Có một Bob Dylan văn chương

Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 06:32, 01/11/2016

Ngoài thơ, Bob Dylan còn có tiểu thuyết thể nghiệm quan trọng, một văn xuôi thơ, đó là Tarantula, viết trong các năm 1965 và 1966.
Có một Bob Dylan văn chương

Năm 2015, giải Nobel văn chương trao cho một nhà báo người Belarus đã là một kịch tính, gây tranh cãi lớn, nhưng dù sao thì Svetlana Alexievich vẫn có những phóng sự đầy chất văn chương. Trao cho một ngôi sao của ca khúc như Bob Dylan thì hẳn nhiên kịch tính và gây sốc phải nhiều hơn.

Đọc E-paper

1. Khi nghe tin Nobel đến với Bob Dylan, nhà văn Alessandro Baricco (người Ý) đã viết: “Dylan thật tuyệt vời. Tham dự buổi hòa nhạc hôm nay của ông là một trong những kinh nghiệm lớn nhất và xúc động nhất mà bạn có thể nhận được từ sự trình diễn. Song, dù cố gắng cách mấy, tôi cũng không thể hiểu nó có can dự gì tới văn chương”.

Trong khi đó, nhà văn nữ Joyce Carol Oates (người Mỹ) được các nhà cái lớn như Ladbrokes, Paf và Unibet dự đoán với tỷ lệ cao, thì nhìn ở khía cạnh khác: “Trả lời những ai hỏi tôi về giải Nobel trao cho Dylan: một sự lựa chọn đầy cảm hứng và đặc sắc. Âm nhạc và lời ca tuyệt vời của ông lúc nào cũng như thể, theo cái nghĩa sâu xa nhất, văn chương”.

Đưa ra hai trong vô vàn ví dụ uy tín như vậy để thấy kịch tính là không hề nhỏ. Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác, vẫn có một Bob Dylan văn chương như thường. Ngoài thơ, ông còn có tiểu thuyết thể nghiệm quan trọng, một văn xuôi thơ, một văn xuôi thơ, viết trong các năm 1965 và 1966, xuất bản không chính thức vài lần ngay sau đó, mãi đến 1971 mới được in chính thức.

Tarantula được viết kiểu dòng ý thức (stream of consciousness), một thủ pháp mà các bậc thầy như William Faulkner, Jack Kerouac, Allen Ginsberg… cũng đã thành công. William Faulkner gần như được trao Nobel văn chương năm 1949 vì có một tiểu thuyết dòng ý thức nổi trội, đó là The Sound and the Fury (Âm thanh và cuồng nộ, viết năm 1929). Nếu Bob Dylan đoạt Nobel chỉ vì Tarantula, thì cũng như tiền bối của mình là William Faulkner mà thôi.

Tại Việt Nam và trên thế giới vẫn có nhiều cây bút trở thành nhà văn quan trọng chỉ vì một tác phẩm đó thôi, ví dụ F. Scott Fitzgerald với Gatby vĩ đại, Harper Lee với Giết con chim nhại

Tarantula – tiểu thuyết thể nghiệm quan trọng của Bob Dylan

Có điều ngạc nhiên, khi nhắc về Bob Dylan, ít khi người ta nhắc đến Tarantula, ngay trong diễn từ của Viện Hàn lâm Thụy Điển mới đây cũng vậy. Trong vô số các văn bản đã công bố chính thức tại Việt Nam trước đây, tiểu thuyết này gần như chưa bao giờ tồn tại.

Gần đây, khi tái đánh giá Tarantula, nó đã được đánh giá cao, được tái bản trong tiếng Anh, được dịch sang nhiều thứ tiếng như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Thụy Điển, Croatia, Séc… trước khi Bob Dylan được Nobel. Điều này chứng tỏ phần nào giá trị tự thân của nó.

2. Với nhiều người, Nobel văn chương 2 năm gần đây mất mùa, kiểu như 4 năm (từ 1940 đến 1943) không trao vì Thế chiến thứ 2. Nhưng với nhiều người khác, chính nhờ nhà báo Svetlana Alexievich và nhạc sĩ Bob Dylan mà Nobel văn chương nới rộng thêm kích cỡ, biên độ.

