Chứng nuốt khó dễ sinh bệnh
Sống khỏe - Ngày đăng : 04:35, 01/11/2016
Theo nhận định của trang www.mayoclinic.org, nuốt khó có thể liên quan đến bệnh lý xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở người lớn tuổi. Thế nào là nuốt khó? Triệu chứng này gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Đọc E-paper
Dấu hiệu và triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến nuốt khó gồm có:
- Bị đau khi nuốt.
- Khó nuốt.
- Có cảm giác như thức ăn bị mắc nghẹn trong cổ họng hay trong ngực, hoặc phía sau xương ức.
- Chảy nước miếng.
- Khàn giọng.
- Thường xuyên ợ nóng.
- Thực phẩm hay a xít dạ dày trào ngược trong cổ họng, lên miệng hoặc mũi sau khi nuốt vào.
- Giảm cân ngoài ý muốn.
- Ho hoặc nôn khi nuốt.
Các yếu tố nguy cơ và biến chứng
Một số nguy cơ của nuốt khó là:
- Tuổi tác: do quá trình lão hóa tự nhiên và suy giảm chức năng của thực quản cùng với một số bệnh lý như đột quỵ hay Parkinson sẽ khiến nguy cơ gây nuốt khó ở những người lớn tuổi cao hơn.
- Một số bệnh lý về sức khỏe: những người bị rối loạn về chức năng của cơ họng hay hệ thần kinh có nhiều khả năng sẽ bị nuốt khó.
Biến chứng của nuốt khó có thể dẫn đến:
-l Suy dinh dưỡng và mất nước, giảm cân: nuốt khó gây khó khăn trong dung nạp đủ các chất dinh dưỡng và chất lỏng, dẫn đến suy dinh dưỡng và mất nước cho cơ thể. Giảm cân cũng là dấu hiệu nghiêm trọng của nuốt khó.
- Các vấn đề về hô hấp: thức ăn hay chất lỏng đi vào đường dẫn khí khi cố gắng nuốt có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, như viêm phổi hay nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Tín hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe khác
- Bệnh tuyến giáp: đôi khi, bệnh về tuyến giáp cũng có thể dẫn đến phì đại tuyến giáp ở cổ, gây ra các triệu chứng có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng kích thích của các cơ quan, như nuốt khó và cảm giác khó chịu phía trước cổ.
- Tâm trạng lo lắng: nuốt khó là một triệu chứng của lo lắng, sợ hãi mà bạn khó có thể vượt qua.
- Trào ngược dạ dày - thực quản: trường hợp này chiếm tỷ lệ khoảng 20% do thực quản hẹp lại, thường có ít hoặc không có triệu chứng bệnh, trước khi bắt đầu cảm thấy nuốt khó.
- Giảm tiết nước bọt: nước bọt có tác dụng giúp bạn nuốt thức ăn dễ hơn nhờ hoạt tính bôi trơn. Một số loại thuốc, bệnh lý như hội chứng Sjogren (bệnh tự miễn mạn tính) và bức xạ trị liệu ở đầu và cổ có thể làm giảm sự sản xuất nước bọt và gây nuốt khó, tuy ở mức độ nhẹ.
Ngoài ra, nuốt khó có thể gây trào ngược ở mũi, ho hoặc ngạt thở, thường gặp ở những người mắc bệnh về cơ xương (như viêm cơ mạn tính), não (thường là đột quỵ), hoặc hệ thần kinh do rối loạn chức năng cơ bản của các cơ họng và thần kinh.
Chữa trị và dùng thuốc
Cách chữa trị nuốt khó phụ thuộc vào tình trạng hay nguyên nhân của tình trạng rối loạn nuốt khó.
* Nuốt khó ở cổ họng: trường hợp này, bác sĩ đưa ra giải pháp trị liệu gồm:
- Tập luyện: Một số bài tập giúp phối hợp cho các cơ nuốt hay tái kích thích các dây thần kinh thúc đẩy các phản xạ nuốt.
- Tập cách nuốt: bạn cần phải biết vị trí và những cách đưa thức ăn vào trong miệng để có thể nuốt tốt hơn.
* Nuốt khó ở thực quản: chữa trị bằng những cách sau:
- Nong giãn thực quản: đối với thực quản hẹp, bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi có gắn một quả bóng đặc biệt để kéo căng và mở rộng bề ngang của thực quản, hay dùng một ống mềm dẻo kéo căng thực quản để nó phình ra.
- Phẫu thuật: đối với khối u thực quản, cần phẫu thuật để làm thông thực quản.
- Dùng thuốc: nuốt khó liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản, cần dùng thuốc kê toa trong thời gian dài để giảm bớt a xít trong dạ dày. Nếu viêm thực quản tăng bạch cầu Eosin, có thể dùng corticosteroid. Nếu co thắt thực quản mà không trào ngược dạ dày và thực quản, có thể chữa bằng cách dùng thuốc để thư giãn thực quản và giảm bớt cảm giác khó chịu.
* Nuốt khó nghiêm trọng: nếu nuốt khó khiến bạn không thể ăn uống đầy đủ, bác sĩ sẽ khuyên:
- Dùng thức ăn lỏng để giúp duy trì thể trọng và tránh mất nước.
- Dùng ống thông để nuôi ăn trong trường hợp khó nuốt quá nghiêm trọng, để tránh phần cơ chế nuốt không thể hoạt động bình thường.
Thay đổi lối sống
Bạn có thể thực hiện một số cách nhằm làm dịu các triệu chứng của bệnh như sau:
- Thay đổi thói quen ăn uống: cố gắng ăn các bữa nhỏ và thường xuyên hơn. Đừng bao giờ quên cắt thực phẩm thành từng miếng nhỏ hơn và ăn một cách chậm rãi.
- Cố gắng tiêu thụ những thực phẩm có kết cấu khác nhau: ở một số người, các chất lỏng nhẹ như cà phê và nước quả, và thực phẩm dễ dính như bơ lạc hay đường caramen thường gây nuốt khó. Vì thế, cần tránh những thực phẩm gây phiền toái cho bạn.
- Tránh đồ uống chứa cồn, thuốc lá và chất caffein: những thực phẩm này khiến ợ nóng trầm trọng hơn.
Hãy đến bác sĩ nếu thường xuyên nuốt khó hoặc bị giảm cân nhiều, buồn nôn có kèm theo nuốt khó. Nếu có một chướng ngại vật cản trở sự hô hấp, hãy đến cơ sở cấp cứu ngay lập tức. Nếu không thể nuốt do cảm thấy thức ăn mắc nghẹn trong cổ họng hay ngực, hãy đến cơ sở cấp cứu gần nhất. |