Giấc mơ năng lượng tái tạo từ rác thải
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:27, 25/11/2016
Trung bình mỗi ngày cả nước thải khoảng 76.000 tấn rác và 80% trong số đó được đưa vào bãi rác. Ước tính, chỉ riêng từ hơn 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày tại TP.HCM có thể sản xuất được hơn 1 tỷ KWh điện/năm, nhưng tiềm năng này vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Đọc E-paper
"Việt Nam có diện tích đất tương đối nhỏ, việc chuyển hóa rác thải tạo năng lượng là hướng xử lý có lợi nhất, đặc biệt khi các bãi rác ở những thành phố lớn sắp hết chỗ chôn lấp", ông Saku Liuksia - Giám đốc Chương trình rác thải thành năng lượng và Năng lượng sinh học, Công ty Finpro (Phần Lan) khẳng định.
Với dân số ngày càng tăng, nhu cầu năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 45% vào năm 2030. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ tăng năng lượng sạch trong mạng lưới điện quốc gia lên 7% vào năm 2020. Việc khai thác, lấy rác từ các bãi chôn lấp để sản xuất năng lượng vì vậy càng cần thiết.
Ông Liuksia cho biết: "Ở các nước, nhất là Phần Lan, việc tận dụng chất thải để tạo ra năng lượng được xem như tất yếu. Người dân Phần Lan đã thành công trong việc tận dụng chất thải và các dòng phế liệu trong ngành lâm nghiệp để tạo ra năng lượng. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, việc chuyển đổi rác thải thành năng lượng đã dần thay thế các bãi rác và trở thành cách thức chính để xử lý rác thải đô thị. Kể từ đầu năm 2016, rác thải hữu cơ đã bị cấm mang ra bãi rác nhằm tăng lượng rác thải tái chế để chuyển đổi thành năng lượng. Việc biến rác thải thành nhiên liệu sạch còn có thể giảm thiểu 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tại Phần Lan, khoảng 40% năng lượng được tạo ra từ nguyên liệu tái tạo".
Ai cũng thấy việc chôn lấp rác thải chỉ là giải pháp tạm thời và không thể bảo vệ được môi trường theo cách này. Chưa kể trong quá trình rác phân hủy sản sinh ra một loại khí có thể đốt cháy hoàn toàn bãi rác và thải ra một lượng khí độc khổng lồ. Vì thế, việc xử lý rác thải trong các nhà máy tái chế thành năng lượng là lựa chọn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và môi trường, đồng thời còn có giá trị bảo tồn năng lượng, tạo ra nguồn năng lượng bền vững.
Ở một số nước công nghiệp như Nhật Bản, Mỹ, Đức đã phát triển công nghệ tái chế rác thải đô thị ở mức từ 50% đến trên 75%. Ước tính, doanh thu từ tái chế rác thải toàn cầu đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2016. Việc xây dựng các nhà máy tái chế rác thải thành năng lượng đang ngày càng phát triển tại các khu vực có mật độ dân số cao trên thế giới như Tây Âu, Trung Đông và Đông Nam Á.
Trong khi năng lượng tái tạo từ rác đang trở thành xu hướng và được ứng dụng rộng rãi tại các nước thì Việt Nam vẫn đang bỏ phí năng lượng này. Ước tính mỗi năm TP.HCM phải chi 2.200 tỷ đồng cho việc quản lý rác, trong đó khoảng 1.000 tỷ đồng để xử lý rác tại các bãi chôn lấp. 95% khối lượng rác thải được đem ra các bãi rác để chôn lấp, mà tại đây hoàn toàn có thể đặt hệ thống chuyển rác thành điện mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, nhiều dự án đã có nhưng thực hiện thì vẫn chưa hiệu quả và chưa thật hấp dẫn doanh nghiệp (DN) đầu tư bởi thủ tục hành chính phức tạp, giá mua điện quá thấp, một số DN đã hoạt động thì không đủ vốn để bảo trì máy móc, thiết bị. Bên cạnh đó, việc xây các trạm sinh khí phát điện trên địa bàn TP.HCM cũng chưa được phép vì cơ quan quản lý cho rằng liên quan đến chất thải thì không thể đặt trong thành phố.
