Nghệ thuật cộng đồng: Qua thời miễn phí
Đời thường - Ngày đăng : 06:41, 16/11/2016
Vở nhạc kịch cộng đồng The Secret Garden (Khu vườn bí ẩn) |
Một số vở diễn đáng chú ý
Khu vườn bí ẩn là vở nhạc kịch cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam, với sự dẫn dắt của đạo diễn Brian Riedlinger (Giám đốc Nghệ thuật kiêm Ca trưởng của Dàn hợp xướng quốc tế The International Choir and Orchestra of HCMC), chỉ huy dàn nhạc Ian Alexander và trợ lý đạo diễn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (cựu sinh viên Đại học Âm nhạc Berklee danh tiếng ở Mỹ).
Nằm trong khuôn khổ chương trình SOUL Live Project, vở nhạc kịch này được nhạc sĩ Thanh Bùi và Amberstone Media đưa về Việt Nam với mong muốn có những buổi biểu diễn mang văn hóa nghệ thuật cộng đồng đến gần với khán giả, đồng thời là một sân chơi để những nghệ sĩ không chuyên gồm nhân viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau được gắn kết bằng chính niềm đam mê và tình yêu dành cho nghệ thuật.
Trong thời gian tới, những vở nhạc kịch Broadway nổi tiếng như Les miserables (Những người khốn khổ), The Lion King (Vua sư tử), Phantom of the opera sẽ tiếp tục được trình diễn tại Việt Nam, với tính cộng đồng tương tự tại sân khấu SOUL Live Project.
Sau 3 năm diễn ra thành công và để lại dấu ấn đẹp, Gặp gỡ mùa thu (do DNY Productions phối hợp với các đối tác trong và ngoài Việt Nam tổ chức) vừa trở lại vào tháng 11 này ở TP. Đà Nẵng và khu phố cổ Hội An, hội tụ những gương mặt thành công của điện ảnh Việt Nam cùng các khách mời đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Đông Nam Á và từ các liên hoan phim Cannes, Venice, Berlin, Hong Kong...
Gặp gỡ mùa thu có các hoạt động trao đổi nghề nghiệp như khóa học diễn viên, đạo diễn, làm phim với kinh phí thấp; tổ chức chiếu phim ngắn, giao lưu công chúng và các nghệ sĩ, trao giải và gây quỹ điện ảnh; mở chợ dự án phim dành cho các dự án phim nghệ thuật của Việt Nam và khu vực châu Á với hội đồng giám khảo là những đạo diễn và nhà làm phim của Việt Nam và quốc tế (giám tuyển của các liên hoan phim Hong Kong, Venice, Berlin).
Là một dự án được Trung tâm Châu Á (thuộc Quỹ Nhật Bản) tài trợ và do 2 không gian, trạm nghệ thuật tại Đông Nam Á là ZeroStation (tức Ga 0, Việt Nam) và Đối thoại Nghệ thuật Chiangmai (Thái Lan) đứng ra tổ chức và giám tuyển, Trạm Ẩn/Hiện Châu Á tại TP.HCM kéo dài từ tháng 9/2016 - 2018.
Đây là một trong những dự án hợp tác nghệ thuật cộng đồng quy mô lớn trong thời gian gần đây, nhằm khai mở khả năng thực hành nghệ thuật ở khắp mọi nơi trong đời sống, đánh thức mọi không gian, khuyến khích nghệ sĩ trẻ dấn thân cho sáng tạo nghệ thuật và tương tác trực tiếp với công chúng. Trong đó có Liên hoan Điện ảnh ngoài khung hình (Out of frame - OOF) dành cho các tác phẩm điện ảnh độc lập và video art trong khu vực Đông Nam Á, tạo nên sự kết nối giữa nghệ thuật với công chúng.
