Chuyện làm ăn của hãng hàng không giá rẻ AirAsia

Quốc tế - Ngày đăng : 06:49, 08/12/2016

Người ta sẽ cho rằng họ kiếm tiền từ bán vé, nhưng câu trả lời không đơn giản như vậy.
Chuyện làm ăn của hãng hàng không giá rẻ AirAsia

Cách đây vài ngày, hãng bay giá rẻ Malaysia - AirAsia đã công bố báo cáo kinh doanh quý III/2016. Theo đó, lợi nhuận ròng đạt 353,9 triệu ringgit, trái ngược với khoản lỗ 405,7 triệu ringgit cùng kỳ năm 2015.

>>Chiến lược thành công của Tony Fernandes - nhà sáng lập AirAsia

AirAsia là hãng hàng không giá rẻ thống trị tại khu vực Đông Nam Á. Nếu bạn muốn tìm một quý mà doanh thu từ bán vé bù được chi phí hoạt động, hãy quay về tháng 12/2010. Còn kể từ đó, chi phí đã vượt xa tiền bán vé.

Nếu lấy tiền bán vé trừ chi phí hoạt động, AirAsia sẽ thường xuyên lỗ. Kể cả cộng tiền hành lý hay các loại phí khác, tình hình cũng không cải thiện hơn là bao. Trên thực tế, AirAsia chỉ hòa vốn khi cộng thêm khoản chi của hành khách cho việc ăn uống trên máy bay, phí đặt chỗ trước, hủy vé và các phí lặt vặt khác.

Và nếu thực sự muốn tìm hiểu họ kiếm tiền từ đâu, tốt nhất là đừng nhìn họ dưới góc độ một hãng hàng không, mà là một thành phần trong ngành cho thuê máy bay. Doanh thu từ cho thuê máy bay cũng chính là nguyên nhân giúp họ có lãi trong quý III/2016.

AirAsia là khách hàng rất lớn của Airbus trong số các hãng bay, với 575 chiếc đã đặt hàng. Trong đó, 401 chiếc còn chưa được giao. Đây là con số lớn thứ nhì chỉ sau InterGlobe Aviation của Ấn Độ. Việc này giúp AirAsia có quyền lực lớn trong việc đàm phán giá cả và tùy chỉnh máy bay để đáp ứng yêu cầu của mình.

Đây chính là nguồn thu phụ thêm của họ. Các hãng chuyên cho thuê máy bay như General Electric hay BOC Aviation thường không được giảm giá như các hãng bay. Vì thế, khi AirAsia cảm thấy họ có quá nhiều máy bay trong bảng cân đối kế toán, họ có thể bán chúng cho một hãng cho thuê, rồi thuê lại chính máy bay đó, và ghi nhận khoản chênh lệch so với giá mua ban đầu. Việc này còn giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn là vận hành máy bay.

>>AirAsia và cuộc cách mạng giá rẻ của Tony Fernandes

Dĩ nhiên, CEO AirAsia - Tony Fernandes sẽ không bỏ qua cơ hội hấp dẫn này. Hồi tháng 8/2016, ông cho biết có thể bán bộ phận cho thuê máy bay trong tháng 12/2016, thu về tới 1 tỷ USD.

Việc này có một số lợi ích. Nhà đầu tư thường ngờ vực về mảng cho thuê máy bay của AirAsia. Đặc biệt khi nhiều thương vụ của họ không phải với các hãng chuyên cho thuê, mà là với chi nhánh của chính họ tại Indonesia, Thái Lan, Philippines và Ấn Độ.

Năm 2015, cổ phiếu AirAsia từng mất hơn nửa giá trị trong chưa đầy 3 tháng, sau khi GMT Research công bố báo cáo chỉ trích hoạt động kế toán trong các thương vụ này. Tuy vậy, cổ phiếu này đã hồi phục và tăng hơn gấp đôi trong năm 2016.

Việc này sẽ giúp Fernandes trả được các khoản nợ và dập tắt những thông tin tiêu cực trong báo cáo của GMT. Dù lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hãng bay là 26%, tương tự các hãng bay giá rẻ khác như Ryanair hay Southwest Airlines, hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận (P/E) của họ còn chưa bằng nửa.

Việc cho thuê có vẻ kém hấp dẫn nếu cân nhắc số vốn phải bỏ ra. Tình hình này sẽ trầm trọng hơn nhiều nếu chuẩn mực kế toán về cho thuê hoạt động trên thế giới thay đổi.

Vì thế, lợi nhuận của AirAsia những quý gần đây ngày càng phụ thuộc vào doanh thu ngoài bán vé, để chuẩn bị cho sự thay đổi này. Lợi nhuận hoạt động từ các mảng ngoài cho thuê trong 3 quý gần đây của hãng đã lên 642 triệu ringgit, tăng so với 614 triệu ringgit cách đây 3 năm.

Việc này cho thấy hãng bay có thể hoạt động tốt nếu không có thu nhập từ cho thuê. Nhưng nó cũng có nghĩa rồi chi phí với khách hàng của AirAsia cũng sẽ phải tăng theo, khiến khả năng cạnh tranh của hãng giảm đi.

Bên cạnh đó, nó còn khiến quyền lực của AirAsia với Airbus giảm đi. Bán mảng cho thuê máy bay, họ sẽ chỉ là một trong cả tá khách hàng nhỏ của Airbus mà thôi.

Bloomberg cho rằng minh bạch và tập trung là điều tốt. Nhưng thi thoảng, quyền lực vẫn có giá trị hơn.