Xử lý cảm giác đầu lâng lâng
Sống khỏe - Ngày đăng : 07:02, 25/11/2016
Tiến sĩ Lawrence Phillips, chuyên khoa tim mạch của Trung tâm Y tế Langone, trường ĐH New York (Mỹ) cho biết "Cảm giác đầu lâng lâng xuất phát từ nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, có liên quan đến hệ thần kinh".
Đọc E-paper
Đây là trạng thái, dấu hiệu báo động của sức khỏe thường gặp trong cuộc sống, tuy không nghiêm trọng nhưng bạn cần truy tìm nguyên nhân để có cách xử lý kịp thời.
Nguyên nhân phổ biến
* Cơ thể mất nước. Một số người có cảm giác đầu lâng lâng hoặc thậm chí chóng mặt, khi cảm thấy nóng, cơ thể tiết mồ hôi, làm mất nhiều chất lỏng trong cơ thể. Theo chuyên gia dịch tễ học lâm sàng Venkatesh Thiruganasambandamoorthy, của viện Nghiên cứu Bệnh viện Ottawa, cũng là giáo sư của trường ĐH Ottawa: "Nhiệt tác động đến hệ thần kinh, làm giảm áp lực máu. Khi có cảm giác đầu lâng lâng do mất nước, hơi nóng, việc nằm xuống giúp tái cung cấp máu chảy về tim và não, giúp bạn khỏe lại một cách nhanh chóng".
* Phản ứng bất ngờ khi chơi thể thao. "Trong trường hợp này, về cơ bản, hệ thần kinh của bạn bị kích hoạt quá sức, và áp lực máu sụt giảm một cách bất ngờ, dẫn đến cảm giác đầu lâng lâng. Thông thường, bạn nhận biết được một dấu hiệu nhỏ nếu thực sự có cảm giác đầu lâng lâng, đó là hơi mệt và cảm thấy buồn nôn", Thiruganasambandamoorthy giải thích.
* Đứng lên quá nhanh. Cảm giác đầu lâng lâng hoặc thậm chí mắt nhìn thấy những đốm sao màu đen khi đứng lên quá nhanh từ một chỗ ngồi, thường dẫn đến tình trạng hạ huyết áp tư thế đứng, tức là huyết áp giảm đột ngột khi đứng. Điều này không nghiêm trọng, nhưng nếu xảy ra nhiều lần hoặc trầm trọng hơn, thay vì trở lại bình thường sau vài phút trôi qua, thì cần đến gặp bác sĩ.
* Do dùng thuốc. Giáo sư y học lâm sàng Melissa S. Burroughs Pena, khoa Tim mạch của trường ĐH California, San Francisco, cho biết: "Thuốc giảm đau và một số thuốc chống stress dạng viên, có thể gây cảm giác đầu lâng lâng hay chóng mặt". Còn theo TS Philipps: "Loại thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến não hoặc làm chậm nhịp tim sẽ dẫn đến những triệu chứng này. Tuy nhiên, đôi lúc bệnh nhân có cảm giác đầu lâng lâng cứ lặp đi lặp lại, nhưng không biết tại sao. Chúng tôi ngạc nhiên khi phát hiện điều này có trong một số tác dụng phụ ít phổ biến của các báo cáo về tân dược. Vì thế, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ về những loại thuốc đang sử dụng".
Một nguyên nhân khác tuy hiếm gặp nhưng có khả năng xảy ra là dị ứng với thuốc. Theo đó, phản ứng mẫn cảm với một loại thuốc nào đó, có thể gây cảm giác lâng lâng, thậm chí mất nhận thức. "Đây là một phản ứng đột ngột của hệ miễn dịch, làm giãn nở các mạch máu và giảm huyết áp, sự thay đổi này gây cảm giác đầu lâng lâng", GS Pena giải thích.