Hay chương trình Những câu chuyện Sài Gòn do nhà báo Phạm Thị Thu Thủy (Báo Thể thao và Văn hóa) phối hợp thực hiện vào tháng 12 tới tại quận 8 (TP.HCM). Theo đó, các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài cùng thực hiện loạt tranh tường, với mong muốn khoác lên diện mạo mới cho một, hai đường phố, khu phố để tìm kiếm sự tương tác, đối thoại giữa người dân địa phương...
Chất lượng cao không... miễn phí
Theo từ điển Wikipedia, "community art" là nghệ thuật cộng đồng hay "nghệ thuật xuất phát từ cộng đồng". Các sản phẩm nghệ thuật từ loại hình này có thể thuộc bất cứ dạng nào và đặc điểm của chúng chính là sự tương tác hoặc đối thoại với cộng đồng.
Nghệ thuật cộng đồng hình thành từ những năm cuối thập niên 1960 và phát triển mạnh ở Mỹ, Canada, lreland và Úc. Ở Việt Nam đã có các sự kiện nghệ thuật cộng đồng từ lâu, song bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý là từ một số sự kiện như Con đường gốm sứ ven sông Hồng do nhà báo Nguyễn Thu Thủy khởi xướng vào năm 2007. Nói chung, các hoạt động bảo tàng hiện đại, trại sáng tác (workshop), nghệ thuật đường phố (như graffiti), liên hoan phim... đều được xem thuộc dạng nghệ thuật cộng đồng, vì có sự tương tác và thâm nhập vào xã hội, công chúng.
Bấy lâu, các hoạt động nghệ thuật cộng đồng đều phục vụ miễn phí, được tổ chức và thực hiện bởi các nhà tài trợ. "Nhưng kinh phí luôn là vấn đề khó khăn nhất với các nghệ sĩ và các dự án nghệ thuật cộng đồng. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, một người vừa là nghệ sĩ, vừa làm nhà tổ chức và giám tuyển nghệ thuật lâu nay cả ở Việt Nam, châu Á và xa hơn, thì bao nhiêu kinh phí cũng là không đủ. Nghệ sĩ nào trong đầu chẳng luôn có vài ý tưởng "điên rồ" mà để thực hiện chúng thì bao nhiêu tiền cũng là ít", nghệ sĩ và giám tuyển Nguyễn Như Huy - Giám đốc Nghệ thuật của ZeroStation thuộc dự án Trạm Ẩn/Hiện Châu Á từng chia sẻ.
Nhạc sĩ Thanh Bùi khi tổ chức bán vé cho nhạc kịch Khu vườn bí ẩn đã cho biết: "Khán giả Việt Nam thường mặc định nghệ thuật cộng đồng đương nhiên là miễn phí, điều này không đúng. Đó là những chương trình được thực hiện theo cách lan tỏa ra cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo tính nghệ thuật và xứng đáng để người yêu nghệ thuật bỏ tiền thưởng thức".
Anh cũng giải thích thêm, cộng đồng có nghĩa là cùng nhau làm, hỗ trợ nhau và cùng chia sẻ đam mê về âm nhạc, nghệ thuật. Thanh Bùi không ngại khi bày tỏ mong muốn sẽ là một trong số các nhà tổ chức tạo cho công chúng thói quen trả phí để được thưởng thức các chương trình nghệ thuật cộng đồng chất lượng cao.
Tuy nhiên, dù bán vé và đã "cháy vé" thì nhạc kịch Khu vườn bí ẩn vẫn là một hoạt động phi lợi nhuận, khi toàn bộ doanh thu được chuyển đến Tổ chức từ thiện Saigon Childrens Charity.
Trước đó, chương trình I have a dream (Em có một giấc mơ) gồm những trích đoạn múa ballet của vở Kẹp hạt dẻ và các thể loại múa khác cũng được tổ chức tại Nhà hát Star Galaxy Hà Nội, và toàn bộ tiền bán vé đã được chuyển vào Quỹ Thiện Nhân và những người bạn.