Lực hút lợi nhuận từ kinh doanh cà phê chuỗi

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:37, 03/12/2016

Tốc độ tăng trưởng mỗi năm của cà phê hạt dành cho chuỗi cà phê Việt Nam, theo tiết lộ của các doanh nghiệp sản xuất cà phê, lên đến 300%.
Lực hút lợi nhuận từ kinh doanh cà phê chuỗi

Theo đánh giá của Euromonitor, chuỗi cửa hàng cà phê là loại hình phát triển nhanh nhất những năm qua với doanh thu hằng năm tăng 32%. Tốc độ tăng trưởng mỗi năm của cà phê hạt dành cho chuỗi cà phê Việt Nam, theo tiết lộ của các doanh nghiệp sản xuất cà phê, lên đến 300%.

Đọc E-paper

Dạo một vòng qua các cửa hàng cà phê Starbucks, The Coffee House, Phúc Long, HighLands Coffee... vào ngày cuối tuần, quán nào cũng đông khách. Nếu nhìn lượng khách và tốc độ hiện diện của các chuỗi cửa hàng cà phê, những người ngoài ngành không khỏi "thèm thuồng" vì mô hình này "dễ hái ra tiền".

Ông Đoàn Đình Hoàng - chuyên viên tư vấn thương hiệu cho rằng: "Không phải tự dưng mà thị trường cà phê Việt Nam lại "trăm hoa đua nở" với số lượng các cửa hàng nhiều như vậy. Sức hấp dẫn của thị trường này do 2 yếu tố: dân số tới 90 triệu người, trong đó 65% người trẻ; thói quen ngồi quán và uống cà phê của người Việt Nam ngày càng tăng.

Theo nghiên cứu của Học viện Marketing ứng dụng (I.A.M) về thói quen sử dụng cà phê, 65% người tiêu dùng Việt Nam uống cà phê 7 lần/tuần.

Nếu tính lợi nhuận, một ly cà phê bán ra với giá gấp 3 - 4 lần so với giá vốn thì lợi nhuận quả hấp dẫn, mà theo ông Võ Mậu Quốc Triển - chủ Chuỗi cà phê Rita Võ, một ly cà phê uống tại quán có giá bán bằng một ký cà phê chưa rang xay.

Đại diện Saigon Café cũng ước tính: chi phí đầu tư một cửa hàng từ 4 - 5 tỷ đồng, nếu kinh doanh đúng dự kiến, lợi nhuận sẽ chiếm 15 - 20% trong doanh thu (chưa trừ khấu hao).

Khi nhận nhượng quyền chuỗi Gloria Jeans Coffees vào Việt Nam, bà Nguyễn Phi Vân ước tính mỗi ngày một cửa hàng đón khoảng 200 - 300 lượt khách, với cửa hàng kinh doanh tốt thì lượng khách có thể lên mức 600 - 800 lượt/ngày, như vậy, với vốn đầu tư ban đầu cho một cửa hàng cà phê Gloria Jeans Coffees khoảng 250.000 USD, chỉ sau 2 năm là lấy lại vốn.

>>Khởi nghiệp chuỗi cà phê: Những chiếc bẫy ảo tưởng

Với quán cà phê mang đi, ông Đoàn Đình Hoàng đưa ra con số lợi nhuận đầu tư: "Phí đầu tư một cửa hàng cà phê thương hiệu Passio khoảng dưới 1 tỷ đồng, doanh thu mỗi tháng từ 300 - 500 triệu tùy theo mặt bằng và khoảng một năm rưỡi là lấy lại vốn".

Lợi nhuận hấp dẫn từ kinh doanh cà phê chuỗi được Mê Trang đưa ra slogan khá hấp dẫn cho đối tác nhận nhượng quyền chuỗi cà phê M-Café của thương hiệu này: "Giàu nhanh nhất với M-Café”.

Không chỉ hấp lực doanh thu, nếu tính về số lượng cửa hàng thì sức hấp dẫn cũng còn rộng cửa. Theo ông Võ Duy Phú - Giám đốc Marketing Chuỗi cà phê The Coffee House, nhu cầu thị trường đang tăng nhưng với số chuỗi cửa hàng cà phê tại Việt Nam hiện nay chỉ khoảng hơn 400 thì vẫn chưa "chật chội", trong khi Thái Lan, Singapore có những thương hiệu cà phê có tới 1.000 cửa hàng. Dù không "bật mí" về doanh thu nhưng ông Phú cho biết, mỗi tháng, The Coffee House phục vụ trung bình 300.000 khách.

Tương tự The Coffee House, dù không công bố mức lãi nhưng thời gian qua, đa số chuỗi cửa hàng cà phê đều có doanh thu khả quan. Ông Phú cho biết: "Hai năm qua kinh doanh của The Coffee House tăng trưởng tốt , đặc biệt năm 2016 tốt hơn năm 2014 - 2015. Trong năm 2016, chúng tôi mở 40 cửa hàng, 10 ở Hà Nội và 30 ở TP.HCM. Kế hoạch đến năm 2020 sẽ có khoảng 200 cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành".

Tương tự, từ 5 cửa hàng năm 2015, đến thời điểm này, McCafé đã có 9 cửa hàng. Tháng 11/2016, Starbucks khai trương cửa hàng thứ 23 và tháng 12 tới sẽ thêm một cửa hàng nữa.

Mới gia nhập thị trường nhưng Vpresso đặt mục tiêu nâng số cửa hàng tại Hà Nội lên 20 và mở khoảng 15 - 20 cửa hàng tại TP.HCM, trong đó có nhiều cửa hàng theo hướng nhượng quyền. Tân binh trên thị trường cà phê chuỗi mới xuất hiện năm 2016 cũng chứng tỏ "lực lượng hùng hậu" với số cửa hàng lên đến con số 5...

>>Bài học cho startup từ cựu CEO The KAfe Đào Chi Anh

LỮ Ý NHI