Myanmar - mảnh đất màu cho hàng "made in Vietnam"
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 04:32, 06/01/2017
Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg |
“Mỏ vàng cuối cùng trên thế giới chờ khai thác”. Không ít nhà đầu tư quốc tế đã dành cho Myanmar những lời có cánh như vậy.
Dân số trên 50 triệu người, trong đó phần lớn giới doanh nhân có thể sử dụng tiếng Anh, nguồn tài nguyên phong phú, cùng với sự dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ trong thời gian qua đã tạo ra một thị trường hấp dẫn cho giới doanh nhân quốc tế muốn kinh doanh ở Myanmar.
Sức mua lớn và tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng hàng tiêu dùng sản xuất nội địa của Myanmar mới đáp ứng được khoảng hơn 10% nhu cầu thị trường. Vì vậy, các mặt hàng thiết yếu đều phải nhập từ các nước láng giềng và có mức giá bán lẻ khá cao, đến hơn 10 - 30% so với mặt hàng tương tự tại Việt Nam.
Không ngạc nhiên, khi các băng-rôn quảng cáo hội chợ hàng Nhật bản, hàng Hàn Quốc, hàng Thái Lan… luôn vây kín các con phố chính. Các khách sạn 4 - 5 sao vốn khá hiếm hoi tại Yangon - thành phố lớn nhất Myanmar, luôn kín đặc các thương nhân đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác.
“Chuông reo chờ bắn”
Myanmar là một thị trường hiếm hoi mà hàng tiêu dùng Việt Nam được đánh giá cao, và “made in Vietnam” được coi là một biểu tượng của sự tin cậy. Điều bất ngờ thú vị này được tạo dựng từ những bước đi tiên phong của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Bắt đầu từ tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai (nằm tại vị trí đắc địa nhất Yangon) cho đến thời điểm hiện tại vẫn là tòa cao ốc sang trọng bậc nhất, phần nào trở thành biểu tượng của thành phố. Rồi những thành công tiếp nối của các “ông lớn” khác, như sữa Vinamilk, cáp điện Thịnh Phát, quạt điện Vina…
Cuối tháng 5/2016, mạng di động Viettel của Việt Nam cũng chính thức nhận được giấy phép đầu tư, trở thành nhà mạng thứ 4 tại Myanmar. Với số vốn cam kết đầu tư tới 1,5 tỷ USD cùng sự dày dạn kinh nghiệm trong những thị trường mới nổi, nhiều khả năng Viettel sẽ tiếp tục gặt hái những thành công theo cách rất riêng của mình.
Không ít doanh nhân Myanmar trong các cuộc trao đổi với người viết, đã bày tỏ kỳ vọng về sự đột phá của Viettel, mà theo họ sẽ tạo ra cuộc cách mạng về giá cả và dịch vụ cho thị trường di động, để rút ngắn khoảng cách giữa Myanmar với phần thế giới bên ngoài.
“Made in Vietnam” nơi đây, không chỉ là những chiếc nón lá hay tà áo dài, không chỉ là tô phở hay ly cà phê sữa đá, mà là những sản phẩm thuần Việt với giá trị gia tăng cao. Và không ít trong số đó đã chiếm vị trí dẫn đầu.
Không chỉ ông lớn
Hội chợ Vietnam Expo được tổ chức trong những ngày cuối năm 2016 tại Yangon đã quy tụ được hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia, thu hút sự chú ý của người dân và các đối tác kinh doanh bản địa. Ít vị khách nào rời hội chợ mà không mang sản phẩm thương hiệu Việt nào đó trên tay: chăn ga gối đệm Hanvico, mì ăn liền Cung Đình, thiết bị điện Điện Quang hay những thùng sữa Vinamilk…
Không chỉ là cuộc chơi của các ông lớn, những công ty vừa và nhỏ của Việt Nam cũng tìm được sân chơi của mình. Chẳng hạn, Ruler - một sản phẩm ổn áp tự động “ăn chắc mặc bền” của Việt Nam đã chính thức gia nhập thị trường Myanmar ngay sau hội chợ, thông qua một đối tác lớn. 2 showroom của Ruler đang được xây dựng tại 2 thành phố lớn nhất nước này: Yangon và Mandalay.
Nhà sản xuất cao tỏi nghệ Lá Phổi Xanh cũng ký được hợp đồng với nhà phân phối ngay trong những ngày đầu gặp gỡ với đối tác. Nơi đây, tỷ lệ người hút thuốc lá rất cao, nên sản phẩm cao tỏi nghệ thanh lọc phổi cho người hút thuốc được các bạn hàng quan tâm.
Hoặc ngay bên lề hội chợ, một nhà phân phối lớn của Myanmar nhờ người viết kiếm tìm nhà cung cấp sản phẩm quạt hơi nước (air-cooler) của Việt Nam. Hợp đồng có thể ký kết sớm nhất nếu có nhà cung cấp phù hợp.
“Bắn” có trách nhiệm
Nhưng với các thương hiệu Việt, sự phát triển bền vững vẫn là một điều đáng bàn, với nỗi lo những mặt hàng nhái, hàng kém chất lượng do chính các công ty Việt Nam sản xuất, đang và chắc chắn sẽ thâm nhập vào thị trường. Ngay trong hội chợ Vietnam Expo, đã có ít nhất 2 sản phẩm mang nhãn hiệu “na ná” của một thương hiệu Việt đã thành danh.
Cuộc cạnh tranh tại Myanmar chắc chắn sẽ khốc liệt hơn trong thời gian tới. Nơi đây, không chỉ là sự tham gia của các nhà sản xuất Thái Lan, Ấn Độ hay Trung Quốc như ở thị trường trong nước. Một thế lực đáng gờm khác, chắc chắn sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong tương lai gần, đó là sự tham gia của hơn 10 tỷ phú USD gốc Myanmar đang sinh sống ở nước ngoài. Với mạng lưới sẵn có cùng môi trường đầu tư đang ngày một thông thoáng, họ sẽ tìm ra cách kết nối thị trường nơi quê cha đất tổ và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bởi vậy, chuông đã reo, nhưng hãy “bắn” có trách nhiệm! Vì sự phát triển bền vững của thương hiệu Việt ở thị trường hiếm hoi và quý giá này!
(*) Tác giả là Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển thị trường Mancom
Nguồn: VnEconomy