* Không ăn bữa trưa. Lượng đường huyết giảm có thể gây cảm giác đầu lâng lâng nếu não không nhận được nhiên liệu cần thiết, như glucose. Theo GS Pena: "Trường hợp này liên quan đến sự trao đổi chất. Tuy nhiên, việc ăn uống một chút gì đó sẽ giúp giải quyết các triệu chứng. Nhưng nếu bạn có bệnh tiểu đường, đang dùng thuốc giảm đường trong máu, cảm giác đầu lâng lâng có thể là một dấu hiệu của đường huyết đang sụt giảm một cách nguy hiểm, có thể dẫn đến co giật và hôn mê”.
Những cách tự xử lý
* Nghỉ ngơi. Cho dù nguyên nhân gây cảm giác đầu lâng lâng là gì, hãy ngưng công việc đang làm và nghỉ ngơi trong vài phút. Điều này sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu và điều chỉnh hoạt động của não.
Việc tiếp tục cử động hay di chuyển một cách đột ngột có thể khiến tình trạng trầm trọng hơn, và gây mất thăng bằng. Nếu không thể nằm xuống, bạn có thể cúi đầu lên trên hoặc giữa hai đầu gối, để ổn định lượng máu và làm ngưng cảm giác lâng lâng.
* Hít thở sâu. Việc bảo đảm nhận đủ khí ôxy có thể giúp giảm cảm giác lâng lâng. Hít thở sâu, ổn định giúp cơ thể có thêm ôxy, đồng thời giúp bạn bình tĩnh lại.
Cố gắng hít thở bằng cách đếm, để tập trung ổn định lượng khí ôxy và các mạch máu. Ví dụ, có thể hít vào bốn lần và thở ra bốn lần.
* Ăn uống lành mạnh. Đường huyết giảm và thiếu hụt chất sắt, có thể gây cảm giác đầu lâng lâng. Nếu do đường huyết giảm, nên ăn bữa nhẹ với bánh yến mạch hoặc táo.
Nếu do thiếu chất sắt, nên ăn kết hợp thực phẩm nhiều chất sắt, như thịt bò và gan bò, rau bina và đậu khô... vào khẩu phần.
Trong một vài trường hợp, khẩu phần thiếu hụt natri có thể gây cảm giác đầu lâng lâng. Hãy hòa tan một thìa muối trong một ly nước để uống, giúp điều hòa tuần hoàn máu và giảm triệu chứng này.
Cần tránh những chất có thể làm vấn đề trầm trọng hơn. Một số chất kích thích, như caffein, chất cồn, thuốc lá, có ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, tăng nhịp đập của mạch.
* Tiêu thụ đủ thức uống lỏng. Mỗi ngày, nên uống ít nhất 10 ly (200ml) nước để phòng mất nước, hoặc tiêu thụ từ 2 lít thức uống lỏng trở lên. Uống nước lọc là tốt nhất, cũng có thể uống trà, nước quả, thức uống dành cho người chơi thể thao hoặc soda không có caffein.
* Những hỗ trợ khác. Nếu thường xuyên có cảm giác đầu lâng lâng mà không biết lý do thì không nên điều khiển xe cộ hay máy móc hạng nặng, cần phải nghỉ ngơi để giảm bớt các triệu chứng. Giữ trong nhà có đủ ánh sáng, để tránh vấp ngã khi đi lại, có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng.
Trong một số trường hợp, cảm giác đầu lâng lâng có thể dẫn đến bệnh lý nghiêm trọng, gồm có: * Đau tim, như bệnh tim hoặc rối loạn nhịp tim. Các vấn đề về van tim có thể làm hạn chế lượng máu, gây cảm giác đầu lâng lâng hoặc chóng mặt, đặc biệt khi tập thể dục. * Đột quỵ. Khi lượng máu trong não giảm, gây cục máu đông trong não, dẫn đến một cơn đột quỵ thiếu máu cục bộ. * Một số người thường có triệu chứng đầu lâng lâng vào khoảng xế chiều, do ăn uống không đúng cách, sử dụng nhiều thức uống chứa chất cồn, caffein hoặc không ngủ đủ giấc. |
>>Bệnh lý thần kinh tự trị, nguy hiểm khôn lường