Đa dạng chương trình giải trí cho trẻ em

Đời thường - Ngày đăng : 06:27, 21/10/2016

Hiện nay, từ trò chơi trên truyền hình đến chương trình giải trí trực tuyến dành cho trẻ em đều rất đa dạng.
Đa dạng chương trình giải trí cho trẻ em

Hiện nay, từ trò chơi trên truyền hình đến chương trình giải trí trực tuyến dành cho trẻ em đều rất đa dạng.

Đọc E-paper

Từ truyền hình

Ước tính có vài chục chương trình (gồm game show, truyền hình thực tế) dành cho trẻ em lần lượt phát sóng trên các kênh VTV, HTV, Vĩnh Long, Cần Thơ vào "giờ vàng" các ngày trong tuần, đặc biệt tập trung vào ba ngày cuối tuần.

Có thể kể như Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon, Siêu đầu bếp nhí, Siêu nhí tranh tài, Bố ơi! Mình đi đâu thế, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Con biết tuốt, Trẻ em luôn đúng, Con đã lớn khôn, Ước mơ của em, Siêu mẫu nhí, Chung sức nhí, Tìm kiếm tài năng MC nhí, Giọng hát Việt nhí, Tìm kiếm tài năng nhí, Thử thách cùng bước nhảy nhí... dành cho trẻ em từ 1 - 14 tuổi, tập trung ở các lĩnh vực ca hát, nhảy múa, thời trang, hài... Và có khá nhiều chương trình mới đang được xem xét, cân nhắc đưa vào sản xuất.

Ngoài tivi, hiện nay, không ít trẻ em biết sử dụng internet, máy tính, điện thoại thông minh..., nên nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đã khai thác mạnh hình thức VOD (video theo yêu cầu) dành riêng cho khách hàng trẻ em.

Chẳng hạn như FPT có kho phim hoạt hình, chuyện kể, hướng dẫn học tiếng Anh qua bài hát... giúp trẻ em có nhiều chọn lựa nội dung, thời gian và chương trình muốn xem.

Còn trên My TV có kênh Disney Junior châu Á dành cho trẻ từ 2 - 10 tuổi, cung cấp phim hoạt hình, ca nhạc, khoa giáo và các chương trình đặc biệt; hoặc Toonami - kênh phim hoạt hình dành riêng cho những bé yêu thích phim hành động...

Các đơn vị khác như SCTV, HTVC, VTV Cab cũng có dịch vụ VOD gồm phim hoạt hình, ca nhạc thiếu nhi, giải trí tổng hợp, giáo dục và hướng dẫn kỹ năng... dành riêng cho trẻ em.

Đến giải trí trực tuyến

Tuy chưa thống kê đầy đủ, nhưng số lượng các kênh phục vụ trẻ em trên YouTube rất nhiều. Trong đó, đáng kể là POPS Worldwide - đối tác chính thức của YouTube tại Việt Nam - vừa ra mắt kênh POPS Up dành cho trẻ em từ 7 - 12 tuổi, với nhiều chương trình như Chị hai bé xíu (dành cho các em mê đồ chơi), Hí hoáy (dạy vẽ), Mẹ ơi, tại sao (giải thích những câu hỏi trong cuộc sống hằng ngày), Cha-Ching (loạt phim hoạt hình giáo dục kỹ năng tài chính)...

Trước đó, kênh POPS Kids ra mắt từ tháng 1/2014, hiện đã thu hút gần 720.000 lượt người theo dõi cùng gần 900 triệu lượt người xem. POPS Worldwide mới đây còn có các series phim hoạt hình mới bổ sung từ Boomerang như Codename: Kids next door, Fosters Home for Imaginary Friends, Taz-Mania và Camp Lazlo được lồng tiếng Việt, hay loạt chương trình đồ chơi trẻ em từ Nhật Bản.

