Đông Nam Á và sự thay đổi mang tên Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 06:51, 08/12/2016
Vốn đầu tư từ Trung Quốc đang khiến 3 nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Lào và Myanmar thay đổi nhanh chưa từng thấy, biến các quốc gia này trở thành thị trường lớn hơn cho hàng hóa Trung Quốc, theo hãng tin Bloomberg.
Nhờ nguồn vốn Trung Quốc, nền kinh tế các quốc gia nói trên đạt tốc độ tăng trưởng vào hàng nhanh nhất thế giới, cùng với đó đem đến cho các công ty Trung Quốc những lựa chọn thay thế với chi phí “mềm” hơn nếu muốn chuyển một phần hoạt động sản xuất khỏi “sân nhà”.
Chiến lược này giúp nền kinh tế lớn nhất châu Á và những nước nhận vốn đầu tư Trung Quốc trong khu vực có thể thích ứng tốt hơn với khả năng nước Mỹ thời chính quyền Donald Trump giảm cam kết đối với châu Á và hướng nội nhiều hơn.
>>Cắn răng, mất trắng vì làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc
“Trung Quốc chắc chắn đang xem các quốc gia này là khu vực mà họ có thể bán hàng hóa và đạt lợi nhuận tốt hơn cho các khoản đầu tư của mình”, ông Edward Lee - chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Standard Chartered ở Singapore nhận định, “Bản thân Trung Quốc đang trở thành một địa chỉ ngày càng đắt đỏ hơn đối với chính các công ty của nước này, nên xu hướng trên càng được thúc đẩy”.
Trung Quốc hiện đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ đường sắt tới bất động sản ở Campuchia, Lào, và Myanmar, 3 nền kinh tế được coi là “thị trường sơ khai” (frontier market) thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tuần trước, công ty China Minsheng Investment Group của Trung Quốc và công ty LYP Group do nghị sỹ Campuchia Ly Yong Phat đứng đầu đã ký một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD về xây dựng một khu đô thị rộng 2.000 ha gần Phnom Penh. Dự án này bao gồm trung tâm hội nghị, khách sạn, sân golf, và công viên chủ đề. Giá trị của dự án tương đương 1/10 GDP hàng năm (15,9 tỷ USD) của Campuchia.
>>Doanh nghiệp Trung Quốc vay nợ kỷ lục
Tại Lào, tuyến đường sắt Trung-Lào trị giá 5,4 tỷ USD đã được khởi công vào năm 2015. Tuyến đường có chiều dài 414 km nối giữa biên giới giữa 2 nước với Vientiane này là một phần trong sáng kiến “một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Tuần trước, ông Tập đã gặp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ở Bắc Kinh và cam kết thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương.
Myanmar, quốc gia đang mở cửa nền kinh tế và theo đuổi các cải cách thị trường, được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 8,1% trong năm 2016, mức tăng trưởng nhanh thứ nhì thế giới sau Iraq. Nhà lãnh đạo của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã nhanh chóng thể hiện thái độ thân thiện với Trung Quốc sau khi Chính phủ mới lên cầm quyền ở Myanmar năm 2016. Trong đó, bà Suu Kyi đã có một chuyến thăm Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch thương mại của Myanmar năm 2015. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang xây dựng một đặc khu kinh tế, nhà máy điện và một cảng biển nước sâu ở phía Tây Myanmar.
Kinh tế Myanmar được dự báo tăng trưởng 7% trong năm 2016, kinh tế Lào tăng 7,5%. Tăng trưởng kinh tế nhanh hơn kéo theo thu nhập tăng và giảm tỷ lệ nghèo.
>>Vì sao các doanh nghiệp Trung Quốc "đi săn" khắp thế giới?
Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB), số người có mức sống từ 1,9 USD/ngày trở xuống ở Campuchia đã giảm còn 2,2% dân số vào năm 2012, từ mức 30% vào năm 1994. Tại Lào, tỷ lệ nghèo còn 16,7%, từ mức 22,9% vào năm 1992.
Cùng với sự nảy nở của mối quan hệ Trung Quốc-Campuchia, thương mại song phương tăng mạnh, đạt mức 4,8 tỷ USD vào năm 2015. Kim ngạch này cao gấp đôi so với năm 2012, năm mà Campuchia bắt đầu xích lại gần Trung Quốc bằng cách phản đối việc đề cập đến sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông trong tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh.
Phần lớn vốn Trung Quốc chảy vào Campuchia, Lào và Myanmar đều là vốn vay với điều kiện ưu đãi dành cho các dự án xây dựng do các công ty Trung Quốc làm nhà thầu, đặc biệt là ở Lào, theo ông Derek Scissors - chuyên gia kinh tế trưởng của tổ chức China Beige Book International có trụ sở ở Washington. Năm 2005, các dự án xây dựng và đầu tư khác của Trung Quốc tương đương khoảng 15% GDP của Lào.
Tỷ lệ dân số Lào được tiếp cận với điện đã tăng từ mức 15% vào giữa thập niên 1990 lên gần 90% vào năm 2014. Theo WB, lưới điện của nước này đang gặp thách thức ngày càng lớn trong việc đáp ứng nhu cầu với tốc độ tăng trưởng 13% mỗi năm. “Ngành điện của Lào về cơ bản là do Trung Quốc xây dựng, đưa điện đến phần đông dân số”, ông Scissors nói.
>>Doanh nghiệp Trung Quốc "đổ bộ" đầu tư ra nước ngoài
Campuchia, Lào và Myanmar đang ngày càng gia nhập sâu hơn vào chuỗi phân phối của Trung Quốc. Các nước này mua hàng hóa trung gian từ các nhà máy của Trung Quốc và bán những mặt hàng tiêu dùng như quần áo và giày dép thường là hàng sản xuất bởi các công ty Trung Quốc. Dữ liệu của IMF cho thấy, nhập khẩu của Trung Quốc từ 3 quốc gia này đã tăng hơn gấp 2 lần trong 5 năm qua.
Sự phụ thuộc như vậy vào Trung Quốc không phải là không có rủi ro. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Campuchia và chiếm khoảng 43% tổng nợ của nước này, chủ yếu là các khoản vay từ các ngân hàng phát triển của Trung Quốc dành cho Chính phủ Campuchia, theo IMF. Tương tự, giá trị các dự án đường sắt do Trung Quốc xây dựng ở Lào tương đương khoảng một nửa GDP (10,5 tỷ USD) của nước này trong năm 2015.
“Sự phụ thuộc vào một nền tảng sản xuất và xuất khẩu nhỏ hẹp có nhiều điểm bất lợi”, IMF nói trong một báo cáo mới đây. “Phần lớn các nhà máy dệt may của Campuchia tập trung vào những quy trình đơn giản nhất nằm ở phần đáy của chuỗi giá trị và chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ hoạt động sản xuất dệt may nói chung. Bởi vậy, các nhà máy ở Campuchia có vị thế thấp và ít độc lập”.
Tuy nhiên, Campuchia có sức hấp dẫn đặc biệt lớn đối với những công ty Trung Quốc muốn chuyển sản xuất ra nước ngoài, phù hợp với chiến lược xuất khẩu công suất công nghiệp của Trung Quốc thông qua những sáng kiến như “một vành đai, một con đường”. Mức lương tháng trung bình ở Campuchia là 121 USD, chỉ bằng khoảng 1/5 so với mức 613 USD ở Trung Quốc, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).