Liên hoan phim Busan 2016 trong tâm bão

Đời thường - Ngày đăng : 06:52, 23/10/2016

Liên hoan phim Quốc tế Busan (BIFF) tổ chức lễ khai mạc (ngày 6/10/2016) ngay khi cơn bão Chaba vừa gây thiệt hại nặng cho các tỉnh thành phía nam Hàn Quốc.
Liên hoan phim Busan 2016 trong tâm bão

Liên hoan phim quốc tế Busan (BIFF) tổ chức lễ khai mạc (ngày 6/10/2016) ngay khi cơn bão Chaba vừa gây thiệt hại nặng cho các tỉnh thành phía nam Hàn Quốc. Các nhà tổ chức sự kiện điện ảnh lớn nhất của Hàn Quốc và khu vực cho biết đã gặp nhiều khó khăn sau khi cơn bão đã làm hư hỏng nhiều trang thiết bị và cơ sở vật chất.

Đọc E-paper

Khu vực bờ biển Haeundae - nơi diễn ra các cuộc họp báo và sự kiện khai mạc BIFF, đã bị bão Chaba phá hủy toàn bộ. Vì thế ban tổ chức đã phải thay đổi địa điểm tổ chức nhiều sự kiện lớn nhỏ và đã rất lo lắng nhiều ngôi sao sẽ không đến tham dự.

Thật ra, “tâm bão” của BIFF đã bắt đầu từ tháng Ba năm nay, ông Suh Byung Soo - Thị trưởng thành phố Busan - đã đề nghị ông Lee Yong Kwan từ chức giám đốc BIFF sau khi cơ quan kiểm toán thành phố tiến hành cuộc kiểm toán bất thường vào tổ chức này.

Đây là lần thứ hai chính quyền thành phố Busan yêu cầu ông Lee Yong Kwan từ chức. Vụ việc này là “giọt nước tràn ly” cho những tranh chấp trong hơn 2 năm qua giữa ban giám đốc BIFF và chính quyền thành phố Busan.

Ông Lee Yong Kwan đã từ chối yêu cầu của chính quyền thành phố hủy bỏ buổi chiếu bộ phim tài liệu The truth shall not shink with Sewol có nội dung lên án sự yếu kém của chính phủ Hàn Quốc khi xử lý thảm họa chìm phà Sewol tại BIFF 2014.

Cũng liền ngay sau BIFF 2014, chính quyền thành phố Busan đã đề nghị ông Lee Yong Kwan từ chức, đồng thời Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc quyết định cắt ngân sách BIFF 2015 từ 1,3 triệu USD xuống chỉ còn 730.000 USD. Các hãng phim hàng đầu Hàn Quốc đã tăng hỗ trợ tài chính cho BIFF.

Các nhà làm phim đã lên án việc kiểm toán bất thường vào tháng 3/2016 là một hành động “trả đũa” của thành phố Busan, và họ đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ để BIFF tiếp tục giữ vị trí độc lập của mình.

Đạo diễn Im Kwon Taek - một trong những đạo diễn điện ảnh nổi tiếng nhất và được kính trọng nhất tại Hàn Quốc cho rằng: “Tôi tự hỏi liệu còn đạo diễn nào muốn đưa phim của mình tới một liên hoan phim mà nhà tổ chức liên hoan phim đó kiểm duyệt và hạn chế đề tài phim, hay không?”.

Đạo diễn Park Chan Wook bày tỏ sự bi quan với ngành điện ảnh Hàn Quốc: “Kỳ tích sông Hàn trong nghệ thuật là gì? Có lẽ chỉ là vầng hào quang nhanh chóng lụi tàn nếu chính phủ tiếp tục duy trì sự can thiệp kiểu như thế này”.

Liên hoan phim có quy mô lớn nhất châu Á đã chọn tác phẩm của đạo diễn Hàn kiều Zhang Lu – bộ phim A Quiet Dream – chiếu khai mạc. Đây cũng là một phim Hàn Quốc được chọn chiếu khai mạc kể từ 5 năm trở lại đây, kể từ bộ phim Always của đạo diễn Song Il Gon.

