VBF 2016: Thúc đẩy hợp tác giữa DN trong nước và DN FDI
Trong nước - Ngày đăng : 04:46, 06/12/2016
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 (VBF) diễn ra vào ngày 5/12, trước những kiến nghị của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước liên quan đến chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành có biện pháp xử lý, giải quyết, không phải nghe để biết rồi để đó.
Gần một năm Chính phủ thực hiện những định hướng, cam kết trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh đã tạo ra những hiệu ứng tích cực: chỉ số môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, vào nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Nhiều khả năng năm nay cũng là năm đầu tiên đạt kỷ lục về số lượng DN thành lập, vượt con số 100.000.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có những thay đổi khá tốt nhưng vẫn còn khoảng cách khá lớn so với nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN, so với mong muốn của DN thì lại càng xa. Quá trình khảo sát độc lập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về các điều kiện kinh doanh quy định tại các thông tư, nghị định và nghị quyết theo yêu cầu của Chính phủ, đã phát hiện hàng trăm văn bản bất cập, có thể bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, DN vẫn nặng gánh với các khoản chi không chính thức trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn. Nhiều DN phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự báo được của các bộ, ngành. Trong khi đó, giải pháp cơ bản của nhiều cơ quan nhà nước vẫn là loay hoay tháo gỡ khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu.
Chẳng hạn, những thủ tục kiểm định hợp chất hữu cơ formaldehyde đối với hàng dệt may, thủ tục dán nhãn năng lượng và rất nhiều thủ tục chuyên ngành khác trong xuất nhập khẩu đang tạo ra những chi phí quá cao đối với DN, trong khi mục tiêu quản lý đạt được là không rõ hoặc không đáng kể.
"Chúng ta đang lạm dụng các giải pháp quản lý, đặt ra rất nhiều thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép mà không tính đến việc nó tạo ra gánh nặng thế nào cho DN, ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và gây thiệt hại như thế nào đến nền kinh tế” - ông Lộc nói.
Với chủ đề "Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hoà của kinh tế Việt Nam", qua bốn phiên thảo luận, Diễn đàn VBF năm nay đã đề cập tới 7 nhóm nội dung quan trọng: tăng cường năng lực cho các DN nhỏ và vừa, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, nâng cao nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo, phát triển thị trường vốn, cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ chế PPP, BOT, BO, BT, năng lượng sạch và tái tạo, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đây được xem là những chủ đề rất thiết thực và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
"Tôi muốn nhấn mạnh DN Việt Nam là bao gồm cả các DN FDI đã đăng ký cấp phép (có tư cách pháp nhân Việt Nam) và các DN trong nước. Đây là định hướng lớn của Chính phủ về hình thành cộng đồng DN Việt Nam gắn kết, hợp tác hiệu quả trong một nền kinh tế quốc gia thống nhất", Thủ tướng nói.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Năm 2016 sắp kết thúc, các DN và nhà đầu tư hy vọng nền kinh tế ổn định tiếp tục được duy trì, vì đây là một trong những lợi thế cạnh tranh mạnh nhất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức hợp tác công-tư (PPP). Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Về phía DN FDI, Chính phủ mong muốn có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường và sự trong lành của môi trường sống cho Việt Nam.
Mặc dù đánh giá cao vai trò của khu vực FDI nhưng Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể không có một khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả, lớn mạnh. Đây không phải là quan điểm mâu thuẫn mà ngược lại, bổ trợ và tương tác thuận chiều cho nhau, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo sức sống và sức phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, mọi thành phần kinh tế cũng như người dân đều hưởng lợi.
Phát biểu tại hội nghị, bà Virginia B. Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhận định: "Chính phủ cần quan tâm hơn đến thực tế, sự không rõ ràng trong luật định có thể bị lạm dụng trong việc chọn ra "kẻ thắng, người thua" một cách không công bằng". Bà khuyến cáo: "Chính phủ nên cho tăng cường thanh toán điện tử để giảm cơ hội cho các khoản thanh toán bất hợp pháp trong quá trình cấp giấy phép đầu tư, kinh doanh".
>Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần "một luật sửa nhiều luật"
>Làm sạch môi trường kinh doanh: Cách nào?
> Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm của Vinastas