VASEP sát cánh cùng doanh nghiệp

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 04:14, 11/01/2017

VASEP từng được biết đến là một trong số các tổ chức hiệp hội điển hình, có nhiều hoạt động thiết thực, làm tốt vai trò "cầu nối" giữa DN với chính quyền, giữa các DN trong nước và ngoài nước.
VASEP sát cánh cùng doanh nghiệp

Ngành thủy sản Việt Nam năm 2016 được nhận xét là có nhiều biến động, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015. 

Đọc E-paper

Đây được xem là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của các doanh nghiệp (DN) trong ngành, cùng với đó là sự đồng hành của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Mới đây, VASEP vừa tổng kết những sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2016.

Cụ thể gồm: sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu (4/2016); thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra cao (3/2016); hạn hán và xâm ngập mặn ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản (6/2016); giá cá tra giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (8 - 9/2016); thuế chống bán phá giá cho sản phẩm tôm tại Mỹ tăng cao (9/2016); xuất khẩu tôm năm 2016 đảo chiều đi lên so với năm 2015; Trung Quốc vượt EU, trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2; DN lúng túng khi thực hiện Chương trình thanh tra cá da trơn; tăng lương tối thiểu vùng, tăng gánh nặng cho DN; quy định mới của Mỹ: muốn xuất cá ngừ, phải bảo vệ cá heo; sửa Nghị định 36 về cá tra (7/2016); công bố nước mắm chứa Arsen gây hại cho cả ngành nước mắm truyền thống; Chính phủ đồng ý miễn kiểm tra đối với nguyên liệu thực phẩm nhập sản xuất xuất khẩu (12/2016); Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm (12/2016); thị trường nhập khẩu tăng cường hệ thống kiểm soát chất lượng; xuất khẩu cá ngừ hồi phục sau 3 năm sụt giảm.

Song hành cùng các sự kiện trên dường như đều có sự theo dõi sát sao cùng những lần can thiệp của VASEP. Điển hình như khi Chính phủ ban hành Nghị định 153/2016/NĐ-CP, quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Xét thấy nghị định này sẽ góp phần tăng gánh nặng cho DN nói chung và các DN xuất nhập khẩu ngành thủy sản nói riêng, trong suốt năm 2016, VASEP đã cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt May Việt Nam không ngừng kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội cân nhắc việc không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.

>>VASEP kiến nghị 11 biện pháp gỡ khó xuất khẩu thủy sản

Hay trước sự cố môi trường biển khu vực miền Trung bị ô nhiễm đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu của các DN ngành thủy sản, VASEP cũng đã gửi Công văn số 132/2016/CV-VASEP tới Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ DN chế biến xuất khẩu thủy sản và ngư dân 4 tỉnh miền Trung khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, VASEP thể hiện mối quan tâm sâu sát đến các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngành thủy sản, cụ thể là về việc sửa Nghị định 36 về cá tra.

Tháng 7/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất sửa Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, trong đó đáng chú ý nhất là việc không quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra, đồng thời bỏ việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu qua Hiệp hội Cá tra Việt Nam.

Tại Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP theo hướng sửa đổi biện pháp quản lý để thay thế quy định hiện hành về xác nhận hợp đồng trước khi xuất khẩu cá tra nhằm giảm thủ tục hành chính cho DN.

Thời hạn yêu cầu hoàn thành là quý I/2016, thế nhưng đến nay dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP vẫn đang được xây dựng.

Đáng chú ý là mới đây, tháng 12/2016, Chính phủ đồng ý miễn kiểm tra đối với nguyên liệu thực phẩm nhập sản xuất xuất khẩu. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016.

Theo đó, Chính phủ thống nhất cho phép DN được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn tiếng Việt đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đây cũng là một trong những kiến nghị quan trọng của các DN xuất khẩu thủy sản trong suốt hai năm qua.

VASEP từng được biết đến là một trong số các tổ chức hiệp hội điển hình, có nhiều hoạt động đồng hành cùng DN khá thiết thực và luôn làm tốt vai trò "cầu nối" giữa DN với chính quyền, giữa các DN trong nước và ngoài nước.

>>VASEP cảnh báo rủi ro trong thanh toán quốc tế

MAI PHƯƠNG