Trên trang riêng của mình, dịch giả Đinh Bá Anh viết: “Rốt cuộc thì văn chương là gì? Là nghệ thuật ngôn từ? Là cảm nhận về hạnh phúc hay đau khổ, ước mơ và hy vọng, hay tuyệt vọng, qua hình thức biểu đạt bằng ngôn ngữ? Là nghệ thuật tự sự hay trữ tình? Với giải Nobel trao cho Bob Dylan, nghệ thuật ca từ lần đầu tiên được vinh danh như một thể loại văn chương nghiêm túc. Tại sao không? Các tiểu thuyết gia phật ý chăng? Vì lý do gì? Suy cho cùng thì cái thể loại kể một câu chuyện, đóng gói trong 300 - 500 trang sách rồi đem đi in (đôi khi còn lên tới 1.000 trang hoặc hơn) mới chỉ có lịch sử mấy trăm năm và bùng phát thành “dịch bệnh” khoảng 100 năm nay thôi. Bob Dylan có thể gây cảm giác đậm tính thơ cho người nghe chỉ bằng những ca từ nho nhỏ, gói trong bàn tay, được cất lên bằng tiếng hát, thế chẳng phải là vĩ đại sao? Ca từ và giai điệu được cất lên bằng tiếng hát rồi reo vào tai người nghe, so với bài thơ hay câu chuyện in thành sách đập vào mắt người đọc, rốt cuộc chỉ khác nhau ở cái cách tiếp nhận mà thôi. Văn chương nằm ở cái được truyền tải. Bob Dylan cũng là văn chương”.

Trở ngược lại chính lịch sử Nobel văn chương: năm 1927, triết gia Henri Bergson; năm 1950, triết gia Bertrand Russell; năm 1953, thủ tướng – sử gia Winston Churchill; và còn nhiều nữa..., thì rõ ràng giải này đã phá lệ nhiều lần. Đây là chưa nói với Jean-Paul Sartre, ông được trao vì văn học hay triết học năm 1964 – dù ông từ chối nhận giải; với Aleksandr Solzhenitsyn là văn học hay sử học năm 1970.

Mãi tới năm 2015, sau hơn một thế kỷ trao giải Nobel, một nhà báo mới được vinh danh như một nhà văn. Tại Việt Nam thì từ trước 1945, các phóng sự báo chí của Vũ Trọng Phụng hẳn nhiên đã là văn chương, vì tính hấp dẫn của nó. Sau này tái dựng các bài báo cũ của Phan Khôi cũng vậy, nó vẫn thấm đẫm tinh thần, thủ pháp của văn chương hiện đại. Hay như gần đây trong nước in và đọc lại các quyển sử của Tạ Chí Đại Trường, chúng ta thấy nó hấp dẫn về văn phong không thua kém gì các bộ “văn sử bất phân” khác trên thế giới, trong đó có sử của Winston Churchill.

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan (1902 - 1987) quả là tiên phong khi trong bộ Nhà văn hiện đại (xuất bản trong các năm 1942 - 1945), đã xếp những cây bút phóng sự, lịch sử, biên khảo… vào chung chiếu với các nhà văn hư cấu. Thời bấy giờ, hành động này của ông Phan bị nhiều ý kiến quy ghép vào tội báng bổ, hạ nhục văn chương, thì hơn 60 năm sau, chính Nobel văn chương đã thừa nhận “văn báo bất phân”, miễn nó lôi cuốn, hấp dẫn.

Hành trình chứng minh và phản biện xem có một Bob Dylan văn chương hay không chắc chắn sẽ còn lâu dài, nhưng giải thưởng năm nay đã là một cột mốc, nó hoàn toàn đủ ảnh hưởng để giới nghiên cứu văn chương để mắt vào ca từ. Như lâu nay tại Việt Nam người ta hay nói chất thơ, tính thơ, bài thơ trong chính ca từ của Trịnh Công Sơn, ý kiến phản đối cũng không ít, sự kiện này chắc cũng sẽ thay đổi hiện trạng ấy phần nào.

>Thèm một cú sốc văn chương

>Giấc mơ văn chương "Made in Vietnam"

>5 lý do người Do Thái giành nhiều giải Nobel nhất

LÝ ĐỢI/DNSGCT