Trung Quốc "áp sát" Đông Nam Á nhờ... Donald Trump

Quốc tế - Ngày đăng : 06:55, 15/12/2016

Với triển vọng chính sách bảo hộ mậu dịch bao trùm Mỹ dưới thời Donald Trump, Trung Quốc đang "áp sát" Đông Nam Á bằng một lực đẩy thương mại và đầu tư mới.
Trung Quốc

Với triển vọng chính sách bảo hộ mậu dịch bao trùm Mỹ dưới thời Donald Trump, Trung Quốc đang "áp sát" Đông Nam Á bằng một lực đẩy thương mại và đầu tư mới.

>>Đông Nam Á và sự thay đổi mang tên Trung Quốc

Theo ước tính của Credit Suisse Group, trong năm 2016, Trung Quốc gần như đã tăng gấp đôi khối lượng đầu tư trực tiếp vào 6 quốc gia lớn nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vốn đã là đối tác thương mại hàng đầu đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực.

“Trung Quốc có quan điểm rõ ràng, họ biết họ muốn gì từ hình thức tăng trưởng có lợi chung này”, Santitarn Sathirathai – nhà kinh tế học tại Credit Suisse Singapore nhận định. “Nhưng đó không chỉ là chuyện giữa các chính phủ, vai trò của nhóm tư nhân đang ngày một tăng cao”.

Philippines và Malaysia đã bước những bước đi dứt khoát về phía Trung Quốc. Trong chuyến công du đầu tiên đến Bắc Kinh hồi tháng 10, Tổng thống Philippines Duterte cho biết, ông muốn cắt giảm mối ràng buộc với Mỹ vốn là đồng minh quân sự quan trọng của Philippines và xoay trục sang Trung Quốc.

Còn về phía Malaysia, Thủ tướng Najib Razak đã ký kết các thỏa thuận giá trị khoảng 30 tỷ USD bao phủ nhiều ngành, từ năng lượng cho đến đường sắt. Ông nói, Trung Quốc và Malaysia có một mối liên hệ đặc biệt dựa trên văn hóa và tín ngưỡng chung. Quan hệ giữa 2 quốc gia đang hướng tới một tầm cao mới.

Trong khi Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất ở Philippines, Trung Quốc đang nhăm nhe thay thế vai trò của Mỹ trong năm 2017 với nguồn lực đầu tư cứng và mềm trị giá 24 tỷ USD và dòng vốn 2,5 tỷ USD. Tiết lộ về kế hoạch thúc đẩy mối quan hệ với Philippines, Trung Quốc cho biết phía này sẽ thúc đẩy hàng nhập khẩu nông nghiệp, khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư, cấp vốn cho các dự án hạ tầng và dỡ bỏ nhiều quy định đầu tư nước ngoài.

>>Trung Quốc hưởng lợi nếu Mỹ rút khỏi TPP

Credit Suisse ước tính trong năm 2105  tổng vốn FDI của Trung Quốc tại 6 quốc gia lớn nhất Đông Nam Á sẽ đạt khoảng 16 tỷ USD. Trung Quốc cũng chiếm khoảng 30% tổng FDI tại Thái Lan, ở Malaysia là 20%.

Tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, khối lượng đầu tư FDI của Trung Quốc cũng tăng mạnh sau 5 cuộc họp giữa Tổng thống Indonesia và Chủ tịch nước Trung Quốc, đạt 1,6 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2016, tăng khoảng 600 triệu USD từ cuối năm 2015. Trung Quốc hiện nay đang là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại đây, chỉ sau Singapore và Nhật Bản.

Ngoài Bắc Kinh, Đài Loan và Tokyo cũng đang tìm cách thắt chặt mối quan hệ kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á, nhằm tận dụng lợi thế chi phí nhân công rẻ và tốc độ tăng trưởng mạnh. Số lượng trụ sở của các công ty Đài Loan và Nhật Bản tại Đông Nam Á đang ngày càng gia tăng. Tất cả các nền kinh tế Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore đều dự kiến tốc độ tăng trưởng trong năm 2016 sẽ đạt hơn 3%.

Bên cạnh thương mại và đầu tư, du lịch cũng là ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhờ Trung Quốc, nhà kinh tế học Edward Lee của Standard Chartered Plc tại Singapore nhận định. Theo ước tính của ông, cứ 4 khách du lịch tại Thái Lan hiện nay là có 1 người Trung Quốc, con số này năm 2008 chỉ là 5%. Tại nhiều quốc gia khác trong khu vực, xu hướng này cũng ngày một rõ ràng.

“Khách du lịch Trung Quốc đang chiếm một tỷ trọng lớn tại các quốc gia Đông Nam Á. Tất cả các quốc gia trong khu vực đều đang dựa vào khách du lịch Trung Quốc để làm nguồn thu cho hiện tại và tương lai”, Lee cho biết.

Credit Suisse ước tính, nguồn thu từ khách du lịch Trung Quốc tăng 30% thì GDP Thái Lan sẽ tăng khoảng 1,6% và GDP Việt Nam tăng gần 1%.