Biển vàng nhiễm bẩn

Du lịch - Ngày đăng : 06:21, 28/10/2016

Ô nhiễm biển đang là vấn đề rất bức xúc ở Việt Nam.
Biển vàng nhiễm bẩn

Thường xuyên trên con đường đẹp bọc quanh vịnh Đà Nẵng, người qua lại vẫn cảm thấy mùi hôi nồng nặc từ hàng chục ống xả nước thải của thành phố đổ ra biển. Ở Phú Quốc - hòn ngọc giữa biển khơi, biển mênh mông là thế, nhưng một số khu vực rác vẫn dập dềnh, mặt nước loáng loáng dầu mỡ. Ô nhiễm biển đang là vấn đề rất bức xúc ở Việt Nam.  

Đọc E-paper

Sau một cơn mưa lớn do áp thấp nhiệt đới, biển Cửa Đại, Hội An thật buồn. Tuy chưa có bão nhưng sóng biển vẫn xô ầm ầm, tiếp tục gặm bờ biển vàng này từng ngày. Bằng mắt thường cũng nhìn thấy những mảng đất bị xói lở và sự chống chọi của con người để tồn tại trước biển. Hàng loạt khách sạn như Golden Sand và các nhà hàng gần đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Từ biển vàng Cửa Đại

Sau mười lăm năm phát triển du lịch, từng tấc đất ven biển Cửa Đại được xem như vàng khối một phần dựa vào nền tảng đô thị cổ Hội An và Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm. Thế nhưng mười năm qua, mỗi mùa mưa bão, biển Cửa Đại bị mất đi hàng trăm mét chiều sâu, khiến nhiều dự án khách sạn và resort biến mất khi chưa kịp xây dựng.

Và trên bãi biển, nhiều đoạn đang triển khai dự án buộc doanh nghiệp phải có những biện pháp đối phó trước mắt, như đổ bê tông, chất bao cát, dù phải làm nham nhở bãi biển vàng ngày nào.

Chị Trần Chi Mai - chủ đầu tư nhà hàng Hương Châu tại khu vực này chia sẻ, chưa kịp xây dựng nhưng số tiền đầu tư chống xói lở để giữ đất, giữ tính khả thi của dự án đã khá tốn kém.

Quan sát phần đất của dự án này, quả thực chủ đầu tư đã phải làm một việc bất đắc dĩ: đổ bê tông một đoạn bờ biển. Nếu không làm vậy thì không thể giữ được phần đất này để chờ giải pháp bảo vệ bờ biển mà chính quyền Hội An đang đợi kết quả từ nghiên cứu của các nhà bảo vệ môi trường quốc tế và Việt Nam.

Tại một hội thảo được tổ chức vào tháng 8/2016 về xói lở gây nguy cơ mất bờ biển vàng Cửa Đại, nhiều nhà khoa học đánh giá hiện tượng này không thể đổ lỗi hết cho biến đổi khí hậu, mà chính là hệ quả của hàng chục năm phá rừng, khai thác cát sạn đã làm thay đổi dòng chảy của các con sông, làm lệch các cửa biển.

Tuy nhiên tỉnh Quảng Nam cũng phải chờ kết quả nghiên cứu và các biện pháp khắc phục khả thi đi kèm. Trong khi chờ đợi chính quyền, các doanh nghiệp mạnh ai nấy chống xói lở, có nơi chỉ sau một đêm đã mất hơn chục mét đất chiều sâu, nên nhiều chỗ lô nhô bao cát, cọc sắt, bê tông chắn sóng, tức là vi phạm những quy định về gìn giữ cảnh quan.

Một bên mất đất, một bên cảnh quan bị phá vỡ cũng là hiện thực khó khăn cho thành phố Hội An trong lúc chờ giải pháp thích hợp. PGS-TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi Miền Trung nhận định, nguyên nhân chính khiến bờ biển bị lở là suy giảm nguồn cát. Cụ thể là mất cân bằng nguồn cát trên lưu lượng sông Vu Gia, Thu Bồn do xây dựng thủy điện phía thượng lưu cộng khai thác cát dọc sông.

Bây giờ muốn khắc phục, phải giải quyết được nguyên nhân đó bằng cách nuôi bãi. Nhưng công nghệ nuôi bãi thế nào, lấy bùn cát ở đâu, hàm lượng như thế nào, thành phần hạt ra sao thì phải tính toán rất kỹ lưỡng.

Những hội thảo khoa học cho thấy con người đã can thiệp vào thiên nhiên quá nhiều, một dòng sông có những biến đổi ở đầu nguồn thì dưới hạ lưu phải trả giá. Rừng đau thì biển khóc là vậy.

Cho đến nay Hội An cũng chỉ biết chờ đợi bởi không thể đổ bê tông để cứu bờ biển. Làm vậy thì hệ sinh thái bờ biển, Cù Lao Chàm và cảnh quan khu vực Cửa Đại còn ảnh hưởng xấu nhiều hơn nữa.

