Gạo xuất khẩu lép vế do đâu?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:51, 19/11/2016
Để có cái nhìn rõ hơn về thực trạng, giải pháp đối với thị trường gạo, chúng tôi phỏng vấn TS. Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (CLRRI).
Đọc E-paper
* Việt Nam là một trong những cường quốc sản xuất lúa gạo, nhưng đến nay, gạo Việt đang bị "lép vế” so với một số nước khác. Mấu chốt vấn đề này nằm ở đâu, thưa ông?
- Việt Nam chưa có giống lúa chất lượng cao phù hợp với người tiêu dùng như giống lúa Basmati của Ấn Độ và Pakistan, Khao Dawk Mali của Thái Lan hay gần đây một số chủng lúa của Campuchia. Nguyên nhân là do trong một thời gian dài, Việt Nam đã chuyển đổi trồng các giống lúa mùa địa phương sang các giống lúa cải tiến để giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
Việc lai tạo giống lúa mới ở các viện, trường cũng lấy phẩm chất gạo làm mục tiêu, nhưng thành tích lớn nhất vẫn là việc gia tăng năng suất của giống. Gần đây ở một số địa phương phía Nam có quay lại trồng các giống lúa như Nàng thơm chợ Đào, Tài nguyên đục, Một bụi đỏ... nhưng mới chỉ giải quyết ở thị trường nội địa.
Một số giống lúa cải tiến đã lai tạo và đưa vào sản xuất có chất lượng tương đối khá như OM7347, OM4900, Nàng hoa 9, nhưng vẫn chưa xuất khẩu được loại gạo thuần của các giống lúa này. Gạo Việt Nam được phân loại theo tỷ lệ tấm, ví dụ gạo trắng, hạt dài 5% hay 25% tấm.
Cho nên, ngoài vấn đề về giống ở dòng gạo cao cấp, sự "lép vế" phần lớn là do cách tổ chức sản xuất và cách tiếp cận thị trường đối với những chủng loại gạo Việt Nam đang có ưu thế.
* Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam không nên chạy theo số lượng mà phải nâng chất lượng, giảm chi phí, tăng năng suất để gia tăng giá trị cho người nông dân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Về cơ bản nước ta đã bảo đảm được an ninh lương thực quốc gia và hằng năm có dư cho xuất khẩu 5 - 6 triệu tấn gạo. Thực tế sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, với diện tích bình quân khoảng 0,5 ha/hộ và 3 vụ/năm thì thu nhập mỗi hộ chỉ ước đạt 15 triệu đồng/năm nếu chỉ nhờ vào canh tác lúa. Như vậy, hiệu quả sản xuất cho người trồng lúa là quá thấp.
Chính vì thế, năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo. Mục tiêu tổng quát của đề án này là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo làm cơ sở bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu.
Đây là bước đi phù hợp để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo và tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc cắt giảm chi phí sản xuất và gia tăng giá trị của lúa hàng hóa.
* Liệu có phải do Việt Nam chưa xây dựng được nền sản xuất lúa gạo quy mô lớn, tập trung nên khó kiểm soát được chất lượng?
- Việc sản xuất lúa gạo của chúng ta vẫn phụ thuộc vào từng nông hộ với diện tích nhỏ lẻ. Hiện tại, một số doanh nghiệp đã nhận thấy vấn đề và bắt đầu đầu tư vào vùng nguyên liệu, nhưng mức độ thành công chưa cao.
* Để tăng chất lượng hạt gạo, cần phải làm gì, thưa ông?
- Để gia tăng chất lượng hạt gạo, theo tôi cần phải thay đổi mạnh hơn trong tư duy xuất khẩu gạo, từ bán những gì mình có sang bán những gì thị trường có nhu cầu và từ đây mới có thể thay đổi được việc tổ chức sản xuất lúa gạo.
Ngoài việc tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ để đưa ra các gói kỹ thuật canh tác lúa bền vững và tạo ra những giống lúa mới có phẩm chất tốt hơn, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải chủ động tiếp cận thị trường hơn nữa và xây dựng vùng nguyên liệu, tránh việc thu gom hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
>Gạo xuất khẩu: Mở thêm thị trường châu Phi
>4 lý do để giá gạo xuất khẩu sẽ cao hơn
>Doanh nghiệp cẩn trọng khi xuất khẩu gạo sang Mỹ