Mỹ rút khỏi TPP: Ông Trump có đang mắc sai lầm?
Quốc tế - Ngày đăng : 05:25, 22/11/2016
Ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch cho 100 ngày làm việc đầu tiên thông qua một video được đăng tải trên internet, trong đó tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP là hiệp định được ký kết bởi 12 nước châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng 2/2016, dự kiến chính thức có hiệu lực vào tháng 2/2018 nếu được quốc hội của ít nhất 6 nước thành viên (chiếm ít nhất 85% sản lượng kinh tế của khối) phê chuẩn. Điều này đồng nghĩa hiệp định cần sự phê chuẩn của quốc hội Mỹ và Nhật Bản.
Xuất hiện trong đoạn video, ông Trump khẳng định một trong những động thái đầu tiên của ông ngay trong ngày đầu tiên chính thức làm Tổng thống là "ra thông báo về ý định của Mỹ rút khỏi TPP" và thay thế thỏa thuận này bằng cách đàm phán "những thỏa thuận thương mại song phương bình đẳng".
Tuyên bố trên ngay lập tức nhận được phản ứng gay gắt từ đại diện các nước thành viên TPP. "Mỹ không phải là ốc đảo. Nước Mỹ không thể chỉ ở một chỗ và nói không giao thương với phần còn lại của thế giới", BBC dẫn lời Thủ tướng New Zealand John Key.
"Đây là quyền của ông Donald Trump với tư cách là người lãnh đạo tiếp theo của nước Mỹ được bầu chọn một cách dân chủ để đưa ra những quyết định chính sách mà ông cho là đúng", Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói.
Cách vài tiếng trước khi ông Trump đăng tải đoạn video trên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết TPP sẽ trở nên "vô nghĩa" nếu không có sự tham gia của Mỹ. Ông Abe nhấn mạnh, Hiệp định không thể đàm phán lại bởi "điều này sẽ ảnh hưởng đến cán cân lợi ích".
Phát biểu trước báo giới tại Peru sau khi tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết: "11 nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua TPP và thực thi Hiệp định. Do đó ông Trump cùng chính quyền mới của mình nên cân nhắc ra quyết định dựa trên lợi ích của nước Mỹ".
Thủ tướng Turnbull cũng khẳng định Australia vẫn giữ nguyên lập trường ủng hộ TPP vì "hiệp định này rõ ràng có lợi cho Australia", theo CNN.
Chia sẻ bên lề cuộc họp APEC, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phân tích: "TPP thiếu Mỹ cũng giống như một thoả thuận mới, đồng nghĩa 12 nước thành viên sẽ phải ngồi lại và ký thoả thuận với điều khoản khác để Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, đó sẽ là những cuộc thương lượng mới và không dễ để làm điều đó", theo Reuters.
Giới phân tích nhận định việc Mỹ rút khỏi TPP là cơ hội để Trung Quốc nhảy vào. Chuyên gia kinh tế Harumi Taguchi cảnh báo sự đổ vỡ của TPP sẽ tạo một khoảng trống lớn tại châu Á. "Nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào lấp đầy khoảng trống đó, trở thành lãnh đạo khu vực trong việc định hình các thỏa thuận thương mại", vị này cho biết.
Được biết, trong đoạn video dài 2 phút rưỡi giới thiệu kế hoạch 100 ngày đầu tiên, ông Trump nhấn mạnh rằng những biện pháp mà ông nêu ra - trong đó có việc rút khỏi TPP, nhằm mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ.
“Cho dù sản xuất thép, lắp ráp xe hơi, hay sản xuất thuốc chữa bệnh, tôi muốn thế hệ tiếp theo của sản xuất và sáng tạo sẽ diễn ra ở đây, trên quê hương Mỹ vĩ đại của chúng ta, để tạo ra sự thịnh vượng và việc làm cho người lao động Mỹ”, ông Trump nói.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donad Trump còn hứa sẽ bãi bỏ các hạn chế về môi trường mà người tiền nhiệm Barack Obama đưa ra, yêu cầu bộ phận an ninh quốc gia tăng cường phòng thủ các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng, chỉ đạo Bộ Lao động điều tra thị thực của người lao động nhập cư, và ban hành lệnh cấm mới đối với việc công chức tham gia vận động hành lang.
Tuy nhiên, những lời hứa lớn nhất mà ông Trump đưa ra trước đây trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, bao gồm: lời hứa về xây một bức tường ngăn biên giới Mỹ-Mexico, thiết lập một lực lượng trục xuất người nhập cư trái phép, siết quy định về nhập cư đối với người từ một số quốc gia Hồi giáo, xóa bỏ đạo luật cải cách y tế Obamacare, và chi 1 nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng - đã không được nhắc đến.
>Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump sẽ giữ lại một phần Obamacare
>Nhìn lại chính sách kinh tế của Donald Trump
>TPP và phép thử với nước Mỹ