Mở rộng không gian tiếp cận nguồn vốn ngân hàng
Du lịch - Ngày đăng : 06:32, 25/10/2016
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Đáng chú ý, quyết định trên nhấn mạnh vào việc mang dịch vụ ngân hàng đến với dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đọc E-paper
Tám mục tiêu được nêu ra mang tính định lượng khá rõ ràng, chỉ ra cụ thể đến năm 2020 phấn đấu đạt được các chỉ tiêu sau:
– 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng;
– Ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 dân số trưởng thành;
– 30.000 máy ATM (khoảng 40 máy ATM trên 100.000 dân số trưởng thành);
– 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS (khoảng 400 máy POS trên 100.000 dân số trưởng thành);
– Tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tại địa bàn nông thôn đạt khoảng 15%;
– Khoảng 35 – 40% số người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng;
– Khoảng 50 – 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng;
– Tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại.
Tuy vậy, nếu nhìn vào thực trạng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của người dân Việt Nam hiện nay thì có thể nhận thấy để hoàn thành được các mục tiêu trên vào năm 2020 sẽ là một nhiệm vụ không dễ dàng.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2015 cho biết: tại Việt Nam, chỉ có 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, bằng một nửa so với mức trung bình toàn thế giới là 62%, điều đáng nói là tỷ lệ này tại khu vực nông thôn chỉ là 19%. Qua đó, Việt Nam đứng thứ 119 trong danh sách của WB.
Từ nay đến năm 2020 chỉ còn chưa đầy 4 năm, nâng gấp đôi số người trưởng thành sở hữu tài khoản cá nhân tại ngân hàng là một mục tiêu đòi hỏi nỗ lực lớn. Nhiều người nghĩ đến việc tập trung cho khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa có thể sẽ là giải pháp tốt để nhanh chóng đạt được chỉ tiêu mang tính số lượng này.
Trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng khiến dư nợ tín dụng nông thôn tăng mạnh (63,4%). Thu nhập, dân trí và chất lượng sống ở khu vực này liên tục được cải thiện đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Thế nhưng điểm bất cập là mặc dù tiềm năng kinh doanh lớn nhưng mạng lưới ngân hàng tại khu vực nông thôn hiện còn khá mỏng. Nếu không tính Agribank, số lượng điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại (chi nhánh hoặc phòng giao dịch) bình quân trên 1 đơn vị hành chính cấp huyện chỉ ở mức 2,2 điểm giao dịch ở khu vực nông thôn (huyện, huyện đảo). Trong khi đó, con số này tại các quận/thành phố/thị xã là 36,8 điểm giao dịch, tức chênh lệch nhau 16,7 lần.
Cũng do mức độ thâm nhập của các dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông thôn thấp như trên mà trong quyết định 1726, Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu đưa tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tại địa bàn nông thôn đạt khoảng 15%.
Theo Thông tư 21/2013/TT-NHNN thì điều kiện để thành lập một chi nhánh ở các khu vực khác ngoài khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM đòi hỏi số vốn ít hơn (chỉ là 50 tỷ đồng trên một chi nhánh mở mới so với mức 300 tỉ đồng tại 2 đầu thành phố lớn).
Điều này cũng sẽ phần nào giúp các ngân hàng có thêm động lực để thâm nhập thị trường nông thôn nhưng trên hết vẫn phải là tiềm năng tăng trưởng về dân trí cũng như thu nhập của người dân tại khu vực này.
Mục tiêu tăng số lượng máy ATM và thiết bị thanh toán POS cũng là thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng. Theo số liệu của NHNN, tính đến quý IV/2015, tổng số lượng thẻ đã phát hành lũy kế không phân theo phạm vi và nguồn tài chính đạt đến 99,52 triệu thẻ. Cùng với đó, các ngân hàng đã đầu tư 16.937 máy ATM và 223.381 thiết bị thanh toán thẻ như POS/EFTPOS/EDC.
Như vậy, so với mục tiêu mà quyết định 1726 đặt ra, từ nay đến năm 2020, số máy ATM và thiết bị POS các NHTM cần lắp đặt thêm sẽ lần lượt vào khoảng 13.000 máy và 75.000 thiết bị. Một con số không nhỏ trong khoảng thời gian không phải là dài nếu các ngân hàng vẫn giữ nguyên tốc độ lắp đặt các máy ATM và thiết bị POS như những năm qua (phải mất hơn 10 năm số lượng máy ATM mới đạt được số lượng như hiện nay).
Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là một trong những đối tượng trọng điểm mà quyết định 1726 hướng tới. Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 50 – 60% các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn tại các tổ chức tín dụng (tỷ lệ này hiện nay mới chỉ khoảng 32%).
Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm tỷ trọng lên đến 97,9% trên tổng số khoảng 600.000 doanh nghiệp hoạt động trên mọi vùng miền, đóng góp 50% vào GDP, tạo ra hàng triệu việc làm nhưng khối này hiện đang gặp không ít khó khăn về tiếp cận vốn. Nguyên nhân là do quy mô, uy tín, thương hiệu của nhóm doanh nghiệp này còn nhỏ, chưa kể những hạn chế khác về trình độ quản lý, vốn, tài sản thế chấp, năng lực sản xuất kinh doanh…
Khơi thông nguồn vốn, giúp khối doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của khối doanh nghiệp nội địa ngay trên sân nhà.
Về mục tiêu cuối cùng: tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng tại các ngân hàng thương mại so với mức hiện nay cũng sẽ không đơn giản và sẽ có sự phân hóa sâu giữa các nhóm ngân hàng trong hệ thống. Những ngân hàng định hướng vào phân khúc bán lẻ, tập trung vào các khách hàng cá nhân sẽ có nhiều cơ hội để tăng tỷ lệ này.
Trên bình diện chung, thống kê top 10 ngân hàng lớn trong quý II vừa qua cho thấy, tổng thu nhập lãi thuần của nhóm này tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ và là mức tăng khá cao trong vòng vài năm trở lại đây. Theo đó, tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập hoạt động của nhóm ngân hàng này đã vượt lên mức 80%, tăng so với mức 79,4% cùng kỳ năm trước. Với xu hướng này, có thể thấy thu nhập của các ngân hàng hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động tín dụng.
Ngoài ra, phát triển mảng dịch vụ, đặc biệt là liên quan đến việc phát hành các loại thẻ và dịch vụ ngân hàng trực tuyến không những đòi hỏi tiềm lực về vốn mà quan trọng hơn còn là các công nghệ bảo mật đủ độ an toàn để thuyết phục người tiêu dùng sử dụng. Điều kiện này ngày càng trở nên bức thiết, nhất là sau một vài vụ việc gần đây liên quan đến việc các chủ thẻ bỗng dưng mất tiền trong tài khoản.
Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay Trọng tâm những tháng cuối năm 2016, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, cùng nghị quyết vừa ban hành, các ngân hàng thương mại bắt đầu lên kế hoạch giảm lãi suất cho vay, đặc biệt ở các ngân hàng lớn. Ngày 14/10, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố chính sách giảm lãi suất cho vay mở rộng cho các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn. Vietcombank hiện là ngân hàng thương mại cổ phần có mặt bằng lãi suất đầu vào thấp nhất trên thị trường hiện nay. Lãi suất huy động tại ngân hàng này luôn áp thấp hơn hẳn tất cả các thành viên khác trên thị trường, kéo dài trong hơn một năm qua. Vietcombank cũng là thành viên có thị phần cho vay hiện chiếm hơn 9% toàn hệ thống. Theo đó, chính sách giảm lãi vay sẽ có sức lan tỏa đáng kể. Cùng thời điểm này, khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã có những chuyển động về lãi suất. Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết đang rà soát lại các cân đối để thực hiện giảm lãi suất cho vay. Cuối tháng 9, sau khi nhóm ngân hàng thương mại nhà nước quyết định cùng giảm lãi suất huy động, LienVietPostBank là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên đưa ra mức giảm tương ứng, cùng lộ trình giảm lãi suất cho vay nói trên. Ngày 10/10 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng đã công bố kế hoạch giảm lãi suất cho vay cho tất cả khách hàng. Trong đó, với đối tượng khách hàng cá nhân vay mới, HDBank đã giảm lãi suất cho vay tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm, giảm 1%/năm. Với đối tượng doanh nghiệp, HDBank đã mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm; lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm. Về định hướng vĩ mô, tại nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa ban hành, Chính phủ tiếp tục nêu rõ: trọng tâm những tháng cuối năm 2016, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. |
>Đã đến lúc giảm lãi suất cho vay
>5 cơ sở giảm lãi suất cho vay