Hội An hết thời "vàng khối bí ẩn"

Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 00:41, 09/10/2016

Năm 2015 Hội An đã đón 2,15 triệu khách, dự kiến năm nay là 2,2 triệu lượt khách. Vậy mà nhiều người vẫn than thở: làm ăn ở Hội An bây giờ cực kỳ khó.
Hội An hết thời

Phố cổ Hội An mỗi cuối tuần thật nhộn nhịp. Người người nườm nượp vận chuyển bàn ghế, sắp đặt hàng hóa, chờ mặt trời bớt chút sức nóng để đón du khách đổ về. Với con phố cổ, chút không gian nhỏ xíu cũng làm ra tiền.  

Đọc E-paper

Gánh chè, quầy bưu thiếp, cửa hàng may đo lớn nhỏ, nhà hàng... đều tấp nập du khách. Nhưng, đồng tiền kiếm không dễ.

Chị Trần Thị Vân - chủ cửa hàng lưu niệm trên đường Trần Phú vẫn hồi tưởng chuyện mười mấy năm trước kiếm tiền dễ dàng quá. Cái bưu thiếp in giấy đen thui, hình vẽ sơ sài mà "tây" mua ào ào. Có cửa hàng lưu niệm như chị Vân, mỗi tuần có thể mua được cả một chiếc xe - điều mà nhiều gia đình vẫn ao ước.

Tại sao bây giờ tấm thiệp in đẹp như thế, nghệ thuật như thế, bán rẻ như cho không mà "tây" vẫn không mua? Tại sao hàng hóa dồi dào, nhiều mặt hàng lưu niệm cao cấp, du khách vẫn lắc đầu "Thank you"?

Năm 2015 Hội An đã đón 2,15 triệu khách, dự kiến năm nay là 2,2 triệu lượt khách. Vậy mà nhiều người vẫn than thở: làm ăn ở Hội An bây giờ cực kỳ khó. Càng đầu tư lớn càng khó. Gần 400 cửa hàng lớn nhỏ hoạt động về thời trang may mặc đang chịu cảnh ế ẩm vì chất lượng sản phẩm ngày càng giảm sút, tay nghề thợ kém, nạn chi hoa hồng, mặt bằng cao... Các cửa hàng lưu niệm đều lâm vào tình trạng đủ trang trải.

Mặc dù du khách vẫn đến nườm nượp nhưng làm ăn thì khó khăn vô cùng. Nhiều nhà đầu tư mới đến khảo sát về ngành khách sạn đã rất ưu tư trước tỷ lệ buồng phòng đạt 70% nhưng thu không đủ chi phí. Nhà hàng ngày đón vài trăm khách nhưng nếu không có quản lý tốt sẽ... lỗ! Nhiều chủ đầu tư nhà hàng đã phải cho thuê lại mặt bằng vì không đủ sức quản lý, lỗ triền miên.

Điều xảy ra là Hội An không còn là "vàng khối bí ẩn" nữa. Nó đã bước sang giai đoạn là viên kim cương tuyệt mỹ được trưng bày và bắt đầu khai thác kinh doanh chuyên nghiệp. Phải chấp nhận chuyên nghiệp, và đó là điều Hội An chưa thật sẵn sàng.

Người dân từ ven đô lao vào phố cổ buôn bán. Du khách mê chè đậu ván - món chè hàm chứa văn hóa cổ truyền, sự tử tế và vẻ đẹp thôn dã đặc trưng từ bài diễn văn nổi tiếng của ông Nguyễn Sự khi nhận giải Phan Chu Trinh. Nay nhà nhà gánh chè đi bán, lôi thôi lếch thếch, chém giá.

Nhà nhà bán cơm gà. Người bán cơm nói giọng Bắc, giọng Huế, họ quên bỏ rau thơm Trà Quế, làm món cơm gà Hội An vô hồn, đĩa cơm cũng đối phó để có mức lãi cao nhất.

Có thương hiệu bánh mì nổi tiếng nhờ truyền thông bơm thổi lan truyền, nhưng hầu hết khách thất vọng.

Du khách nhìn thấy hết mọi thứ. Sự sốt ruột làm giàu của người địa phương lẫn người mới đến đã làm cho Hội An ngày càng "khang khác" trong ứng xử, trong chất lượng phục vụ. Vẫn vui cười tử tế, vẫn kiên nhẫn, nhưng cái cách làm gian dối về chất lượng, chặt chém thì đã lan tràn.

Du khách bước lên xe buýt, nếu là người nước ngoài bị "chặt" ngay 50 nghìn đồng cho chuyến xe Đà Nẵng - Hội An, trong khi người Việt là 20 nghìn đồng.

Bước ra khỏi phòng khách sạn đã trở thành con mồi của hệ thống "cò" mà chính những người lễ tân của khách sạn là một phần trong hệ thống đó khi đưa du khách tên nhà hàng để ăn trưa, cửa hàng để may đo, nơi mua hàng lưu niệm, công ty lữ hành đi tour. Gọng kìm đó rất khó thoát, và du khách bắt đầu chìm ngập vào guồng "chặt chém" đó.

Với 2,2 triệu lượt khách năm nay, Hội An không thể giữ lối kinh doanh mạnh ai nấy làm, cái tử tế thôn dã sẽ trở thành "gian dối" khi du khách mang về nhà món hàng kém chất lượng. Và đến bao giờ Hội An sẽ trở lại thời vàng kim như xưa?

>Làm ăn ở Việt Nam - nơi nhịp sống chậm?

>Làm ăn với đối tác ngoại: Làm sao thắng thế?

BÍCH HỒNG