pháp khuyến khích xử lý rác triệt để.

Với giá mua này, các dự án đốt rác phát điện tại Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng sẽ trở nên khả thi hơn.

Ngoài quy định cụ thể về giá mua điện, Chính phủ còn quy định nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển dự án phát điện sử dụng rác thải. Nhằm tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, Chính phủ còn quy định cụ thể Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền) có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy phát điện sử dụng rác thải. Thời hạn hợp đồng đến 20 năm, sau đó có thể gia hạn hoặc ký hợp đồng mới.

Cũng theo quy định của Chính phủ, dự án phát điện sử dụng rác thải được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; các ưu đãi về đất đai cũng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Rõ ràng, cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn như vừa nói thể hiện rõ nhiều ưu đãi. Đây được xem là nền tảng để các địa phương lựa chọn công nghệ xử lý rác, biến rác thành vàng mang lại lợi ích cho nền kinh tế, bảo vệ môi trường sống an toàn cho người dân. 

>>Kiếm tiền từ rác

LÊ MINH TRÍ/DNSGCT