Ngành da giày Việt Nam: Chủ động khai thác lợi thế từ FTAs

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 09:20, 18/01/2017

Không quan tâm nhiều đến TPP, các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm theo hướng khai thác lợi thế và tiềm năng mở cửa thị trường tại các nước tham gia FTA mà Việt Nam đã ký.
Ngành da giày Việt Nam: Chủ động khai thác lợi thế từ FTAs

Không quan tâm nhiều đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp (DN) ngành da giày Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm da, giày theo hướng khai thác lợi thế và tiềm năng mở cửa thị trường tại các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký. 

Đọc E-paper

Theo thông tin từ Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ tại buổi họp mặt cuối năm vào ngày 12/1 tại TP.HCM, tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành da - giày - túi xách Việt Nam năm 2017 dự kiến sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2016.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da - giày - túi xách có thể đạt khoảng 5% và kim ngạch xuất khẩu của giày dép tăng 10%, túi xách các loại tăng 12% so với năm 2016.

Nói về tiềm năng của ngành - ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT TBS Group và Chủ tịch Lefaso cho hay, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về sản lượng giày dép và có tỷ trọng xuất khẩu cao với tỷ lệ 91,3% trên tổng sản lượng giày sản xuất trong nước, bao gồm: giày thể thao chiếm tỷ lệ 3,8% thị phần thế giới (276 triệu đôi), giày, dép da: 13,4% (293 triệu đôi), giày vải: 11,4% (446 triệu đôi), giày dép khác: 3% (22 triệu đôi). Trong khi đó, Campuchia xuất khẩu đạt 82,5% trên tổng sản lượng sản xuất và Trung Quốc đạt 73% sản lượng trong nước sản xuất.

Song song với nhận định từ phía Lefaso, thời gian qua, các chuyên gia quốc tế cũng dự báo kinh tế thế giới năm 2017 có xu hướng khởi sắc hơn năm 2016.

Trung Quốc tiếp tục chủ trương cắt giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành có công nghệ cao hơn, nên có khả năng một số đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, tận dụng cơ hội Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Do đó, đây được xem là cơ hội cho các DN ngành da - giày - túi xách Việt Nam.

Trước cơ hội lớn, các DN ngành da - giày - túi xách phía Nam cho biết, vấn đề của DN trong ngành là phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới mô hình sản xuất, tham gia các chuỗi sản xuất da giày trong nước, trong khu vực và toàn cầu. Phát triển thị trường da giày theo hướng xây dựng hệ thống phân phối hiện đại và tập trung để nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, phía Lefaso còn nhấn mạnh, hiện nay, một số DN ngành da - giày - túi xách đang tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị, hiện đại hóa và mở rộng quy mô sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Theo chia sẻ của ông Thuấn, các DN trong ngành đã đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để sẵn sàng bước vào cuộc chơi hội nhập toàn cầu.

Song, để có thể tạo sự phát triển đồng bộ, phía Lefaso đã đưa ra những kiến nghị liên quan đến các vấn đề về thuế, phí. Cụ thể, Nhà nước cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ DN theo các chương trình, hay có các gói hỗ trợ thiết thực, đơn cử như ưu đãi tín dụng, ưu đãi thuê đất, ưu đãi thuế để DN mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tăng cường kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại của ngành để mở rộng thị trường, nhất là tham gia các hội nghị và hội chợ quốc tế chuyên ngành da giày và thâm nhập các kênh phân phối hàng hóa ở nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành da - giày - túi xách theo hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm tỷ lệ gia công xuất khẩu và có các chương trình hỗ trợ DN phát triển sản xuất.

>>Xuất khẩu hàng dệt may, da giày không đạt kế hoạch

LÊ LOAN