Thị trường giải trí trực tuyến hiện nay còn có Hi Pencil Studio - Xưởng phim hoạt hình Xin chào bút chì, sản xuất và cung cấp phim hoạt hình (nổi tiếng là series Xin chào bút chì), phim ngắn, chương trình thiếu nhi trên YouTube với khoảng 300 triệu lượt người xem, POMPOM4Kids - kênh video với nội dung đa dạng như phim hoạt hình thiếu nhi (Chuyện nhà thỏ), ca khúc thiếu nhi, hướng dẫn các kỹ năng cho trẻ em (Hoa tay siêu nhí, Họa sĩ siêu xịn)..., gia nhập YouTube từ cuối tháng 4/2016, hiện đã có hơn 3,5 triệu lượt người xem.

Nhiều ngôi sao nhí như Bảo An có kênh YouTube riêng và đăng tải nhiều MV ca nhạc có lượt xem cao như Bé chút chít (gần 100 triệu), Xúc sắc xúc sẻ (gần 100 triệu), Mẹ ơi, tại sao (trên 70 triệu...).

Cảnh trong phim hoạt hình Xin chào bút chì

Để vừa hấp dẫn vừa lành mạnh

Bà Vũ Thị Bích Liên - Giám đốc Công ty Sóng Vàng (sản xuất Gương mặt thân quen nhí và Con biết tuốt) khẳng định, các chương trình giải trí dành cho trẻ em (và gia đình) đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều đơn vị sản xuất cả truyền hình lẫn trực tuyến. Bởi chúng thu hút được lượng người xem rất cao, nên quảng cáo cũng đổ vào nhiều và lợi nhuận thu về của nhà đầu tư cũng rất cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh "nở rộ” các loại hình chương trình giải trí hiện nay, đặc biệt là trên internet và các thiết bị di động giúp trẻ em có thể giải trí mọi lúc mọi nơi thì yêu cầu đặt ra hàng đầu là làm thế nào để có những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, lành mạnh, mang tính giáo dục cao, hỗ trợ cho phụ huynh đồng hành cùng sự phát triển của trẻ nhỏ.

Có một thực tế là trong số các nội dung giải trí cho trẻ em, các chương trình ca múa nhạc vẫn chiếm số lượng nhiều nhất với rating (chỉ số khán giả xem truyền hình) và lượt xem (trực tuyến) cao nhất. Điều này lý giải tại sao hiện nay có rất nhiều game show, chương trình truyền hình thực tế... thuộc các loại hình này.

Nguồn cung dồi dào khiến sự cạnh tranh trong sản xuất chương trình giải trí cho trẻ em càng khốc liệt. Trong đó, không ít trò chơi truyền hình sa đà vào thương mại, biến trẻ em thành "mồi câu" khán giả và tổ chức dàn dựng các bài hát hay tiết mục của người lớn quá xa lạ với tuổi thơ cho các em biểu diễn và thưởng thức.

Một thực tế không thể phủ nhận khác là dù thị trường giải trí dành cho trẻ em là "mảnh đất màu mỡ" và mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng hiện nay số lượng đơn vị chuyên nghiệp tham gia lĩnh vực này không nhiều. Phần lớn các chương trình VOD hay giải trí trực tuyến vẫn chủ yếu mua bản quyền từ nước ngoài (thường là các phim hoạt hình), hoặc chiếu lại (trích một phần) các chương trình thiếu nhi trên truyền hình truyền thống, chỉ rất ít đơn vị như Hi Pencil Studio đủ khả năng sản xuất và cung cấp chương trình (phim hoạt hình, chương trình khoa giáo...), hay POPS Worldwide sản xuất series ca nhạc Mầm chồi lá...

Hy vọng sẽ có thêm những nhà đầu tư mới đủ nguồn lực, tâm huyết để khai thác tốt tiềm năng của thị trường giải trí dành cho trẻ em theo định hướng đa dạng, an toàn và có tính giáo dục cao.

>Các ngân hàng cạnh tranh sản phẩm tiết kiệm dành cho trẻ em

>Google phát triển công cụ tìm kiếm cho trẻ em

ĐINH LĂNG