Việt Nam chưa có thị trường tranh đúng nghĩa?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:54, 16/01/2017
Tôi chơi tranh từ năm 2012 và mấy năm nay thường in mẫu lịch Tết bằng bộ sưu tập tranh của tôi và gửi cho khách hàng. Khách hàng là doanh nhân nước ngoài sau khi nhận lịch mẫu thì khá tò mò về tranh Việt Nam. Nhiều người trong số họ rất muốn được xem tranh trong bộ sưu tập của tôi cũng như tranh của Việt Nam. Tôi chụp ảnh tranh và gửi cho họ, sau đó nhiều người đã mua những bức tranh ấy.
Đọc E-paper
Sau 4 năm chơi tranh, tôi nhận thấy ở nước ngoài, nhiều doanh nhân sưu tập tranh để chơi và để kinh doanh. Trong số họ có nhiều người hiểu biết về hội họa.
Nhìn gần nhất là các nước trong khu vực. Nếu như Hong Kong và Singapore có các hội chợ về tranh, hay triển lãm đầy uy tín thì Indonesia, Malaysia hay Philippines cũng rất phát triển về hội họa và giá tranh ở đó khá cao. Đấy là chưa kể thị trường to lớn Trung Quốc. Họa sĩ nổi tiếng Trung Quốc có giá tranh tính theo triệu USD.
Việt Nam thì sao? Việt Nam có trường mỹ thuật đầu tiên ở Đông Dương và có nhiều họa sĩ được đào tạo bài bản, tranh của họ rất đẹp, nhưng giá không cao, nếu không nói là thấp nhất Đông Nam Á.
Tại sao lại như vậy? Tôi nghĩ là do chúng ta chưa có thị trường tranh đúng nghĩa. Trước đây còn nghèo, nhiều họa sĩ và nhà sưu tập chủ yếu bán tranh cho khách tây, nhiều nhất là tây du lịch ba lô. Bây giờ kinh tế đã khá phát triển nhưng tranh vẫn bán cho Tây là chủ yếu.
Tranh nghệ thuật ở các nước được hỗ trợ bởi đội ngũ doanh nhân và nhiều ngân hàng. Như Singapore thì Ngân hàng OCBC và UOB đã có quỹ hỗ trợ tranh, họ mua và đẩy giá tranh của Singapore và thậm chí các nước khác lên rất cao. Với họ, nghệ thuật là khoản đầu tư rất đáng giá.
>>Sốt ruột nhìn thị trường tranh Trung Quốc
Ở Việt Nam, doanh nhân ít chơi tranh và ít khi bỏ tiền lớn mua tranh, hơn nữa tranh giả không được xử lý dứt điểm, làm mất lòng tin của người chơi tranh. Nhiều người mua tranh do niềm tin, do nhìn thấy họa sĩ, nhưng có những phiên đấu giá, những cuộc triển lãm mà khi báo chí đưa tin có tranh giả, thậm chí toàn bộ đều giả thì cũng không có cách xử lý dứt điểm làm cho người chơi tranh không dám mua để chơi chứ chưa nói để kinh doanh.
Có nhiều cuộc đấu giá không thành công hay thậm chí đấu giá xong người thắng không trả tiền thì còn lâu mới có chữ tín cũng như xây dựng uy tín trong hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung.
Doanh nhân không sưu tập tranh, ngân hàng không đầu tư vào tranh thì không có thị trường tranh sôi động và có giá trị lớn. Nếu họa sĩ chỉ dựa vào người mua nước ngoài thì dù tranh đẹp đến đâu giá vẫn thấp, và không được coi trọng như tranh các nước láng giềng.
Và có một điều rất khác là khi viết di chúc, doanh nhân nước ngoài thường có một danh mục rất giá trị là những bức tranh nổi tiếng sưu tập được để lại cho hậu thế, còn doanh nhân Việt Nam thì hầu như không có.
Vậy làm sao để tranh Việt Nam có giá?
Đây quả là một câu hỏi rất khó trả lời một khi Việt Nam chưa có thị trường tranh đúng nghĩa và doanh nhân chưa vào cuộc chơi tranh, kinh doanh tranh.