Startup học được gì từ sự "mất tích" của Pokemon GO?

Start up - Ngày đăng : 03:30, 28/11/2016

Sau khi làm mưa làm gió, Pokemon GO gần như hoàn toàn mất tích và để lại bài học thất bại quý giá cho các startup
Startup học được gì từ sự

Hiện tượng toàn cầu Pokemon GO gần như đã lặn không "sủi tăm" khi lượng người chơi sụt giảm nghiêm trọng, từ khóa không còn xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội.

Từng làm mưa làm gió với những con số "khủng" về lượng người tải về, doanh thu mỗi ngày cũng như xuất hiện liên tục trên mặt báo và mạng xã hội, Pokemon GO trở thành hiện tượng hiếm có trong làng game trên di động. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng vận hành, trò chơi này đã nhanh chóng mất đi sức hút và "sủi tăm" với tốc độ nhanh không kém tốc độ gây bão trước đây.

Theo số liệu từ Forbes, chỉ trong 4 tháng vận hành, trò chơi đã mất 79% lượng người dùng thường xuyên. Đây là con số phản ánh phần nào thực trạng hiện nay của Pokemon GO. Có thể coi đây là một thất bại với tựa game này khi có một khởi đầu không thể thuận lợi hơn, và các startup khác có thể học được rất nhiều từ thất bại này.

Chỉ đưa ra sản phẩm khi đã hoàn thiện

Niantic, công ty chủ quản của Pokemon GO đã phải miễn cưỡng tung ra game khi việc thử nghiệm tại thị trường Australia và New Zealand bị rò rỉ và người hâm mộ toàn cầu gây sức ép lớn lên hãng, mong muốn được trải nghiệm trò chơi mang tính đột phá này.

Hệ quả là game phát hành khi máy chủ chưa phát triển kịp, dẫn tới trải nghiệm của người chơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc phát hành lần lượt tại từng quốc gia cũng khiến một lượng lớn người dùng quay lưng vì không được ưu tiên trải nghiệm.

Ứng dụng Pokemon Go khi ra mắt người dùng cũng không phải là bản hoàn chỉnh và còn quá nhiều lỗi, thiếu nhiều tính năng và nội dung. Giá trị chơi lại của trò chơi không nhiều, lượng người dùng tải thử và xóa sau vài ngày thử rất cao do không còn việc gì để làm ngoài đi lại bắt pokemon.

Lắng nghe ý kiến của người dùng

Bị bất ngờ và hoàn toàn bị động trước sự thành công ngoài mong đợi, đội ngũ làm game đã dành toàn bộ thời gian và nguồn lực để mở rộng hệ thống máy chủ mà quên đi việc tương tác với người dùng.

Trên các kênh mạng xã hội của Pokemon GO, người dùng từ khắp nơi trên thế giới than phiền về việc chất lượng máy chủ, thiếu tính năng hay kêu gọi hãng mở cửa tại thị trường nước mình. Tuy nhiên không có bất cứ phản hồi nào từ Niantic. Hàng chục nghìn thắc mắc, yêu cầu hay ý tưởng khắc phục các vấn đề được đóng góp từ người chơi không được tiếp nhận, xử lý.

Việc Niantic đăng tải những mẹo chơi Pokemon GO mà hầu như người dùng nào cũng đã biết càng làm họ phẫn nộ khi thay vì trả lời về những vấn đề nhức nhối, Niantic lại tung ra những thông tin vô ích. Khách hàng cảm thấy hãng có thời gian để công bố thông tin chứ không bận rộn như tin đồn, nhưng lại công bố một cách thiếu trách nhiệm và tâm huyết.

Liên tục mang đến sự mới mẻ cho sản phẩm

Rất nhiều người chơi Pokemon GO đã bỏ trò chơi này sau khi bắt hết các pokemon có thể và không còn động lực để chơi tiếp. Các tính năng mới không được bổ sung kịp thời khiến trò chơi mất một số lương lớn người chơi chỉ sau vài tháng.

Theo Trung Kiên (Đống Đa, Hà Nội), một fan "cứng" của Pokemon, bạn không còn động lực để mở Pokemon GO sau khi đã bắt hết các loại thú ảo trong trò chơi này và dù rất mê Pokemon từ nhỏ, bạn đã xóa trò chơi này từ tháng trước.

Việc thiếu những trải nghiệm mới đã khiến khách hàng mất đi động lực sử dụng dịch vụ. Đây là điểm khiến Facebook hay Uber liên tục phải cải thiện mình, bổ sung những tính năng mới cho ứng dụng.

Nghiên cứu thị trường trước khi tung ra sản phẩm

Ý tưởng của Pokemon GO được đánh giá là độc đáo và có rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên Niantic đã hoàn toàn bất ngờ trước thành công vang dội khi game mới ra mắt. Lượng máy chủ đã nhanh chóng quá tải do thiếu sự chuẩn bị trước.

Nếu có khảo sát tốt hơn, chắc chắn Niantic sẽ không bị động đến như vậy khi tung ra sản phẩm của mình.

>>Điểm tên 7 bài học thất bại đắt giá