Ấn Độ nới lỏng hạn mức rút tiền mặt
Quốc tế - Ngày đăng : 05:47, 14/11/2016
BBC hôm 13/11 cho biết Bộ Tài chính Ấn Độ đã tăng hạn mức rút tiền mặt tại các cây ATM trước tâm lý hoang mang của người dân nước này khi chính phủ hủy bỏ hai đồng tiền mệnh giá 500 Rupee và 1.000 Rupee ra khỏi dòng lưu thông.
Theo đó, chính phủ Ấn Độ sẽ xóa bỏ hạn mức rút tiền theo ngày, hiện ở mức 10.000 rupee và tăng hạn mức rút tiền theo tuần từ 20.000 rupee lên 24.000 rupee, đồng thời nâng giới hạn tiền giao dịch tại các quầy giao dịch lên 4.500 rupee, thay cho mức 4.000 rupee trước đây.
Động thái nới lỏng trên được đưa ra trong bối cảnh người dân Ấn Độ tức giận vì không sử dụng được tài khoản ngân hàng cũng như các máy ATM vẫn chưa được lập trình để chấp nhận các tờ tiền mới có mệnh giá 500 rupee và 2.000 rupee.
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ban hành kế hoạch hủy bỏ hai đồng 500 Rupee và 1.000 Rupee nhằm mục đích chống tham nhũng và đưa lượng tài sản ước tính lên tới nhiều tỷ USD nằm trong két sắt của các gia đình vào các hoạt động kinh tế. Song song với việc hủy bỏ hai đồng tiền này, Ấn Độ đưa vào lưu thông hai đồng 500 Rupee và 2.000 Rupee mới.
Được biết, Ấn Độ – nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới được xem là điển hình của nền kinh tế tiền mặt. Ước tính 86,4% giá trị tổng số tiền giấy Rupee lưu thông ở Ấn Độ là loại tiền 500 và 1.000 Rupee.
Hãng tin PTI cho biết hôm 11/11, hơn 120.000 máy rút tiền tự động (ATM) trong tổng số 200.000 máy ở Ấn Độ đã hết tiền mặt chỉ sau vài giờ sử dụng và hiện đang trong tình trạng không hoạt động.
Truyền hình Ấn Độ đã ghi lại hình ảnh cho thấy, hàng đoàn người xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng tại các thành phố và thị trấn lớn ở Ấn Độ chờ được đổi sang hai đồng tiền mới 500 Rupee và 2.000 Rupee, sau khi hai đồng tiền mệnh giá cũ 500 Rupee và 1.000 Rupee bị ngừng giao dịch trên thị trường.
Theo Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley, các máy ATM ở nước này sẽ mất vài tuần để hiệu chuẩn cho phù hợp với các tờ tiền mới, sau quyết định bỏ lưu thông các đồng tiền có mệnh giá cao.
Theo quy định, từ nay cho đến cuối tháng 12/2016, người dân được quyền đổi tối đa 4.000 Rupee mỗi ngày, nếu đổi quá mức này sẽ phải đóng thuế. Cảnh sát đã được triển khai với quy mô lớn để đảm bảo trật tự.
Sự thay đổi trong chính sách tiền tệ này đã dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền mặt tạm thời ở Ấn Độ.
Các đối thủ chính trị của Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tuyên bố sẽ đoàn kết để chống lại việc hủy bỏ hai đồng 500 và 1.000 Rupee, cho rằng việc này gây khó khăn cho đời sống của hàng triệu người dân, nhất là những người không có tài khoản ngân hàng và giữ tiền tiết kiệm dưới dạng tiền mặt tại nhà.
Đáp lại, Thủ tướng Modi đưa lời tuyên bố: "Tôi còn có nhiều ý tưởng để đưa Ấn Độ thành một đất nước không tham nhũng… Hãy hợp tác với tôi và giúp tôi trong 50 ngày, tôi sẽ mang lại cho bạn đất nước Ấn Độ mà bạn từng mong muốn".
Kể từ khi đắc cử vào năm 2014, ông Modi đã cam kết sẽ mạnh tay với dòng tiền “ngầm” trong nền kinh tế. Công ty đầu tư Ambit ước tính, nền kinh tế “ngầm” chiếm khoảng 1/5 GDP Ấn Độ.
>Nguy cơ ngừng lưu thông đồng 500 EUR do liên quan đến rửa tiền
>Thị trường BĐS Anh: Nơi "ẩn náu" an toàn của tội phạm rửa tiền
>Kinh tế Ấn Độ: Đóng để mở?