"Ứng viên" nào sẽ thay thế PC?
Công nghệ - Ngày đăng : 06:55, 11/10/2016
Thị trường máy tính truyền thống (PC) đang đối mặt với nhiều thách thức khi sức tiêu thụ mỗi năm một giảm, kể từ năm 2012, khiến các hãng công nghệ bước vào một cuộc cạnh tranh mới đầy khốc liệt: liên tục cải tiến sản phẩm nhằm chiếm lĩnh phân khúc máy tính văn phòng.
Đọc E-paper
Theo thống kê của Hãng Nghiên cứu thị trường Gartner, trong quý II/2016, số lượng PC bán ra trên toàn cầu đạt 64,3 triệu chiếc, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2015 và tiếp tục giảm 400 ngàn chiếc so với quý I. Mặc dù sự ra mắt của Windows 10 được hy vọng sẽ đem lại nguồn sinh khí mới cho thị trường, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cấp hệ thống máy tính nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ giảm còn vượt cả mức dự báo trước đó.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tụt dốc của thị trường PC. Người dùng cá nhân đang ngày càng ưa chuộng sự tiện lợi và linh động mà laptop mang lại, còn các doanh nghiệp ngại tốn chi phí đầu tư máy mới, trong khi hệ thống máy tính hiện tại có thể chạy Windows 10 một cách trơn tru. Theo các chuyên gia, doanh số của thị trường PC sẽ tiếp tục giảm trong năm 2017.
Laptop có thực sự là số 1?
Trong khi thị trường PC gặp nhiều khó khăn thì thị trường laptop lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự tham gia của ngày càng nhiều thương hiệu, từ các "ông lớn" như Dell, HP hay Lenovo cho đến những "gương mặt" mới từ các ngành khác như Xiao Mi, Samsung.
Sự sáng tạo mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn đa dạng hơn khi giờ đây không chỉ có laptop truyền thống, thị trường còn có laptop 2 trong 1, ultrabook hay chromebook... đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau. Người dùng cá nhân dễ bị choáng ngợp bởi quá nhiều dòng máy của quá nhiều thương hiệu ở cùng phân khúc. Chẳng hạn như dòng laptop lai máy tính bảng dành cho giới doanh nhân có sự cạnh tranh quyết liệt giữa Dell, HP, Lenovo..., hay cuộc chiến giữa các dòng máy tính giá rẻ dành cho sinh viên của nhiều thương hiệu với Chromebook của Google.
Thế nhưng, ở thị trường máy tính văn phòng, laptop lại không hẳn phù hợp với đa số doanh nghiệp khi cần đầu tư số lượng lớn cho nhân viên và đòi hỏi sự bền bỉ, hoạt động liên tục, vì các thiết bị cho doanh nghiệp cần được khấu hao trong thời gian dài để tăng giá trị đầu tư ban đầu. Ngoài ra, đa phần laptop hiện nay được thiết kế nhắm đến người dùng cá nhân nhiều hơn nên không được tối ưu cho môi trường doanh nghiệp, trong khi các dòng sản phẩm cho doanh nhân có chi phí rất cao so với mặt bằng chung.
Trào lưu mới từ PC mini
Sự xuất hiện của thế hệ máy tính mới Next of Unit Computing (NUC) - máy tính để bàn mini có thể xem là bước ngoặt, khởi điểm mới mang lại sự hồi sinh cho PC vốn được nhận định đang đi vào giai đoạn thoái trào. Có thể xem đây là "đứa con lai" giữa laptop và PC khi có được sự gọn nhẹ và thẩm mỹ của một chiếc laptop cùng sức mạnh vượt trội của PC.
Với kích thước nhỏ gọn và thiết kế tinh tế, NUC được lắp đặt dễ dàng nên có tính ứng dụng rất cao so với các tháp CPU truyền thống và có thể sử dụng như máy tính văn phòng, bảng quảng cáo điện tử, ATM, ki-ốt bán hàng, máy bán hàng tự động, các màn hình tương tác...
Về giá thành, NUC cũng giúp tiết kiệm chi phí hơn. Cụ thể, chiếc Rosa NUC 5i424SM có cấu hình Intel® Core i5-4250U, Intel® HD 5000 Graphics, RAM DDR3 Laptop 4GB và ổ cứng SSD 120GB có giá khoảng 9 triệu đồng, rẻ hơn so với mẫu PC truyền thống Dell Vostro 3653MT có sức mạnh tương đương, và mạnh hơn hẳn so với các mẫu laptop cùng tầm giá thường chỉ được trang bị bộ vi xử lý Core i3 và RAM 2GB.
Với hàng loạt ưu điểm về kích thước, hiệu năng, độ bảo mật, khả năng nâng cấp, kết nối wi-fi, bluetooth và tiết kiệm điện năng lên đến 80% nên không khó để NUC tạo ra một trào lưu mới trong ngành công nghệ và trở thành ứng viên sáng giá nhất ở phân khúc máy tính văn phòng.
NUC được xem là xu hướng tất yếu cho các văn phòng hiện đại và đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp startup, hay doanh nghiệp có trụ sở đặt tại những thành phố đông đúc, nơi không gian làm việc ngày càng đắt đỏ và hình ảnh doanh nghiệp, sự chuyên nghiệp ngày càng được đề cao. Theo dự báo của Intel, đến năm 2020, 40% các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cửa hàng sẽ chuyển sang sử dụng NUC.
Tại Việt Nam, mặc dù còn khá mới trên thị trường nhưng những chiếc máy tính để bàn mini này đang từng bước chinh phục các doanh nghiệp, điểm bán hàng, trường học... với tên gọi Rosa Intel NUC, do Công ty Viết Sơn sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, Intel là đối tác giữ bản quyền phần cứng và Microsoft là đối tác phần mềm với Windows 10 bản quyền được cài đặt sẵn.
Máy có nhiều cấu hình phù hợp với từng nhu cầu sử dụng trong văn phòng, với giá chỉ từ 5 triệu đồng. Rosa Intel NUC có kích thước 10cm x 10cm x 4cm, nằm gọn trong lòng bàn tay, có thể gắn phía sau màn hình và "hô biến" hoàn toàn thùng máy cồng kềnh, chiếm dụng không gian khá lớn. Máy hoạt động với công suất chỉ khoảng 30W, giảm đến 80% điện năng so với PC truyền thống, tương đương 1,56 triệu đồng/máy/năm. Chiếc PC mini này còn được trang bị sẵn phần mềm có bản quyền Windows 10 có giá khoảng 2,8 triệu đồng.
>Computex 2016: Hướng đi mới cho ngành công nghiệp máy tính
>Máy tính để bàn sẽ tồn tại bao lâu?
>Sếp Lenovo khẳng định: “PC sẽ không chết”