>>Năng lượng tái tạo đắt hơn hạt nhân
Theo ông David Dương - TGĐ Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS): "Đầu tư công nghệ để biến rác thành năng lượng đòi hỏi chi phí rất lớn, trong khi nguồn thu không đủ bù đắp. Cụ thể, giá bán điện hiện nay không đủ huề vốn, giá xử lý rác cũng không cao. Bên cạnh đó, thủ tục để bán điện cũng gặp khó và rào cản lớn nhất là chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này vẫn chưa thông thoáng".
Cũng theo ông Dương, 4 năm trước, ông có kế hoạch đầu tư 87 triệu USD cho nhà máy xử lý chất thải độc hại 800 tấn/ngày nhưng khi trình lên Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM thì không được chấp nhận vì cho rằng "Cả thành phố chỉ có 600 tấn rác độc hại/ngày mà công suất của VWS tới 800 tấn/ngày thì e sẽ độc quyền".
Theo ông Dương, giá điện từ năng lượng tái tạo sẽ giảm nếu có chính sách ưu đãi về giá bán, về thuế, về đất đai, cơ chế đấu thầu, thị trường điện theo hướng cạnh tranh. Nhiều nước đã áp dụng cơ chế này và điện từ năng lượng tái tạo đã phát triển rất nhanh.
Mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2008, ông Esko Koivisto - đại diện Công ty Valmet chia sẻ: "Valmet hiện có 4 chương trình điện từ rác hợp tác với các DN Việt Nam. Khi xây dựng nhà máy ở Thái Lan, chúng tôi được nhận nhiều sự hỗ trợ và trợ giá từ chính phủ, nhưng tại Việt Nam thì không. Hiện nay, điện năng tại Việt Nam do Chính phủ mua lại và định giá. Trong khi điện năng sản xuất từ công ty như chúng tôi tốn rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí xử lý rác thải. Vì vậy, rất cần Chính phủ trợ giá hoặc mua lại điện với giá cao hơn giá điện truyền thống. Bởi, công nghệ của chúng tôi không chỉ mang lại điện cho Việt Nam mà còn giúp xử lý rác thải. Nếu được Chính phủ hỗ trợ, chắc chắn sẽ có nhiều công ty sản xuất điện sinh khí, điện gió tham gia thị trường. Một khi Chính phủ áp dụng phí xử lý rác cho các công ty xử lý rác càng cao thì sẽ thúc đẩy DN cho ra nhiều nhà máy xử lý rác".
Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam cũng cho rằng, suất đầu tư nguồn năng lượng tái tạo cao so với nguồn truyền thống nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước lại thấp hơn so với các nước trên thế giới. Song, trở ngại lớn nhất hiện nay là pháp lý cho ngành này chưa hình thành đầy đủ, giá Nhà nước mua điện thấp hơn giá thành sản xuất, dẫn đến nhiều rủi ro khi đầu tư.
Theo đại diện Công ty Watrec: "Việc thay đổi từ chôn lấp rác thành tái sử dụng cần nhiều thời gian để thay đổi, nhất là thay đổi nhận thức, nghĩa là phải xem rác thải như một nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, công nghệ xử lý là rất quan trọng. Hiện ở Việt Nam đang sử dụng công nghệ phân compost và chôn lấp rác, trong khi công nghệ sản xuất khí sinh học (bio-cast) - một công nghệ mới và sản phẩm cuối cùng là điện và một loại phân bón đã được Watrec ứng dụng rất hiệu quả tại Phần Lan và nhiều nước. Đặc điểm nổi trội nhất của công nghệ này là không làm ảnh hưởng môi trường".
Để hỗ trợ thay đổi công nghệ cũ, nhất là giải quyết trở ngại rất lớn về giá mua công nghệ, Công ty Watrec đã đưa ra phương án địa phương hóa, cụ thể những phần nào có thể thì sẽ sản xuất ở Việt Nam để giảm giá thành.