Lời giải cho bài toán “năng lực” của lãnh đạo kế nghiệp

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:28, 28/09/2016

Lãnh đạo kế nghiệp là vấn đề đang đặt ra rất cấp thiết đối với đại đa số doanh nghiệp Việt Nam.
Lời giải cho bài toán “năng lực” của lãnh đạo kế nghiệp

Đã có nhiều chương trình đào tạo dành cho những người lập nghiệp, khởi nghiệp nhưng chưa có một chương trình, mô hình bài bản, khoa học để đào luyện, bồi dưỡng những người kế nghiệp, trong khi vấn đề này đang đặt ra rất cấp thiết đối với đại đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Ba mươi năm đổi mới, 20 năm hội nhập, đã hình thành một thế hệ doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam thời hậu chiến. Những cơ cực, trần ai trong quá trình lập nghiệp đã qua đi, tưởng như thế hệ doanh nhân này đã có thể an nhàn và thanh thản với cơ nghiệp mình tạo dựng. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể “cày xong thửa ruộng” khi vẫn còn lơ lửng một nhiệm vụ đặc biệt: tìm người kế nghiệp và đào tạo, bồi dưỡng để người kế nghiệp có thể tiếp nối và phát triển sự nghiệp được trao truyền. Câu chuyện này càng trở nên cấp thiết hơn đối với các doanh nghiệp gia đình, vì nó quyết định tới tương lai của cả gia nghiệp và gia tộc.

Những trăn trở từ một buổi tọa đàm

Công ty gia đình chiếm khoảng 2/3 số lượng doanh nghiệp trên toàn cầu. Các doanh nghiệp gia đình đóng góp tới 70 - 90% GDP hàng năm của toàn thế giới, tạo từ 50 - 80% công ăn việc làm của thế giới. Chỉ 12% số doanh nghiệp gia đình chuyển giao cơ nghiệp được sang thế hệ thứ ba. Những số liệu này được công bố tại buổi tọa đàm “Bàn về năng lực kế nghiệp” do Trường Doanh nhân PACE tổ chức tại TP.HCM ngày 22/9.

Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nhân thừa nhận họ gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển giao thế hệ. Ông Huỳnh Văn N, chủ một công ty may mặc lớn ở một tỉnh miền Trung cho biết, ông đã vượt cả một chặng đường dài để vào Tp. Hồ Chí Minh tham gia buổi tọa đàm, vì đây là vấn đề khiến ông đau đáu suốt mấy năm nay. “Năm nay tôi 59 tuổi, dự định năm sau sẽ nghỉ hưu. Nhưng giờ thì quá khó khăn trong việc tìm người kế nghiệp. Tôi có hai con gái, nhưng không đứa nào tỏ ra hứng thú với việc tiếp quản cơ nghiệp gia đình. Tôi lại không muốn bán công ty cho người khác”, ông N chia sẻ.

Ông Nguyễn Như K, giám đốc một công ty hóa phẩm, có con trai kế nghiệp là một người trẻ được đào tạo bài bản, nhưng lại đối mặt với những thách thức khác. “Tôi nói với con, con có đầy đủ kinh nghiệm, kiến thức nhưng đang thiếu tinh thần doanh nhân. Phải có tinh thần này chứ không đơn giản là quản lý. Thêm nữa, tôi khởi nghiệp từ con số 0 đi lên nên biết quý trọng đồng tiền. Con tôi nắm bắt rất nhanh nhưng còn thiếu sự nhiêm nhường của người làm chủ. Điều này là rất quan trọng”, ông K. tâm sự.

Trước những tâm tư của các chủ doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Linh, chuyên gia đào tạo có mặt tại buổi tọa đàm chia sẻ góc nhìn vui của mình: “Chúng ta thường nói “hổ phụ sinh hổ tử”. Nhưng thực tế là chỉ có rừng mới sinh ra hổ, còn đồng bằng thì chỉ sinh ra mèo thôi. Liệu chúng ta đã thực sự mạnh dạn “quăng” con mình vào “rừng” để nó thành “hổ” chưa? Nói cách khác, người kế nghiệp cần được trui rèn trong một môi trường đủ thử thách, tất nhiên là với những sự hỗ trợ cần thiết, để có thể bộc lộ được những phẩm chất của mình”.

Làm sao để người được chọn đủ khả năng gánh vác cơ nghiệp?

Trao đổi với các doanh nhân tại buổi tọa đàm, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), tác giả cuốn sách “ĐÚNG VIỆC - một góc nhìn về câu chuyện khai minh” - cho hay, cá nhân ông rất chia sẻ với những băn khoăn, trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp về lãnh đạo kế nghiệp. Theo ông Trung, lãnh đạo kế nghiệp là “người nhà” hay “người ngoài” không quan trọng. Quan trọng là ở chỗ “người được chọn” để kế nghiệp có đủ khả năng gánh vác cơ nghiệp của gia đình hay không. Nếu người trong gia tộc có tâm và có tầm để kế thừa và phát huy gia nghiệp thì không còn gì bằng. Ngược lại, nếu những người được bổ nhiệm vào các vị trí trọng yếu của doanh nghiệp chỉ vì họ là người trong gia tộc, chứ không có tài cán gì thì sẽ rất tai họa cho chính người đó, cho doanh nghiệp và cho rất nhiều người khác.