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch sáng lập của BIFF – ông Kim Dong Ho – đã phát biểu: “Là một trong những người sáng lập BIFF, tôi rất lấy làm tiếc về những rắc rối trong 2 năm qua, đồng thời vô cùng cảm kích sự ủng hộ của các nhà làm phim trong nước và quốc tế. Chúng tôi đã giải quyết các vấn đề này, thay cho lời cảm ơn của mình, và cố gắng tạo dựng những chặng đường mới, với động lực từ 2 năm qua, để BIFF có thêm 20 năm kế tiếp đáng tự hào nữa”.

Giám đốc BIFF Kang So Yeon khẳng định: “Liên hoan phim năm nay là cơ hội tuyệt vời cho hành trình 20 năm sắp tới của BIFF. Chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng để BIFF là sự kiện dẫn đầu xu hướng của điện ảnh Hàn Quốc và châu Á”.

Kim Ji Seok - Phó giám đốc BIFF, cho biết: “Năm nay chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc giới thiệu các nhà làm phim trẻ châu Á, đặc biệt từ khu vực Nam Á và Trung Quốc. Ban tuyển phim đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các tập đoàn điện ảnh lớn của khu vực này. BIFF đồng thời nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các nhà làm phim nổi tiếng, chẳng hạn như đạo diễn Lee Chang Dong sẵn sàng tham gia các hoạt động của BIFF dù ông không có phim trình chiếu; hay đạo diễn tài năng người Singapore – Eric Khoo mong muốn giới thiệu bộ phim mới nhất Art Through Our Eyes tại Busan. Chúng ta có thể kể đến vài tiết mục đặc biệt của BIFF như hội thảo giữa 3 tên tuổi lớn của châu Á là Hầu Hiếu Hiền, Lee Chang Dong và Koreeda Hirokazu; nhìn lại sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn kỳ cựu người Hàn Quốc Lee Doo Young và tưởng nhớ nhà làm phim người Iran Abbas Kiarostami (vừa qua đời vào tháng 7/2016); giới thiệu những nét đặc biệt của điện ảnh Colombia…

LHP Busan lần thứ 21 vừa diễn ra từ ngày 6 - 15/10, có 301 tác phẩm từ 69 quốc gia được chọn lựa. Trong số đó 64 phim truyện mới hoàn toàn lần đầu tiên được trình chiếu và 26 tác phẩm ra mắt rộng rãi. Danh sách phim năm nay có thấp hơn chút ít so với con số 304 phim (của 75 quốc gia và vùng lãnh thổ) của BIFF 2015. Với uy tín của mình, không lạ khi các phim đoạt giải tại các liên hoan phim quốc tế danh giá như Cannes, Venice, Berlin… đến tham gia BIFF. Năm nay, hầu hết các phim đoạt giải ở Cannes đều đến Busan như It’s Only the End of the World (Grand Prix), Personal Shopper (Đạo diễn xuất sắc nhất) và đặc biệt là I, Daniel Blake (Cành cọ vàng)…

Tuy nhiên, các giải thưởng ở Busan không dành cho World Cinema mà chủ yếu khuyến khích thị trường phim nội địa và các nhà làm phim trẻ đến từ châu Á trong hạng mục New Currents (giải có giá trị khoảng 30.000 USD). Hạng mục A Window on Asian Cinemacủa BIFF năm nay có 56 phim dự thi, trong đó có Tấm Cám: Chuyện chưa kể của đạo diễn Ngô Thanh Vân, và Thành phố những tấm gương của nhà làm phim độc lập Trương Minh Quý. Đây là hạng mục dành cho các bộ phim mới sản xuất của các nhà làm phim châu Á với những phong cách, quan điểm rất đa dạng.

>Góc nhìn phim Việt tại Busan

>Nhiều tác phẩm mới gây chú ý tại Cannes 2016

>LHP Venice 69: Sự "trỗi dậy" của các nữ đạo diễn

MAI KHÔI (theo The Hollywood Repoter, Korean Times)/DNSGCT