Quản trị rủi ro pháp lý - việc không thể xem nhẹ
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 00:02, 13/01/2017
Doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam đang góp phần tích cực thay đổi diện mạo của nền kinh tế đất nước. Một trong những vấn đề cần kiểm soát nhất ở khối DN quan trọng này là rủi ro pháp lý.
Đọc E-paper
Để nhận biết được rủi ro pháp lý thì phải biết khoanh vùng rủi ro. Muốn làm được như vậy, những người quản lý, điều hành DN phải biết luật và hiểu luật. Tùy vào kế hoạch phát triển DN ở từng thời điểm, cách ứng xử và quan điểm giải quyết các vấn đề pháp lý cần có những nguyên tắc thống nhất - thể hiện trong chiến lược quản trị rủi ro pháp lý.
Có bốn cách đối diện với các vấn đề pháp lý thường được các DN tại Việt Nam áp dụng:
Phòng tránh rủi ro. DN thường có kế hoạch phòng tránh rủi ro bằng việc xây dựng chính sách quản trị và bổ nhiệm nhân sự để thực hiện. Riêng DN vừa và nhỏ hay DN khởi nghiệp thường chọn cách "né tránh" - hạn chế đối mặt với các rủi ro pháp lý. Nếu có rủi ro tiềm ẩn thì họ có thể cân nhắc rất kỹ khi hành động.
Giảm thiểu rủi ro. Để giảm thiểu rủi ro, DN cần giảm các quyết định "mạo hiểm" - không phù hợp với pháp luật, cần có nhiều phương án tận dụng các nguồn lực nhằm hạn chế rủi ro. Thời điểm hạn chế rủi ro thường là lúc mới phát hiện. Đối với những DN có định hướng phát triển bền vững, cần có giải pháp chiến lược ngay từ đầu để không tốn thời gian và chi phí cho việc giải quyết các rủi ro.
Chuyển giao hoặc phân tán rủi ro. DN càng lớn thì việc phân quyền quản lý và điều hành càng phức tạp. Để "chuyển giao rủi ro", DN lớn thường ký hợp đồng sử dụng dịch vụ pháp lý với các luật sư. Ngoài ra, không ít DN lớn của Việt Nam đã phân tán rủi ro bằng việc hình thành các công ty đầu tư hay chuyển nhân sự, dự án sang công ty con để kinh doanh.
>>Pháp lý trong quản trị nhân sự doanh nghiệp
Chấp nhận rủi ro. Có thể là chấp nhận thụ động, nhưng cũng có trường hợp là chủ động. DN chấp nhận thụ động khi nhận biết được rủi ro, nhưng không đánh giá hay xây dựng được phương án xử lý rủi ro. Còn chấp nhận rủi ro chủ động là khi DN chủ động thực hiện các bước đánh giá rủi ro, đo lường mức độ rủi ro, phương án xử lý sự cố trước khi hành động và sẵn sàng đón nhận hậu quả nếu quyết định kinh doanh có rủi ro.
Pháp lý trong kinh doanh ở Việt Nam là vấn đề phức tạp, đa phần các chủ DN đều hiểu điều này nên cố gắng tránh đụng chạm. Từ đó họ cho rằng việc tuân thủ pháp luật và giải quyết ngay khi có sự cố bằng các biện pháp tránh đối đầu, tránh xung đột để mang lại sự ổn định trong kinh doanh là điều cần thiết. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", theo tôi, là điều nên làm, cần làm.
Ở góc độ kinh tế học, quản trị rủi ro pháp lý hiểu nôm na là quá trình nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu tác động về pháp lý lên hoạt động kinh doanh của DN. Quản trị rủi ro tuân thủ là quá trình kiểm soát yếu tố chấp hành đúng quy định luật pháp và nội bộ DN. Việc xác định các loại rủi ro này tùy vào mỗi DN mà thiết lập các phòng ban phù hợp để quản lý. Điều quan trọng cần lưu ý là việc quản trị rủi ro pháp lý phải căn cứ vào môi trường kinh doanh mà DN đang chịu tác động.
Cũng tùy vào tình hình tài chính của DN mà việc quản trị được thực thi ra sao. Thuê luật sư tư vấn quy trình kiểm soát rủi ro là một lựa chọn. Còn nếu DN có khả năng thì có thể thiết lập các phòng ban phù hợp (thường là phòng pháp lý và tuân thủ) để thực thi. Nhưng, dù chọn cách nào thì cũng phải hướng đến việc giải quyết các vấn đề pháp lý, giải quyết các tranh chấp và tranh tụng, kiểm soát tuân thủ, kiểm soát nội bộ (kể cả việc kiểm toán nội bộ, thu hồi công nợ, quan hệ chính phủ và tư vấn về thuế - kế toán).
Ở các quốc gia phát triển, DN đều có luật sư riêng hoặc có văn phòng luật sư tư vấn cho các giao dịch. Ở Việt Nam, "thói quen" này chưa phổ biến, trừ một số công ty đa quốc gia, công ty có quy mô lớn hoặc đã niêm yết.
Tóm lại, quản trị pháp lý và tuân thủ là công việc quan trọng trong mỗi DN. Chính sách pháp lý về kinh doanh của Việt Nam đang và sẽ thay đổi. Và, không gì có thể đảm bảo DN sẽ không có rủi ro từ việc thay đổi đó. Vì vậy, muốn "phòng bệnh", theo tôi, các nhà lãnh đạo DN cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn cách "ứng xử" với các rủi ro pháp lý.