Những hạn chế trong hoạt động xuất khẩu Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 09:31, 16/12/2016
Giới chuyên gia đánh giá tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 không bằng những năm trước, nguyên nhân bởi trình độ công nghệ của Việt Nam còn thấp, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Tại Hội nghị Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025 diễn ra ngày 14/12, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn 2006-2015, kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình hằng năm 17,5%/năm, trong đó năm 2011 và 2008 có mức tăng trưởng cao nhất lần lượt là 34,2% và 29,1%. Trong thời gian này, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 4 lần, tương đương 122 tỷ USD, từ mức 39,8 tỷ USD năm 2006 lên 162 tỷ USD năm 2015.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến, chiếm tỷ trọng trên 78% kim ngạch xuất khẩu, giảm dần nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản.
Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày chủ yếu là gia công, trong khi các mặt hàng nông sản - thế mạnh của Việt Nam lại xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thu về không nhiều.
Đáng chú ý nhất là sức cạnh tranh của hàng hóa còn kém. Các ngành sản xuất của Việt Nam còn một số tồn tại, yếu kém cần phải cải thiện, cũng như đang phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Các doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế; sức cạnh tranh kém so với các đối thủ quốc tế, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.
Ông Phạm Tất Thắng - Cố vấn cấp cao Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam có đến 95% DN là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên việc tập trung cho công nghệ còn hạn chế. Thậm chí, nhiều DN Việt Nam làm ăn phi công nghệ, 45% DN có công nghiệp trung bình thấp, chỉ có 8% là có trình độ công nghệ trung bình và chỉ khoảng 2% DN có trình độ cao.
Ông Phạm Tất Thắng nhận định thêm, xuất khẩu năm 2016 về tốc độ tăng trưởng không cao như những năm trước và xuất hiện nhược điểm như các mối quan hệ nhập siêu vẫn chưa được cải thiện, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường, và thậm chí phụ thuộc vào một số DN như hiện tượng Samsung thu hồi điện thoại Samsung Galaxy Note 7 vừa qua đã ảnh hưởng lớn tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
>Năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%: Có khả thi?
>Để dệt may – da giày thoát “kiếp gia công”
>Hậu sự cố Galaxy Note 7?