Đằng sau 10 triệu lượt du khách nước ngoài

Trong nước - Ngày đăng : 09:16, 29/12/2016

Sự kiện đón vị khách nước ngoài thứ 10 triệu vào cuối tuần rồi là cột mốc quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam.
Đằng sau 10 triệu lượt du khách nước ngoài

Sự kiện đón vị khách nước ngoài thứ 10 triệu vào cuối tuần rồi là cột mốc quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam.

Đọc E-paper

Năm 2016, du khách nước ngoài tăng trên 2 triệu lượt so với năm 2015, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, khách đến từ Đông Bắc Á, Tây Âu tăng mạnh nhất.

Bên cạnh việc tổ chức nhiều sự kiện lớn, năm 2016, Chính phủ tiếp tục chính sách miễn visa cho khách đến từ 5 quốc gia Tây Âu, gồm Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Điều này đã phần nào tạo đòn bẩy thúc đẩy khách nước ngoài đến Việt Nam.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành du lịch, ông Nguyễn Đức Ngọc - Tổng giám đốc Công ty Prive Hotels Management cho rằng, lượng khách nước ngoài tăng trong năm 2016 xuất phát từ việc hình ảnh Việt Nam đã xuất hiện nhiều trên các diễn đàn, phương tiện truyền thông nhiều nước. Hơn nữa, một số điểm đến, cơ sở lưu trú của Việt Nam đạt thứ hạng cao từ các cuộc bình chọn của một số tạp chí nổi tiếng cũng đã tạo sức hút đáng kể đối với du khách.

Với đà tăng trưởng về khách nước ngoài, tại Lễ bế mạc Năm du lịch quốc gia 2016: Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ngành du lịch sẽ tiếp tục hoàn thiện để thu hút du khách nước ngoài đến Việt Nam, chú trọng chất lượng dịch vụ, cơ sở lưu trú, lữ hành, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn.

>>Ngành du lịch đóng góp 6,6% GDP quốc gia

Theo đó, năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách nước ngoài, 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 460.000 tỷ đồng.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Ngọc cho rằng, điều quan trọng để Việt Nam có sức hút và “níu chân” du khách nước ngoài là tăng cường sự trải nghiệm của khách thông qua chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng như tăng cường sự tương tác giữa khách với người dân địa phương.

Lấy ví dụ từ trường hợp của TP.HCM (địa phương vừa đạt 5 triệu lượt khách nước ngoài năm 2016), đại diện Công ty Prive Hotels Management đánh giá, việc đưa vào vận hành phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 thời gian qua đã mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách bởi họ có thể khám phá những nét văn hóa, lối sống của người bản địa khi hòa vào tuyến phố này.

Trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội gần đây, lãnh đạo TP.HCM đặt vấn đề, để tăng lượng khách nước ngoài đến Thành phố, trong năm 2017, ngành du lịch sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch đường sông, du lịch làng nghề và ẩm thực, cùng với tổ chức giải trí, mua sắm cho du khách.

Chẳng hạn như du lịch đường sông, Thành phố tăng thêm điểm đến, liên kết các điểm trong khu vực để đưa khách đến tham quan, khám phá. “Trải nghiệm là yếu tố rất quan trọng để khai thác tiềm năng từ nguồn khách nước ngoài” - ông Ngọc nhấn mạnh.

Song song đó, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện giao thông kết nối giữa các điểm đến, cơ sở lưu trú để rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho du khách. Điều này đã được một nhà đầu tư đang có ý định kinh doanh du lịch tại miền Trung chia sẻ khảo sát đối với phân khúc khách trung bình, rằng, phương tiện đi lại và khách sạn là hai yếu tố tạo “gánh nặng” cho du khách (nhưng lợi nhuận mang về cho ngành du lịch thấp).

Theo đó, trung bình du lịch trong vòng 18 tiếng đồng hồ, du khách nước ngoài sẽ chi khoảng 1.500USD cho di chuyển và từ 60 - 100 USD/đêm cho khách sạn. Trong khi những hạng mục mang lại lợi nhuận cao như ẩm thực và giải trí lại hạn chế. Khách đến miền Trung chỉ mất dưới 10USD/ngày cho giải trí và khách nhiều tiền chỉ tiêu dưới 100USD/chuyến cho nhu cầu mua sắm.

Trong khi đó, du lịch đến Thái Lan, trung bình du khách tiêu tiền cho mua sắm gấp 5 lần ở Việt Nam. Hơn nữa, đến Thái Lan, du khách không chỉ thăm thắng cảnh và đời sống văn hóa của dân bản địa mà có thể tham gia nhiều chương trình biểu diễn “đặc biệt chỉ có ở Thái”.

>>Khủng bố - "Kẻ hủy diệt" ngành du lịch của nhiều quốc gia

NGUYÊN BẢO