EGT VPA: Xuất khẩu gỗ vào EU sẽ khó mà dễ

Trong nước - Ngày đăng : 04:02, 18/11/2016

EU và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc đối với EGT VPA, đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU có nguồn gốc hợp pháp.
EGT VPA: Xuất khẩu gỗ vào EU sẽ khó mà dễ

Ngày 18/11, EU và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc đối với Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm sản (EGT VPA). Hệ thống này sẽ đảm bảo rằng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU có nguồn gốc hợp pháp.

Như vậy, sau gần 6 năm đàm phán, nội dung chính của Hiệp định đã được thống nhất dù vẫn còn một số phụ lục có nội dung kỹ thuật đang chờ các nhà đàm phán hoàn tất trong một vài tháng tới. EU và Việt Nam kỳ vọng có thể khởi động thủ tục phê chuẩn Hiệp định trong năm 2017.

Ông Karmenu Vella – Cao ủy EU về Môi trường cho rằng, ngay bây giờ phải tập trung vào việc thực thi nhằm đảm bảo VPA này đạt được các mục tiêu về xã hội, môi trường và kinh tế.

Cam kết trọng tâm ở đây, theo Cao ủy EU, là thiết lập một hệ thống mạnh mẽ và đáng tin cậy, cho phép sự tham gia của tất cả các bên liên quan và bao gồm những cơ chế hiệu quả nhằm phát hiện được những vi phạm, đồng thời bảo đảm việc thực thi pháp luật.

Theo Phái đoàn EU tại Việt Nam, thời gian qua các ngành công nghiệp về gỗ của Việt Nam tăng trưởng mạnh, đến nay đã có một vị trí quan trọng trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn là một thách thức không nhỏ, khiến chính phủ bị thất thu ngân sách, đe dọa tới sự đa dạng sinh học và gây ra những sự xung đột với các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng.

Để thực thi VPA, Việt Nam sẽ phát triển một hệ thống chứng nhận tính hợp pháp của gỗ cũng như tiến hành các cải cách được nêu trong Hiệp định, trong đó có việc ban hành quy định luật pháp cụ thể nhằm đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu làm đầu vào cho chế biến.

Khi VPA được thực thi đầy đủ, Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tăng cường sự tin cậy vào tính hợp pháp của sản phẩm gỗ do Việt Nam xuất khẩu, qua đó sẽ mang lại những lợi ích về xã hội và môi trường lớn hơn.

Các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT, thể hiện rõ nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm này. Điều này cũng sẽ giúp đơn giản hóa công việc của các thương nhân gỗ bởi các sản phẩm được cấp phép FLEGT sẽ mặc nhiên đáp ứng các yêu cầu của Quy định về Lâm sản của EU, là quy định về việc nghiêm cấm đưa gỗ phi pháp vào thị trường EU.

>Lưu ý cho các ngành xuất khẩu Việt Nam khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực

>Báo chí châu Âu nói gì về thị trường Việt Nam

HẢI VÂN