TP.HCM sẽ tăng cường gọi vốn từ khu vực tư nhân

Trong nước - Ngày đăng : 04:35, 01/11/2016

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ giảm chi và tăng cường kêu gọi nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển.
TP.HCM sẽ tăng cường gọi vốn từ khu vực tư nhân

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa XIV, bên cạnh việc thảo luận kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, các vấn đề kinh tế - xã hội, tình hình ngân sách, việc sử dụng vốn vay và quản lý nợ công thì việc giảm nguồn thu ngân sách giữ lại cho TP.HCM từ 23% xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020 mà Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét đã thu hút sự quan tâm của dư luận và báo giới.  

Đọc E-paper

Được biết, sáu tháng đầu năm 2016, thu ngân sách của riêng TP.HCM chiếm 31,8% thu ngân sách cả nước.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trung ương luôn quan tâm đến sự phát triển của TP.HCM, do đây là đô thị kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước nên việc tăng hay giảm nguồn thu được giữ lại đều được tính toán kỹ lưỡng.

Dù số thu được giữ lại giảm đi nhưng thực tế, trong những năm qua, TP.HCM được trung ương ưu tiên đầu tư 5 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm bằng nguồn vốn ODA với gần 100.000 tỷ đồng, đầu tư cho các chương trình chống ngập, y tế hàng chục nghìn tỷ đồng. Hơn nữa, các địa phương cũng có nhiều nguồn thu khác được giữ lại toàn bộ.

Theo đó, bên cạnh các nguồn thu phải nộp 100% về trung ương (thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt từ hàng hóa nhập khẩu), thì các khoản thu địa phương được giữ lại 100% gồm các khoản thuế, phí liên quan đến đất đai, thu từ xổ số kiến thiết, thuế tài nguyên (trừ thăm dò, khai thác dầu khí).

Lại còn có các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa trung ương và địa phương, như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, phần ngân sách giữ lại được đề cập gần đây chỉ là một phần trong ngân sách của các địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương phải hiệp lực, chung sức để vượt qua giai đoạn khó khăn về ngân sách, nhất là trong năm 2017 - 2018, đồng thời san sẻ nguồn lực cho những địa phương khó khăn hơn như Cà Mau, Lạng Sơn chẳng hạn. Song song đó, không chỉ trông chờ vào vốn ngân sách, các địa phương phải huy động thêm nguồn lực khác như nguồn xã hội hóa, vốn ODA để phục vụ đầu tư phát triển.

Mới đây, trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2016 của TP.HCM, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết, theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp vào cuối tháng 9, nguồn vốn cho 7 chương trình đột phá của Thành phố lên đến 471.000 tỷ đồng.

Những năm sắp tới, trung bình mỗi năm cần chi 96.000 tỷ đồng. Nếu như tỷ lệ điều tiết ngân sách là 23% (TP.HCM đề xuất giảm còn 21%) thì chi đầu tư trung bình một năm của Thành phố khoảng 77.000 tỷ đồng (cho 7 chương trình đột phá), nếu ngân sách giữ lại giảm xuống còn 18% thì số vốn Thành phố cân đối chi cho đầu tư sẽ thiếu nhiều.

Về vấn đền này, Chánh văn phòng - cũng là người phát ngôn của UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, quan điểm là Thành phố chia sẻ với trung ương những khó khăn về ngân sách. Kỳ họp HĐND TP.HCM sắp tới (dự kiến vào đầu tháng 12), vấn đề thu chi ngân sách của Thành phố sẽ tiếp tục được thảo luận.

Tinh thần ứng phó của TP.HCM trong tình hình mới sẽ là giảm chi và tăng cường kêu gọi nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tính riêng ngành giao thông, Thành phố hiện có 64 DN đăng ký đầu tư dự án, trong đó có 9 dự án đang triển khai thực hiện với tổng vốn 45.000 tỷ, chuẩn bị khởi công 7 dự án với 20.000 tỷ đồng, đang nghiên cứu 16 dự án với tổng vốn 20.000 tỷ và có 32 dự án với 113.000 tỷ đồng đang đề xuất đầu tư.

>Chi tiêu công: Đắn đo cầm tiền của dân

>Những nước chi tiêu công mạnh tay nhất thế giới

>Năm 2015, nợ công của Việt Nam chạm ngưỡng 61,3% GDP

NGUYÊN BẢO