Từ thực tế nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về quản trị kinh doanh, phát triển con người, ông Giản Tư Trung cho hay, để “người được chọn” có thể tiếp nối giúp doanh nghiệp trường tồn thì việc đào tạo và phát triển lãnh đạo kế nghiệp cần phải được thực hiện một cách khoa học, bài bản và chuyên nghiệp. Trên thế giới, đào tạo về lãnh đạo kế nghiệp, đặc biệt cho các doanh nghiệp gia đình, đã xuất hiện hàng chục năm nay. Hầu như các trường đại học kinh doanh đều có trung tâm đào tạo chuyên về doanh nghiệp gia đình. Còn ở Việt Nam, cho tới nay hầu như chưa có một mô hình, chương trình đào tạo bài bản, khoa học về lãnh đạo kế nghiệp. Điều này đang khiến nhiều gia tộc loay hoay trong việc đào tạo, bồi dưỡng người kế cận, biến công việc vốn yêu cầu rất khoa học, chuyên nghiệp này thành một việc chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, cảm tính.

Do đó, nhằm hướng đến một giải pháp tối ưu cho các “nghiệp chủ” trong câu chuyện phát triển năng lực thế hệ kế cận để không chỉ gìn giữ gia nghiệp, mà còn có khả năng đưa doanh nghiệp vươn cao và vươn xa, tại buổi tọa đàm, Trường PACE đã ra mắt mô hình đào tạo “Lãnh đạo kế nghiệp / NextGen Leaders”. Theo mô hình này, “người được chọn” để kế thừa doanh nghiệp sẽ trải qua một quá trình huấn luyện chuyên biệt với các phần đào tạo phong phú về năng lực quản lý lãnh đạo, tư tưởng kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp, văn hóa doanh nghiệp. Chương trình cũng bao gồm cả các buổi đối thoại với những lãnh đạo doanh nghiệp để giúp thế hệ kế thừa hiểu rõ hơn góc nhìn của các nghiệp chủ, và một đề án tư vấn mà chính người kế nghiệp sẽ đóng vai trò là người triển khai chính ở doanh nghiệp của mình, với sự hướng dẫn của chuyên gia để ứng dụng những kiến thức được đào tạo vào thực tế.

Các chuyên gia nhận định, đây là mô hình đào tạo tiên phong tại Việt Nam dành riêng cho những người lãnh đạo kế nghiệp. Một điểm thú vị là tại buổi tọa đàm, nhiều chủ doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn được tham gia vào chương trình đào tạo này cùng với người kế nghiệp của mình. Một chủ doanh nghiệp chia sẻ: “Một trong những thách thức lớn của quá trình chuyển giao cơ nghiệp là sự khác biệt về góc nhìn giữa các thế hệ. Nếu người kế nghiệp của mình tiến quá nhanh mà mình lại tiến quá chậm và không hiểu được những góc nhìn của họ thì việc chuyển giao rất khó diễn ra hiệu quả”.

Lập nghiệp, khởi nghiệp, kế nghiệp

Ông Giản Tư Trung nhận xét: “Lâu nay mối quan tâm của xã hội đổ dồn hết vào nhóm doanh nhân lập nghiệp và mới đây là khởi nghiệp, còn chuyện kế nghiệp thì chưa ai bàn và cũng chưa ai làm gì. Trong khi đó, xét về hiệu quả kinh tế, kế nghiệp quan trọng không thua gì khởi nghiệp và lập nghiệp, thậm chí nhiều khi còn hiệu quả hơn vì mọi thứ đã sẵn sàng, vấn đề là lãnh đạo kế nghiệp cần gì thêm để thành công mà thôi”.

Chương trình đào tạo “Lãnh đạo kế nghiệp/ NextGen Leaders” được thiết kế và triển khai bởi các tổ chức hàng đầu của Việt Nam và thế giới, gồm có: Trường Doanh nhân PACE (là đơn vị tiên phong và dày dạn kinh nghiệm trong việc đào tạo doanh nhân lập nghiệp và đội ngũ khởi nghiệp với các chương trình như CEO, Hạt giống lãnh đạo IPL trong suốt 15 năm qua), FranklinCovey Worldwide (là tổ chức toàn cầu chuyên sâu về phát triển lãnh đạo, nâng cao hiệu quả và kiến tạo văn hóa), Balanced Scorecard Institute (là tổ chức đào tạo và tư vấn hàng đầu thế giới chuyên sâu về quản trị chiến lược và xây dựng hệ thống quản lý), SHRM (là tổ chức lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới về quản trị nhân sự). Vì thế, chương trình được kỳ vọng là sẽ kết hợp được giữa hai yếu tố: đẳng cấp thế giới và thực tiễn Việt Nam.

Thông tin chi tiết, truy cập website: NextGen.PACE.edu.vn

PHƯƠNG NAM