Đến biển ngọc Phú Quốc

Người ta vẫn nghe những dự án khả thi để phát triển Phú Quốc thành một đặc khu kinh tế, một trung tâm du lịch sinh thái và trung tâm giao thương tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên những ai có dịp đến Phú Quốc đều cảm thấy được hòn đảo này đang đối mặt với nhiều vấn đề, mà lớn nhất là thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải đúng chuẩn.

Từ một hòn đảo còn ít dân và hoang sơ, Phú Quốc bỗng hút một lượng lớn người dân làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, chế biến hải sản và phát triển du lịch, cùng các đường hàng không đã đưa đến hòn đảo một lượng lớn khách du lịch trong thời gian ngắn. Cảm giác mọi thứ đều đã bắt đầu quá tải bởi phát triển gấp gáp.

Theo số liệu của cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường tỉnh Kiên Giang, mỗi ngày trên đảo Phú Quốc rác thải từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ dân và khách du lịch khoảng 18.000 mét khối. Tất cả đều đưa đến khu vực chôn lấp và xử lý mùi. Những nhà nghỉ và khách sạn đang mọc lên, nhưng cũng dừng lại ở hệ thống tự xử lý tại chỗ, rất ít cơ sở dịch vụ có hệ thống xử lý chất thải, nước thải đạt yêu cầu.

Và người ta tặc lưỡi, biển mênh mông thế, biển sẽ làm sạch tất cả. Nhưng không phải, dòng chảy của biển vẫn đưa rác vào bờ. Nhiều khu vực du khách đi ngang qua phải ngoảnh mặt tránh làn gió đưa mùi hôi bốc lên từ những miệng cống xả thải trực tiếp ra biển.

Có thể sang đầu năm tới, một nhà máy xử lý rác quy mô nhỏ sẽ được vận hành tại huyện đảo Phú Quốc.

Những gì nhìn thấy ở đây, nghĩ rằng Phú Quốc cần phải ứng xử với thiên nhiên sao cho xứng đáng giá trị mà nó mang lại, để bảo vệ nó, đưa nó đi vào guồng văn minh ngay từ giai đoạn đầu phát triển thì sẽ giữ được thương hiệu "thiên đường du lịch" như ước vọng.

Du khách nhìn ngắm hàng nghìn tàu cá về trú ẩn ở nơi này, thấy rất thú vị. Nhưng những nhà quản lý môi trường lại nhìn thấy sự ô nhiễm từ dầu xả loang trên biển, hàng nghìn thủy thủ, ngư dân sinh hoạt trên tàu xả thải trực tiếp xuống biển. Du khách sẽ nghĩ gì khi thấy người trên tàu cá vứt bừa bãi rác xuống biển ngay trước mắt họ.

Có một sự chênh vênh giữa những resort 5 sao vừa mọc lên và lối sống kém văn minh nếu chưa xử lý rốt ráo việc bảo vệ môi trường, hình thành văn hóa ứng xử văn minh cho những nơi bắt đầu phát triển như Phú Quốc.

Mới đây, một doanh nhân trong nghề nuôi ngọc trai cho biết, tỉnh Kiên Giang không có chính sách khuyến khích nuôi trồng thủy sản ven bờ biển Phú Quốc, kể cả ngọc trai, để bảo vệ môi trường.

Mặc dù nhiều đơn vị làm du lịch mong muốn đưa ngọc trai ra làm biểu tượng du lịch cho Phú Quốc, nhưng phải thấy tỉnh Kiên Giang đã có cái nhìn xa hơn khi không mặn mà với hướng đi đó. Các đơn vị nuôi ngọc trai chỉ được phép làm với quy mô nhỏ.

Nuôi trồng thủy sản rất khó đi chung với du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch cao cấp đồng nghĩa với bảo vệ thiên nhiên theo tiêu chuẩn quốc tế.

Và bỗng nhớ người dân Cù Lao Chàm bó những cây tre liên kết với nhau rồi thả xuống biển, rác trôi tấp vào những bờ tre đó, người dân sẽ bơi thuyền đưa về khu xử lý rác. Vì vậy dù phát triển nhanh nhưng du khách ít khi thấy rác biển trôi tự do gần hòn đảo này. Đó là sáng kiến của người dân trên đảo. Nó cũng đánh dấu ý thức bảo vệ môi trường của ngư dân Cù Lao Chàm đang sống trong Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới.

Cách làm đó chỉ là một phần nhỏ trong bảo vệ môi trường, nhưng nó lại trở thành điểm tham quan, giáo dục ý thức cho du khách về môi trường sống, để họ thêm yêu mến cụm đảo nhỏ này.

>Rác thải bãi biển đi vào tác phẩm mỹ thuật

>Biến rác thải thành năng lượng tại Đức

>Việt Nam sẽ thoát nỗi ám ảnh rác thải điện tử

BÍCH HỒNG